Theo phát ngôn viên Baek Tae-hyun của Bộ Thống nhất Hàn Quốc, vào lúc 10 giờ 16 (giờ Hàn Quốc) sáng nay, Triều Tiên đã gửi một bản fax thông báo chấp nhận cuộc đàm phán do chính phủ Hàn Quốc đề xuất.
Theo ông Baek, văn bản do Triều Tiên gửi đến được ký tên Ri Son-gwon, người đứng đầu cơ quan phụ trách giải quyết các vấn đề liên Triều của Triều Tiên, trong khi đề tên người nhận phía Hàn Quốc là Bộ trưởng Bộ Thống nhất Hàn Quốc Cho Myoung-gyon.
Làng đình chiến Bàn Môn Điếm ở khu vực phi quân sự giữa biên giới hai nước. Ảnh: AP.
Cuộc gặp chính thức giữa hai nước sẽ diễn ra vào ngày 9-1 tại Nhà Hòa bình, trong làng đình chiến Bàn Môn Điếm, thuộc khu vực phi quân sự giữa biên giới hai nước. Đây sẽ là cuộc đối thoại đầu tiên giữa hai nước kể từ tháng 12-2015.
Chương trình nghị sự của cuộc gặp này dự kiến bao gồm cách để cải thiện mối quan hệ Hàn-Triều bị đình trệ nhiều năm qua, trong có việc Triều Tiên gửi phái đoàn sang Hàn Quốc dự Thế vận hội mùa đông.
Hãng thông tấn Yonhap dẫn lời một quan chức của Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc khẳng định “ưu tiên hàng đầu của cuộc hội đàm này là việc Bình Nhưỡng tham gia vào Thế vận hội mùa đông PyeongChang”. “Tôi tin rằng sẽ có những thảo luận liên quan đến việc cải thiện mối quan hệ giữa hai nước sau khi Triều Tiên tham gia vào thế vận hội” - vị quan chức nói.
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tuyên bố sẵn sàng gửi phái đoàn sang Hàn Quốc tham dự Thế vận hội mùa đông. Ảnh: KCNA.
Căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên những ngày qua đang có những chuyển biến tích cực sau khi nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un hôm 1-1 tuyên bố sẵn sàng gửi phái đoàn tham dự Thế vận hội mùa đông ở PyeongChang, Hàn Quốc. Bình Nhưỡng ngày 3-1 cũng nối lại đường dây liên lạc với Seoul ở khu vực đình chiến sau gần 2 năm đóng băng vì căng thẳng.
Trong khi đó, Mỹ và Hàn Quốc ngày 4-1 cũng đồng ý hoãn cuộc tập trận quân sự thường niên trong thời gian diễn ra thế vận hội. Triều Tiên từ lâu đã phản đối cuộc tập trận này, cho rằng đây là một cuộc diễn tập chiến tranh, trong khi Mỹ-Hàn khẳng định động thái này chỉ mang tính chất phòng thủ.
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã ca ngợi việc Triều Tiên tham gia Thế vận hội Pyeongchang sẽ "tạo ra một cơ hội rất tốt cho hòa bình và hòa giải giữa hai nước”, cũng như giúp mở đường cho việc giải quyết vấn đề hạt nhân trên bán đảo và các cuộc đàm phán rộng hơn giữa Mỹ và Triều Tiên.