Trung Quốc 'đừng nên mong chờ một tổng thống Mỹ thân thiện'

Trong một cuộc phỏng vấn, ông Daniel Russel, cựu Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ về các vấn đề châu Á và Thái Bình Dương, cho rằng Bắc Kinh chưa nhìn thấy được tầm quan trọng của chính trị Trung Quốc trong chính sách của Mỹ.

“Tôi không nghĩ chính phủ Trung Quốc thật sự hiểu về chính trị Mỹ, đặc biệt là giai đoạn khi tổng thống Trump nắm quyền. Ngược lại, chính quyền của ông Trump có vẻ hiểu về chính trị Trung Quốc hơn. Thất bại trong các cuộc đàm phán thương mại Mỹ-Trung chính là bằng chứng cho sự thiếu hiểu biết đó của Bắc Kinh”, ông Russel nói.

Hồi tháng 5, cựu chiến lược gia trưởng Nhà Trắng Steve Bannon nói với South China Morning Post rằng Trung Quốc nên từ bỏ mọi hy vọng rằng giai đoạn cầm quyền của Tổng thống Donald Trump sẽ có hướng tiếp cận nhẹ nhàng hơn đối với Bắc Kinh.

Ông Bannon dự đoán mối quan hệ của Mỹ với Trung Quốc sẽ là vấn đề trọng tâm trong cuộc bầu cử tổng thống 2020 và vị tổng thống tiếp theo – dù có là ai - cũng sẽ cứng rắn với Bắc Kinh.

“Mối quan hệ với Trung Quốc sẽ trở thành chủ đề trọng tâm của cuộc bầu cử năm 2020”, Bannon nói. Người chiến thắng trong cuộc bầu cử, dù thuộc phe Dân chủ hay Cộng hòa cũng sẽ không thân thiện hơn tổng thống Trump hiện tại.

Với việc kỳ bầu cử tổng thống Mỹ sắp tới có ảnh hưởng lớn đến những quyết định của ông Trump, ông Russel cảnh báo các quan chức Trung Quốc “sẽ gặp rắc rối nếu họ nghĩ rằng họ có thể tính trước được cách lợi dụng cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sắp tới để dành phần lợi trong các cuộc đàm phán với Mỹ”.

“Đây không phải là một câu hỏi đơn giản, chỉ cần trả lời có hoặc không”, ông nói.

“Tổng thống Trump đã cho thấy rằng ông sẵn sàng hy sinh nông sản xuất khẩu của Mỹ, và tin rằng có thể bù đắp bằng trợ cấp”.

Ông Russel, hiện là phó chủ tịch về an ninh và ngoại giao quốc tế tại Viện Chính sách Xã hội châu Á, cho biết thương chiến gay gắt giữa hai cường quốc đã gây khó khăn cho những tiếng nói ôn hòa ở cả hai nước.

Nông dân ở bang Arkansas, Robert Stobaugh nói rằng ông lo lắng về cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung . Ảnh: Al Jazeera

Ông Russel, người từng phục vụ trong chính quyền của Tổng thống Mỹ tiền nhiệm Barack Obama, cho biết ông và nhiều quan chức Mỹ khác đã thất vọng vì Trung Quốc không thật sự thúc đẩy các cải cách kinh tế có ý nghĩa.

Tổng thống Trump chọn áp dụng lập trường chống đối Bắc Kinh, và thường chỉ trích người tiền nhiệm Obama vì đã quá mềm mỏng với Trung Quốc.

Ông Russel cũng nói rằng sự giận dữ và thất vọng của Washington đối với Trung Quốc hiện nay là rất lớn. Các chính trị gia của cả hai đảng đều đồng ý rằng Mỹ cần phải quyết đoán hơn trong việc yêu cầu Trung Quốc ngừng hành vi đánh cắp tài sản trí tuệ, trợ cấp cho các doanh nghiệp nhà nước và hạn chế công ty Mỹ tiếp cận thị trường.

Trong nhiệm kỳ của mình từ 2013-2017, ông Russel đã đóng một vai trò quan trọng trong việc xây dựng chiến lược của Tổng thống Obama khi đó là “xoay trục về Châu Á”. Mục đích là xây dựng mối quan hệ cân bằng, có tính xây dựng với Trung Quốc, từ đó cùng hợp tác trên các vấn đề toàn cầu như An ninh mạng và Bảo vệ môi trường.

Khi hai cường quốc tiếp tục tranh giành ảnh hưởng trong khu vực, chính quyền ông Trump phải tính toán lại chính sách Trung Quốc. Chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương được coi là đối thủ của Sáng kiến Vành đai và Con đường Trung Quốc.

Chính quyền Mỹ hiện tại phải đối mặt với một trận chiến khó khăn trong việc cố gắng lôi kéo các quốc gia khác đứng về phía mình và tìm cách cô lập Trung Quốc. Vấn đề càng phức tạp khi trước đó Mỹ lại có những động thái xem xét lại mối quan hệ với các đồng minh châu Á. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới