Đây là những nguyên nhân tiềm ẩn gây mất an toàn giao thông đường sắt trong thời gian qua. Theo thống kê của ngành đường sắt, trong năm 2017, trên địa bàn TP.HCM đã xảy ra tám vụ tai nạn đường sắt, làm chết ba người, bị thương năm người. Mặc dù đã xảy ra những tai nạn thảm khốc nhưng hiện nay tại nhiều tuyến đường ngang với đường sắt, người dân vẫn vô tư chiếm dụng hành lang đường sắt để buôn bán, ăn ở, trồng cây… bất chấp hiểm nguy rình rập.
Ghi nhận chiều 13-5, tại tuyến đường ngang Km 1716+140 trên địa bàn phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức, nhiều người dân vẫn vô tư buôn bán tại đường ngang. Cách đó không xa là đường ray tàu ngập rác do những người buôn bán xả ra trông rất nhếch nhác. Mặc dù ngay tại đường ngang có gắn biển cấm xả rác nhưng dường như người dân chẳng mấy quan tâm.
Vô tư buôn bán tại tuyến đường ngang Km 1716+140 trên địa bàn phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức, TP.HCM. Ảnh: N.THẮNG
Buổi chiều, lượng phương tiện lưu thông qua đây rất lớn. Nhiều người đi qua đây gặp không ít khó khăn do diện tích mặt đường bị người buôn bán chiếm dụng khiến tình hình giao thông tại đây trở nên lộn xộn.
Tại đường ngang này, năm 2017 đã xảy ra tai nạn thảm khốc. Bà NTE, 44 tuổi, bị tàu hỏa húc tử vong tại chỗ do đi vào đường ray.
Trong khi đó, tại đoạn đường sắt đi qua phường 4 và 5, quận Gò Vấp, các hộ dân thản nhiên xả nước thải và rác ra đường ray khiến mương nước chạy dọc đường ray bị tắc nghẽn. TP.HCM đang vào mùa mưa, nguy cơ gây ngập tại đường ray này là rất lớn.
Tại quận Phú Nhuận, bên trong hành lang đường ray đi qua phường 10, nhiều người dân thản nhiên chiếm dụng đất để trồng cây, để vật liệu xây dựng... Thậm chí vài người dân còn mang bàn ghế ra ngồi ngay sát đường tàu để ăn uống rất nguy hiểm.
Tình trạng lấn chiếm hành lang đường sắt để buôn bán cũng xảy ra tại Km 1725+850 thuộc phường 11, quận 3. Ngay trước cửa trạm gác tàu, người dân tha hồ buôn bán nhưng không thấy ai bị nhắc nhở.
Trước đó, tại buổi làm việc với Ban An toàn giao thông TP.HCM ngày 11-5, ông Vũ Quang Khôi, Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam, đề nghị Sở GTVT, các quận/huyện và các phường có đường sắt đi qua tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về đường sắt đến nhân dân; quyết liệt thực hiện các biện pháp đảm bảo trật tự an toàn giao thông tại các điểm giao cắt đường bộ, đường sắt trên địa bàn. Đề nghị Cục CSGT chỉ đạo các đơn vị CSGT địa phương tăng cường tuần tra kiểm soát, xử lý các hành vi vi phạm quy định về trật tự an toàn giao thông đường sắt.