Tranh cãi về đánh thuế đặc biệt game online

(PLO)- Việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với game online không sai nhưng để đảm bảo quyền lợi cho các cá nhân, doanh nghiệp thì cần cân nhắc nhiều yếu tố.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Tại dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đang được lấy ý kiến, Bộ Tài chính đề xuất đưa dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng (game online) vào diện chịu thuế này.

Lý giải về đề xuất trên, Bộ Tài chính cho rằng kinh doanh game hiện có doanh thu lớn, mức lợi nhuận cao so với các loại hình kinh doanh khác, thu hút mọi độ tuổi, tầng lớp dân cư, đặc biệt là giới trẻ tham gia. Vì vậy để góp phần định hướng sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng và góp phần tăng cường quản lý hoạt động này, cần nghiên cứu bổ sung loại hình kinh doanh dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng vào đối tượng chịu thuế TTĐB với mức thuế suất hợp lý để đảm bảo hạn chế dịch vụ này.

Đồng tình nhưng cần tính toán kỹ

Luật sư (LS) Nguyễn Đức Nghĩa, chuyên gia thuế, cho rằng thuế TTĐB là loại thuế gián thu, đánh vào một số loại hàng hóa, dịch vụ mang tính chất xa xỉ nhằm điều tiết việc sản xuất, nhập khẩu và tiêu dùng xã hội. Sắc thuế này cũng điều tiết mạnh thu nhập của người tiêu dùng, góp phần tăng thu cho ngân sách nhà nước. Thuế này do các cơ sở trực tiếp sản xuất ra hàng hóa đó nộp nhưng người tiêu dùng là người chịu thuế vì thuế được cộng vào giá bán.

“Game online là loại hình giải trí gắn với sự phát triển của Internet, thu hút mọi độ tuổi, đặc biệt là giới trẻ tham gia. Nói đến game online thì mọi người thường có chung quan điểm là cần hạn chế sử dụng. Vì vậy, lĩnh vực không khuyến khích tiêu dùng thì có thể xem xét áp dụng thuế TTĐB” - LS Nghĩa phân tích.

Bộ Tài chính muốn áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt lên game online để điều hướng tiêu dùng. Ảnh: THU HÀ
Bộ Tài chính muốn áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt lên game online để điều hướng tiêu dùng. Ảnh: THU HÀ

Dù cho rằng việc đưa loại hình game online vào diện chịu thuế TTĐB là hợp lý nhưng LS Trương Đức Nghĩa lưu ý rằng ngành game online đang có nhiều quốc gia khuyến khích phát triển vì mang lại nhiều doanh thu. Vì vậy, nếu Việt Nam áp mức thuế cao sẽ ảnh hưởng đến phát triển của ngành công nghiệp game non trẻ tại Việt Nam, khi đó các công ty game sẽ tìm cách lập công ty ở các nước có chính sách ưu đãi về lĩnh vực này như Singapore dẫn đến thất thu thuế.

Cùng góc nhìn, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế, cho rằng việc đề xuất áp dụng thuế TTĐB với game online là cần thiết. Bởi game online là một hình thức trò chơi giải trí nhưng mang tính chất “gây nghiện”, dễ dẫn đến tác động không tốt cho sức khỏe, nhận thức của con người. Thực tế trước đây đã từng xảy ra không ít vụ việc nổi cộm như trộm cắp, giết người mà nguyên nhân bắt nguồn từ đối tượng nghiện game online.

Tuy vậy, theo ông Thịnh, trước khi áp dụng sắc thuế này cần thêm nhiều nghiên cứu về mức thuế suất giữa công ty làm game và cá nhân làm game. Đặc biệt cần có chính sách khuyến khích các công ty game trong nước phát triển để hạn chế game nhập khẩu, game lậu tràn vào Việt Nam. Việc áp thuế phải hướng đến mục tiêu không làm hạn chế năng lực cạnh tranh của các công ty trong nước

Cần phân biệt rõ các loại game online

ThS Trần Minh Hiệp, giảng viên tổ thuế tài chính - khoa Luật thương mại Trường ĐH Luật TP.HCM, cho rằng liên quan đến đề xuất đánh thuế TTĐB với game online cần phải làm rõ nhiều điều. Thứ nhất là về xác định đối tượng chịu thuế. Game online có nhiều loại khác nhau, trong đó có loại có giá trị giáo dục, đào tạo; có loại thuần túy mang tính giải trí. Tuy nhiên, hiện tại chưa có tiêu chí phân loại xác định loại trò chơi nào cần hạn chế kinh doanh và tiêu dùng theo tiêu chí của thuế TTĐB. Như vậy việc xác định lý do và mục đích để điều tiết thuế là chưa hợp lý.

Thứ hai là về hành vi chịu thuế cũng cần xác định rõ hành vi chịu thuế là hành vi phát hành game, hành vi sản xuất game hay là hành vi kinh doanh game. Vì bản chất của thuế TTĐB là điều tiết một lần, vào một đối tượng chịu thuế. Trong khi đó, với mục tiêu hạn chế tiêu dùng thì phải điều tiết vào khâu kinh doanh chứ không phải điều tiết vào khâu phát hành. Trong khi theo nội dung đề xuất của Bộ Tài chính thì điều tiết vào khâu phát hành game là chưa hợp lý, gây khó khăn trong việc xác định giá tính thuế TTĐB.

“Từ phân tích trên, tôi cho rằng ở thời điểm hiện tại chưa nên tính thuế TTĐB đối với game online vì cơ quan thuế chưa chứng minh được lý do, mục đích điều tiết và cơ chế hành thu hiệu quả. Đồng thời, trong bối cảnh thị trường trò chơi điện tử tại Việt Nam còn khá non trẻ nên việc đánh thuế có nguy cơ đẩy các nhà phát hành, sản xuất trò chơi điện tử sang các nước khác, đặc biệt là Singapore vì họ ưu đãi thuế” - ThS Trần Minh Hiệp cảnh báo.

Trong khi đó, chuyên gia thuế Trương Đức Nghĩa nhận định đối với những công ty phát hành game xuất khẩu game ra thế giới thu ngoại tệ về thì cần phải khuyến khích phát triển. Ngoài ra, hiện nay nhiều cơ quan quản lý nhà nước vẫn chưa có nhiều nghiên cứu, đánh giá sâu về ngành này. “Vì vậy, nếu muốn đánh thuế thì cần phải có sự đối thoại giữa nhà phát hành game với cơ quan quản lý, nhà đầu tư để có những giải pháp quản lý cũng như chính sách phát triển đúng hướng” - ông Nghĩa bày tỏ quan điểm.

Doanh thu game cao nhưng nộp thuế không nhiều

Thống kê của Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử thuộc Bộ TT&TT cho thấy ngành kinh doanh trò chơi tại Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ, ước tính có gần 28,5 triệu người chơi. Riêng năm 2021, tổng doanh thu từ thị trường game Việt đạt khoảng 665 triệu USD, tăng 11% so với năm 2020, xếp thứ năm khu vực Đông Nam Á. Doanh thu các trò chơi sản xuất tại Việt Nam phát hành ở thị trường toàn cầu lên đến 200 triệu USD/năm.

Trên thực tế, trong khi các doanh nghiệp (DN) trong nước bị quản lý bởi nhiều quy định, các nhà cung cấp xuyên biên giới lại phát hành không phép, thanh toán qua trung gian và không phải đóng thuế.

Đến nay có hơn 220 công ty game trong nước được cấp giấy phép ở Việt Nam. Nhưng số DN thực sự hoạt động và cung cấp game ra thị trường chỉ còn 30 đơn vị, còn lại thoi thóp hết vì không thể cạnh tranh với game nước ngoài.

MINH HOÀNG

Cần hành lang pháp lý cho game NFT

Trong thời gian gần đây, tài sản số đã trở thành mối quan tâm của giới đầu tư và công nghệ trên khắp thế giới. Tại Việt Nam, làn sóng này cũng bắt đầu lan rộng, kéo theo đó những loại hình trò chơi trực tuyến tạo ra tài sản số (gọi là game NFT) cũng nở rộ.

Thế nhưng theo ThS Trần Minh Hiệp, đối với game NFT (tức tài sản số) thì hiện tại Việt Nam chưa có quy định nào trong việc quản lý cũng như pháp lý để quản lý hoạt động thuế. Pháp luật Việt Nam chưa công nhận NFT là tài sản nên việc người chơi game nhận được NFT chưa bị điều tiết thuế thu nhập DN hay thu nhập cá nhân.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm