Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị cáo buộc Mỹ là nhân tố chính kích động cuộc chạy đua vũ trang ở Biển Đông, hãng tin Reuters cho hay.
Ngày 9-9, phát biểu trong Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), ông Vương nói rằng Mỹ đang can thiệp trực tiếp vào các tranh chấp lãnh thổ và hàng hải ở Biển Đông để phục vụ cho các mục tiêu chính trị của riêng Washington.
Ông Vương cũng lặp lại lập trường của Bắc Kinh rằng "hòa bình và ổn định là lợi ích chiến lược lớn nhất của Trung Quốc ở Biển Đông, đây cũng là khát vọng chiến lược chung của Trung Quốc và các quốc gia ASEAN".
Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị. Ảnh: SCMP/EPA-EFE
Theo báo South China Morning Post, ông Vương cũng đề cập sự canh tranh toàn diện giữa Trung Quốc và Mỹ. Ông cảnh báo Mỹ phải lựa chọn giữa "chủ nghĩa đa phương và chủ nghĩa đơn phương", giữa "hợp tác đôi bên cùng có lợi và trò chơi có tổng bằng không".
Tuy nhiên, Trung Quốc sẵn lòng liên lạc và đối thoại với Mỹ để xây dựng sự hợp tác trong khu vực, ông Vương nói.
Nhà Trắng chưa có bình luận về phát biểu trên của Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc.
Từ tháng 7, Mỹ đã thay đổi cách tiếp cận với khu vực Biển Đông. Nhà Trắng chính thức bác bỏ yêu sách chủ quyền phi pháp mà Trung Quốc tuyên bố trên gần hết diện tích Biển Đông.
Cuối tháng 8, 24 công ty Trung Quốc cũng bị Mỹ trừng phạt do "hỗ trợ Bắc Kinh xây dựng và quân sự hóa các đảo nhân tạo chiếm đóng trái phép ở Biển Đông".
Cùng với căng thẳng thương mại Mỹ-Trung, vấn đề Biển Đông cũng trở thành một trọng điểm trong chương trình nghị sự để tái tranh cử của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh chủ trì Hội nghị AMM-53 trực tuyến tại thủ đô Hà Nội ngày 9-9. Ảnh: REUTERS
Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN là hoạt động thường niên, là không gian đối thoại giữa người đứng đầu ngành ngoại giao của 10 quốc gia thành viên và những đối tác quan trọng. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã thảo luận với những người đồng cấp ASEAN trong tối 9-9.
Kết thúc hội nghị năm nay, 10 nước Đông Nam Á đã thông qua một tuyên bố chung.
Việt Nam - quốc gia Chủ tịch ASEAN năm 2020 - cũng đưa ra một tuyên bố riêng về vấn đề Biển Đông, lên án các hành vi đi ngược lại pháp luật quốc tế, "vi phạm quyền và lợi ích hợp pháp của các nước ven biển, làm gia tăng căng thẳng và phá hoại hòa bình và an ninh ở Biển Đông".
Trước đó, trong ngày 8-9, Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi đã lên tiếng cảnh báo cả Mỹ và Trung Quốc đừng nên tìm cách lôi kéo ASEAN vào cuộc đối đầu giữa hai cường quốc này.
Ngoại trưởng Malaysia Hishammuddin Hussein kêu gọi các bên ở Biển Đông kiềm chế, không tiến hành các hành vi có thể làm phức tạp thêm tình hình và cân nhắc mọi cách tiếp cận để đảm bảo khu vực không trở nên "phức tạp do các cường quốc khác".
Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) sẽ khai mạc vào ngày 12-9 với sự tham gia của các đối tác Mỹ, Nga, Ấn Độ, Nhật Bản, Úc. Do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, diễn đàn sẽ được tổ chức trực tuyến.
Khi được hỏi Trung Quốc có cử đại diện tham gia ARF năm nay hay không, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên không xác nhận rõ ràng nhưng cho biết "thông tin liên quan tới việc tham gia của phía Trung Quốc sẽ được công bố đúng thủ tục".