Từ cuối năm 2012 đến nay, khói bụi che phủ nhiều địa phương miền bắc, đặc biệt ở thủ đô Bắc Kinh. Báo Beijing News dẫn thông tin từ Giám đốc Phòng Bảo vệ môi trường Bắc Kinh Trần Thiên rằng số lượng hai chất gây ô nhiễm hàng đầu nitrogen dioxide và hạt PM 10 tại Bắc Kinh ba tháng đầu năm 2013 đã tăng 30% và tính tới tháng 1-2013 đã tăng 47% so với tháng 1-2012.
Nước sông không thể dùng tưới tiêu
Theo ông Trần Thiên, nguyên nhân chính dẫn đến mức ô nhiễm kỷ lục này là vì sự gia tăng khí thải, nhiều vượt quá mức môi trường Bắc Kinh có thể nhận lãnh và xử lý.
Cũng trong tháng 3, sông Hoàng Phố - nguồn cung cấp nước sinh hoạt cho 23 triệu dân TP Thượng Hải - nổi lềnh bềnh hơn 12.500 xác heo thối.
Nhìn xa hơn, số liệu thống kê của Bộ Bảo vệ môi trường Trung Quốc (TQ) cho thấy tính đến năm 2011, gần 20% sông ngòi ở nước này bị ô nhiễm nặng, nước sông không thể dùng để tưới tiêu chứ đừng nói đến uống. Trung bình cứ hai đến ba ngày lại có một sự cố môi trường xảy ra ở TQ. Ba năm qua tại TQ đã xảy ra hơn 30 sự cố ô nhiễm kim loại nặng nghiêm trọng. Kể từ năm 2007, TQ đã chiếm vị trí số một thế giới về sản xuất khí thải của Mỹ. Thống kê của Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy 16/20 TP ô nhiễm nhất thế giới là ở TQ.
Năm 2012, Chủ tịch Hiệp hội Y khoa TQ Chung Nam Sơn cảnh báo ô nhiễm có thể sẽ trở thành mối đe dọa lớn nhất với sức khỏe người dân. Theo ông, bên cạnh hút thuốc, khí thải từ các nhà máy và xe cộ là nguyên nhân chính khiến ung thư phổi và bệnh tim mạch ngày càng gia tăng và là thủ phạm giết người nhiều nhất ở TQ. Hiện số người bị ung thư phổi ở các TP nhiều gấp ba lần ở vùng nông thôn dù hai nơi tỉ lệ hút thuốc không chênh nhau.
Xác heo dạt vào bờ sông Hoàng Phố (TQ) tháng 3-2013. Ảnh: AP
Tháng 3, lần đầu tiên Bộ Bảo vệ môi trường TQ thừa nhận ô nhiễm, đặc biệt ô nhiễm hóa chất hàng thập niên qua đã gây ra nhiều thảm họa môi trường, dẫn đến nhiều vấn đề sức khỏe và xã hội nghiêm trọng như tạo ra các ngôi làng ung thư.
Trả giá từ tăng trưởng
Lý do chính để TQ trở thành một biểu tượng ô nhiễm là tăng trưởng kinh tế quá nhanh, hay nói cách khác ô nhiễm tỉ lệ thuận với tăng trưởng. Tân Hoa xã tháng 3 có bài chỉ trích mạnh mẽ chính quyền các cấp đã theo đuổi tăng trưởng một cách mù quáng mà lơ là khối u ô nhiễm đang ngày thêm mưng mủ.
Tăng trưởng gây ô nhiễm, ngược lại ô nhiễm cũng gây tổn thất cho kinh tế. Số liệu từ Bộ Bảo vệ môi trường TQ cuối tháng 3 cho thấy 10 năm nay, trung bình mỗi năm ô nhiễm làm kinh tế TQ mất khoảng 1.095 tỉ nhân dân tệ (3.598.250 tỉ đồng VN). Số liệu từ WB, từ năm 2008 đến nay trung bình mỗi năm ô nhiễm ngốn mất của TQ 10%-11% tổng thu nhập quốc gia.
Tại kỳ họp Quốc hội TQ vừa rồi, Tân Thủ tướng Lý Khắc Cường tuyên bố chính phủ sẽ nỗ lực lớn giải quyết khủng hoảng ô nhiễm, bắt đầu bằng việc chấm dứt tình trạng ô nhiễm do con người gây ra, dần loại bỏ các máy móc sản xuất lạc hậu gây nhiều ô nhiễm. Ông cũng rất quyết liệt rằng TQ không nên theo đuổi tăng trưởng bất chấp mọi giá môi trường phải trả vì sự tăng trưởng này sẽ không làm người dân hài lòng.
Thông tin từ báo China Daily (TQ), TQ sẽ chi 100 tỉ nhân dân tệ (327.797 tỉ đồng VN) trong ba năm tới để giải quyết tình trạng khói bụi ở Bắc Kinh.
Quyền lợi kinh tế bó tay chính quyền
Theo hãng tin Reuters (Mỹ), đây là các động thái phản ứng ô nhiễm mạnh mẽ nhất của chính phủ TQ tính đến thời điểm này. Tuy nhiên, rất nhiều chuyên gia bi quan với viễn cảnh ô nhiễm ở TQ sẽ được ngăn chặn và đẩy lùi.
Theo Tân Hoa xã, TQ có luật chống ô nhiễm nhưng rất yếu kém trong áp dụng, thi hành, đặc biệt với các tập đoàn, công ty lớn (đặc biệt thuộc sở hữu nhà nước) vốn đã đổ những khoản tiền khổng lồ cho các chính quyền địa phương.
Theo GS Thẩm Hồng Ba, ĐH Phục Đán (Thượng Hải), các khoản thuế khổng lồ cũng như khả năng giải quyết việc làm của các tập đoàn là cản trở lớn nhất khiến các chính quyền địa phương gặp khó trong việc ngăn chặn các tập đoàn gây ô nhiễm.
Hay nói như chuyên gia môi trường Alex Vương, các quyền lợi về kinh tế đã bó tay bó chân các chính quyền địa phương trong trừng trị các tập đoàn gây ô nhiễm. Chủ tịch Viện Các vấn đề công cộng và môi trường (tổ chức phi lợi nhuận giám sát ô nhiễm ở TQ) Mã Côn cho rằng ông cảm nhận các cơ quan bảo vệ môi trường ở các địa phương đang trong tình cảnh lực bất tòng tâm. Không phải họ vui vẻ gì khi thấy ô nhiễm ngày càng tăng nhưng biết làm sao được khi lãnh đạo chính quyền đã chỉ thị không được đụng đến thủ phạm gây ô nhiễm vì sẽ động chạm đến quyền lợi kinh tế địa phương.
Chẳng hạn, lãnh đạo Tập đoàn Khai khoáng Tử Tấn (một trong những tập đoàn nhà nước sản xuất vàng lớn nhất TQ) từng có ý định di chuyển trụ sở từ huyện Thương Hàng đến TP Hạ Môn (tỉnh Phúc Kiến) cách nhau 270 km để hạn chế ô nhiễm. Tuy nhiên, ý định này đã bị các quan chức địa phương ngăn cản vì sợ bị mất nguồn thu.
Tử Tấn là một biểu tượng kinh tế của địa phương khi thu hút phần lớn lao động trong huyện Thương Hàng và nguồn thu từ Tử Tấn chiếm tới 70% thu nhập của huyện. Rất nhiều công trình hạ tầng trong tỉnh Phúc Kiến cũng được xây dựng từ tiền của Tử Tấn. Vì lý do đó, dù Tử Tấn đã gây ra hai vụ bê bối ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trong năm 2010 nhưng chính quyền địa phương vẫn quyết bảo vệ tập đoàn này vì sợ mất đà tăng trưởng.
Ô nhiễm sẽ còn tăng
Các tập đoàn nhà nước cũng có ảnh hưởng lớn đến truyền thông địa phương. Do đó, người dân muốn khiếu nại ô nhiễm rất khó để bắt đầu từ đâu khi hầu như mọi nơi đều có sự hiện diện không trực tiếp thì gián tiếp của các tập đoàn này.
Reuters nhận định chính sự bao che của chính quyền địa phương khiến các tập đoàn không nhìn nhận nghiêm túc vấn đề ô nhiễm. Cụ thể, các lãnh đạo Tập đoàn Tử Tấn đã không rút ra được điều gì sau các sự cố môi trường năm 2010. Bằng chứng là năm 2011, Tử Tấn tiếp tục vào cuộc vận động để chính phủ bớt khắt khe hơn trong sửa đổi luật bảo vệ môi trường.
Một báo cáo của Ngân hàng Deutsche (Đức) công bố tháng 2 vừa qua dự đoán với các chính sách tăng trưởng hiện tại (khuyến khích tiêu thụ than đá và xe hơi) của TQ thì ô nhiễm sẽ còn tăng không ngừng trong thập niên tới. Ngân hàng Deutsche kêu gọi TQ thay đổi quyết liệt chính sách kinh tế và có ý chí vững vàng hơn trước sự áp lực từ các tập đoàn nhà nước.
Theo nhận định của báo New York Times, có hạn chế được quyền lực từ ảnh hưởng kinh tế từ đó buộc được các tập đoàn tuân thủ các quy định bảo vệ môi trường hay không, hay tiếp tục để các tập đoàn này cản trở công cuộc chiến đấu với ô nhiễm sẽ là thử thách khó với Chủ tịch Tập Cận Bình và Thủ tướng Lý Khắc Cường thời gian tới.
Các tập đoàn nhà nước là thủ phạm chính Thứ trưởng Bộ Môi trường TQ Ngô Hiểu Thanh nhấn mạnh tháng 3 cần phải siết chặt luật bảo vệ môi trường, nâng cao các tiêu chuẩn môi trường và có chính sách hợp lý để ngăn chặn ô nhiễm. Chỉ thế TQ mới giải quyết được thực tế các tập đoàn chọn vi phạm (bị phạt thấp) hơn là tuân theo luật môi trường với chi phí cao. Tuy nhiên, trả lời New York Times, chuyên gia môi trường TQ Chu Nhung bi quan, dẫu luật có khắt khe thế nào thì các tập đoàn - đặc biệt thuộc lĩnh vực dầu khí và điện - cũng sẽ dùng áp lực kinh tế đánh bại. Chẳng hạn, xe tải và xe buýt chạy bằng dầu diesel - hiện có nồng độ sulfur cao gấp 23 lần dầu diesel ở Mỹ - xả khí thải ra môi trường TQ nhiều hơn các loại xe khác, tuy nhiên các tập đoàn dầu khí như Sinopec và PetroChina vẫn lần lữa cải tiến loại dầu này. Còn đa số tập đoàn điện lực thì thường xuyên vi phạm quy định về khí thải và lờ yêu cầu cải tiến các nhà máy sản xuất điện bằng than đá. Lý do biện minh cho sự lần lữa này là vì chi phí cải tiến quá cao, chừng nào người tiêu dùng hoặc chính phủ đồng ý kham khoản này thì mới thực hiện. |
ĐĂNG KHOA