Đài CNN cho hay, theo các bình luận được hãng thông tấn Triều Tiên KCNA công bố hôm 27-6, ông Kwon Jong-gun, Vụ trưởng Vụ Quan hệ với Mỹ thuộc Bộ Ngoại giao Triều Tiên, đã phủ nhận các khẳng định của ông Moon rằng cuộc đối thoại "phía sau hậu trường" đang diễn ra giữa Mỹ và Triều Tiên.
Phía Triều Tiên cũng cáo buộc Hàn Quốc "cố gắng cải thiện hình ảnh của mình" bằng cách hành động như thể họ đang trong vai trò “hòa giải”.
Trước đó một ngày, Tổng thống Moon nói rằng các quan chức từ Bình Nhưỡng đã nói chuyện "phía sau hậu trường" và "tham gia đối thoại liên quan đến hội nghị thượng đỉnh lần thứ ba".
Theo ông Moon, việc trao đổi thư từ gần đây giữa nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đưa ra những dấu hiệu rằng hai bên có thể hồi sinh các cuộc đàm phán phi hạt nhân bị đình trệ trong chuyến đi của ông Trump tới châu Á bắt đầu hôm 27-6.
Ông Kim Jong-un và ông Donald Trump. Ảnh: CNN
Các cuộc đàm phán công khai dường như chưa có dấu hiệu được nối lại kể từ khi hội nghị thượng đỉnh tháng 2 giữa ông Trump và ông Kim ở Hà Nội kết thúc mà không có thỏa thuận.
Đại diện đặc biệt của Mỹ về Triều Tiên, ông Stephen Biegun, đã tuyên bố hồi đầu tháng này rằng "cánh cửa đang rộng mở" để tiếp tục đàm phán, với lưu ý rằng "quan hệ ngoại giao Mỹ-Triều vốn đã ở trong khuôn khổ".
Ngoài ra, ông Kwon nói rằng sự liên lạc gần đây giữa hai nước là do mối quan hệ cá nhân giữa ông Trump và ông Kim. Bên cạnh đó, theo ông Kwon, kể từ khi nhậm chức vào năm 2017, ông Moon đã tự định vị mình là trung gian hòa giải giữa Mỹ - một đồng minh hiệp ước của Hàn Quốc - và Triều Tiên.
Theo ông Vipin Narang, giáo sư tại đại học MIT của Mỹ cho biết có vẻ như không có hội nghị thượng đỉnh nào sắp diễn ra. "Kỳ vọng của tôi rất thấp và tôi nghĩ rằng trong tương lai, tốt nhất là giữ chúng ở đó, nhiều khả năng sự phát triển sẽ đến từ các cuộc họp giữa các quan chức cấp cao, ông Narang cho hay.
Về một "diễn đàn khác" mà ông Trump từng nhắc đến, theo ông Narang đó có thể là các cuộc điện đàm giữa ông Trump và ông Kim.
“Vấn đề cối lõi là liệu Mỹ và Triều Tiên có sẵn sàng từ bỏ lập trường tối đa của họ hay không và hiện không có dấu hiệu nào cả. Mỗi ngày trôi qua, họ sẽ càng khó khăn hơn để làm điều đó vì rủi ro đối mặt với phản ứng dữ dội trong nước", ông Narang phân tích thêm.
Bên cạnh đó, bình luận của ông Kwon được công bố trên KCNA cũng cho rằng Mỹ cần xem xét một "đề xuất thực tế" trước khi Triều Tiên trở lại bàn đàm phán.
Đồng thời, ông Kwon cũng nhắc lại những bình luận mà ông Kim đưa ra trong một bài phát biểu chính sách quan trọng hồi tháng 4 rằng Mỹ cần thay đổi chiến lược đàm phán vào cuối năm nay hoặc Triều Tiên sẽ buộc phải đánh giá lại giá trị của các cuộc đàm phán.