Trí tuệ nhân tạo sẽ giúp cuộc sống người dân TP.HCM tốt hơn

Sáng 25-9, UBND TP.HCM phối hợp cùng Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam tổ chức hội thảo quốc tế “Kinh nghiệm quốc tế và trong nước về nghiên cứu và ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI - Artificial Intelligence) - Khuyến cáo cho TP.HCM”.

AI giúp giải quyết kẹt xe, ngập nước

Ông Ousmane Dione, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, cho rằng tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh chóng thời gian qua cũng khiến cho TP.HCM gặp nhiều thách thức về kẹt xe, ngập nước, chất lượng môi trường cũng như những bất cập về cơ sở hạ tầng. “TP cần cung cấp việc làm bền vững hơn, dịch vụ công tốt hơn và chất lượng cuộc sống cho người dân cao hơn. Nhu cầu lớn về phát triển cơ sở hạ tầng trong điều kiện nguồn lực tài chính hạn hẹp đòi hỏi chính quyền TP khai thác cách tiếp cận thông minh về quy hoạch đô thị, bao gồm cả quy hoạch sử dụng đất, xây cơ sở hạ tầng mới và tối ưu hóa cơ sở hạ tầng hiện có” - ông Ousmane Dione nói và cho rằng AI là giải pháp giải quyết các thách thức này nếu có môi trường thuận lợi và phù hợp.

Ông lấy ví dụ ở thành phố lớn nhất của Argentina là Buenos Aires đã sử dụng AI để hướng tới bảo trì tối ưu hệ thống thoát nước mưa. Hay New York sử dụng AI để hướng tới kiểm tra an toàn thực phẩm tốt hơn. Các thành phố lớn như Thượng Hải, Singapore hay Seoul đã và đang lồng ghép AI trong từng đặc điểm đặc trưng nhất của thành phố mình.

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong  cùng các đại biểu. Ảnh: TÁ LÂM

Đào tạo AI cho học sinh xuất sắc

PGS-TS Vũ Hải Quân, Phó Giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, cho rằng để thực hiện mục tiêu xây dựng đô thị thông minh, phát triển công nghệ thông tin và đặc biệt là trí tuệ nhân tạo trên cần vạch ra những chiến lược rõ ràng từ cả ngắn hạn 2019-2020 đến dài hạn 2020-203. Theo đó, ba mũi nhọn cần tập trung bao gồm: Công tác nghiên cứu và đào tạo, nắm bắt công nghệ và đổi mới sáng tạo. Trong đó, việc đào tạo là quan trọng hàng đầu để có được nguồn nhân lực chất lượng cao, có thể triển khai các nội dung đào tạo về AI cho các học sinh xuất sắc tại các trường THPT chuyên. Ngoài ra, có thể triển khai các chương trình theo định hướng “đại học chia sẻ” giúp lan tỏa và nâng cao năng lực nghiên cứu và phát triển ứng dụng AI tại TP.

Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM, cho biết từ năm 2015 TP đã đưa các dự án ứng dụng AI vào chương trình kích cầu, hỗ trợ cho vay mỗi dự án 100 tỉ đồng. Từ năm 2017, TP đã tích hợp ứng dụng AI để xây dựng TP.HCM trở thành đô thị thông minh. “Điều này được kỳ vọng như một trong những hạt nhân để phát triển TP trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư” - ông Phong nói.

Tuy nhiên, ông Phong cũng nhìn nhận việc ứng dụng AI vào sản xuất, đời sống còn chậm, thậm chí còn kém so với các đô thị trên thế giới. Tình trạng này do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân nguồn lực chưa sẵn sàng đón nhận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư là điểm nghẽn kìm hãm sự phát triển ứng dụng AI trên địa bàn TP. “TP đang từng bước trở mình trở thành một siêu đô thị và mong muốn đem đến cho người dân những tiện ích mới, trong đó AI là một trong những giải pháp thực hiện mục tiêu này” - ông Phong nói.

Ứng dụng AI để cuộc sống của người dân tốt hơn

Phát biểu tại hội thảo, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân cho rằng suy cho cùng, ứng dụng AI là để cho người dân có cuộc sống tốt đẹp hơn, người dân được hạnh phúc hơn và đất nước phát triển bền vững. Do đó, ông đề nghị từ nay đến cuối năm phải xây dựng được chương trình ứng dụng, nghiên cứu và phát triển AI tại TP.HCM đến năm 2030.

Ngoài ra, ông Nhân cũng đề nghị cần có đề án số hóa tài nguyên của TP, trong đó có tài nguyên về hồ sơ nhà nước, dữ liệu các ngành và điều kiện phát triển của TP. “Tài nguyên số hóa này phải làm nhanh, không đợi cái khác, bởi có cái này rồi mới có “xăng để chạy xe” trí tuệ nhân tạo” - ông Nhân nói. Ông cũng đề nghị đến cuối năm phải có đề án số hóa TP.HCM.

Bí thư Nguyễn Thiện Nhân đề nghị cần tổ chức đào tạo ngay từ đầu theo phương châm “đại học chia sẻ”. Tức là các phòng thí nghiệm, các khoa AI của các trường đại học phối hợp lại làm chương trình đào tạo cử nhân trở lên. Ngoài ra, cũng phải đào tạo phổ cập cho cán bộ, công chức về AI.

Với AI, TP.HCM cùng cả nước tiến ra thế giới

Trong thời gian tới, ông Nhân cho biết TP.HCM cần xây dựng mô hình hệ sinh thái AI từ nguồn nhân lực, cơ sở nghiên cứu tại chỗ và thương mại hóa ngay tại TP.HCM, phục vụ cho người dân TP. Tuy nhiên, Bí thư Nguyễn Thiện Nhân cho rằng hệ sinh thái AI nếu chỉ cho/ở tại TP.HCM thì không phát triển được. Theo ông, hệ sinh thái đó phải làn tỏa và cả nước tham gia vào. Thị trường không chỉ bán cho người dân TP mà bán cho cả nước. Hệ sinh thái đó phải tham gia vào hệ sinh thái AI toàn cầu, tận dụng khả năng đào tạo quốc tế và khả năng nghiên cứu của các nước, từ đó sản phẩm làm ra không chỉ cho đất nước mình mà còn cho các nước trên thế giới. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm