Trên 18 tuổi gây tai nạn nhưng chết, ai bồi thường?

Hỏi:
Người trên 18 tuổi gây tai nạn giao thông nhưng đã chết thì ai là người chịu trách nhiệm bồi thường cho người bị hại?
Trả lời:
1. Cơ sở pháp luật:
Bộ luật Dân sự năm 2005
2. Nội dung phân tích
Căn cứ theo khoản 1 Điều 606 của BLDS quy định về năng lực chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại của cá nhân thì người từ đủ 18 tuổi trở lên gây thiệt hại thì phải tự bồi thường. Việc tự bồi thường này không được hiểu là tự đem tiền bồi thường đến cho người được bồi thường mà có nghĩa là tiền này được trích ra từ tài sản của người phải bồi thường. Như vậy, nếu người gây thiệt hại chết nhưng nghĩa vụ bồi thường của họ vẫn tồn tại.
BLDS quy định người từ đủ 18 tuổi trở lên có năng lực chịu trách nhiệm bồi thường bởi người từ đủ 18 tuổi sẽ trở thành một công dân với đầy đủ các quyền, nghĩa vụ và bắt đầu có tài sản riêng được pháp luật công nhận và bảo vệ. Việc người trên 18 tuổi gây thiệt hại, tài sản của họ sẽ được đưa ra để thực hiện nghĩa vụ bồi thường. Trong trường hợp mà họ mất đi thì nghĩa vụ này cũng sẽ không vì thế mà bị hủy bỏ hay chuyển giao cho người khác. Theo đó, khi người này mất đi, tài sản mà họ để lại sẽ được chia thừa kế theo pháp luật hoặc theo di chúc mà họ để lại. Những người được thừa kế phải thực hiện nghĩa vụ tài sản mà người chết để lại theo quy định Điều 637 BLDS và thứ tự thanh toán sẽ theo Điều 683 BLDS:
"Điều 637. Thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại
1. Những người hưởng thừa kế có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ tài sản trong phạm vi di sản do người chết để lại, trừ trường hợp có thoả thuận khác.
2. Trong trường hợp di sản chưa được chia thì nghĩa vụ tài sản do người chết để lại được người quản lý di sản thực hiện theo thoả thuận của những người thừa kế.
3. Trong trường hợp di sản đã được chia thì mỗi người thừa kế thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại tương ứng nhưng không vượt quá phần tài sản mà mình đã nhận, trừ trường hợp có thoả thuận khác.
4. Trong trường hợp Nhà nước, cơ quan, tổ chức hưởng di sản theo di chúc thì cũng phải thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại như người thừa kế là cá nhân."
"Điều 683. Thứ tự ưu tiên thanh toán
Các nghĩa vụ tài sản và các khoản chi phí liên quan đến thừa kế được thanh toán theo thứ tự sau đây:
1. Chi phí hợp lý theo tập quán cho việc mai táng;
2. Tiền cấp dưỡng còn thiếu;
3. Tiền trợ cấp cho người sống nương nhờ;
4. Tiền công lao động;
5. Tiền bồi thường thiệt hại;
6. Thuế và các khoản nợ khác đối với Nhà nước;
7. Tiền phạt;
8. Các khoản nợ khác đối với cá nhân, pháp nhân hoặc chủ thể khác;
9. Chi phí cho việc bảo quản di sản;
10. Các chi phí khác."
Như vậy, nghĩa vụ bồi thường xét trên trách nhiệm dân sự phải căn cứ vào số tài sản người đã mất để lại để làm căn cứ thanh toán cho các nghĩa vụ tài chính phát sinh của họ. Vì họ đã trên 18 tuổi về nguyên tắc là người có năng lực pháp luật đầy đủ cho nên phải tự chịu trách nhiệm về lỗi do mình gây ra, do vậy họ phải có nghĩa vụ thanh toán dựa trên số tài sản họ đã tạo lập được.
Dựa trên phạm trù đạo đức truyền thống của người Việt Nam thì hai bên gia đình có thể tự thỏa thuận về nghĩa vụ và trách nhiệm bồi thường dựa trên các quy định của pháp luật. Pháp luật tôn trọng sự thỏa thuận của hai bên gia đình trong trường hợp đạt được thỏa thuận, trong trường hợp hậu quả pháp lý để lại là lớn hơn nhiều lần số tài sản thì bên bị thiệt hại có thể khởi kiện ra tòa để yêu cầu bồi thường, khắc phục hậu quả, tuy nhiên thiết nghĩ điều này rất khó khả thi, kể cả trường hợp bản án có được tuyên trên thực tế.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm