“Cuộc tấn công mạng này được tiến hành thông qua Internet vào khoảng ngày 12-5, đã làm chao đảo nhiều cơ quan chính phủ và doanh nghiệp ở khoảng 150 quốc gia, trong đó có Mỹ, Anh, Pháp, Nga và Trung Quốc” - hãng thông tấn Yonhap ngày 17-5 trích dẫn báo cáo được đăng trên tờ Rodong Sinmun, cơ quan ngôn luận của đảng Lao động Triều Tiên.
Tờ báo dẫn thống kê từ Văn phòng Cảnh sát châu Âu (Europol) cho biết hơn 200.000 máy tính trên toàn cầu đã bị tê liệt. Tuy nhiên, tờ Rodong Sinmun không bình luận gì về việc liệu Triều Tiên có trở thành nạn nhân của cuộc tấn công này hay không.
Một nhân viên kiểm tra máy tính ở Cơ quan Internet và An ninh Triều Tiên tại Seoul, Hàn Quốc trước lo ngại về cuộc tấn công mã độc WannaCry. Ảnh: YONHAP
Tờ báo cũng nêu chi tiết một số trường hợp bị tấn công, trong đó có cuộc tấn công vào Bộ Nội vụ, ngân hàng và các cơ quan công cộng ở Nga; tấn công vào mạng lưới thông tin, ngân hàng và các công ty năng lượng ở Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha và cuộc tấn công mạng vào các nhà máy ô tô ở Pháp, Slovenia, Romania.
“Cộng đồng quốc tế bị chấn động bởi cuộc tấn công mạng lớn chưa từng có. Thế giới đang kêu gọi tăng cường nỗ lực để trấn áp các tội phạm mạng” - tờ Rodong Sinmun nhấn mạnh.
Nhóm tin tặc Triều Tiên hiện bị nghi ngờ là thủ phạm tiến hành cuộc tấn công mạng mã độc tống tiền WannaCry này bởi nước này được cho là có liên hệ với nhóm tin tặc Lazarus. Nhóm Lazarus bị tố tấn công mạng vào các ngân hàng Hàn Quốc vào năm 2013, Sony Pictures năm 2014 và Ngân hàng Trung ương Bangladesh hồi tháng 2 năm nay. Tuy nhiên, Triều Tiên kịch liệt phủ nhận những cáo buộc này.
“Báo cáo về WannaCry của Triều Tiên nhằm mục đích nhấn mạnh cuộc tấn công mạng này không liên quan gì tới nước này” - một nguồn thạo tin ở Triều Tiên nói.