Trung Quốc kết án nhà khoa học chỉnh sửa gen người

Nhà nghiên cứu Trung Quốc tuyên bố đã tạo ra những em bé được chỉnh sửa gen đầu tiên trên thế giới đã kết án ba năm tù vì hành vi y học bất hợp pháp, báo Tân Hoa Xã đưa tin.

Một tòa án ở Thâm Quyến hôm 30-12 tuyên án ông Hạ Kiến Khuê, phó giáo sư tại Đại học Khoa học và Công nghệ Phương Nam tại Thâm Quyến ba năm tù và nộp phạt 3 triệu nhân dân tệ (gần 10 tỉ đồng).

Hai bị cáo khác là Zhang Renli và Qin Jinzhou cũng bị phạt từ 1,5 đến hai năm tù với mức phạt tiền từ 500.000 tới 1 triệu nhân dân tệ (khoảng 1,65 tỉ đến 3,3 tỉ đồng) về tội đồng lõa với ông Hạ trong việc tiến hành các thử nghiệm.

Ông Hạ Kiến Khuê tại hội thảo khoa học về chỉnh sửa gen người ở Hong Kong hôm 28-11. Ảnh: AP

Ông Hạ Kiến Khuê trở thành nhà khoa học khét tiếng nhất hành tinh khi tháng 11-2018 ông này tự nhận mình đã sử dụng công cụ chỉnh sửa gen CRISPR để tạo ra một cặp song sinh có tên Lu Lu và Na Na miễn dịch với HIV. 

Tân Hoa Xã nói rằng em bé thứ ba cũng đã chào đời vào cùng thời điểm, nhưng trường hợp này trước đó chưa được xác nhận. Đây được biết là những đứa trẻ đầu tiên được ra đời từ một bộ gen chỉnh sửa. Chính quyền địa phương tại tỉnh Quảng Đông nói rằng họ đang giữ các bé để theo dõi sức khỏe.

Thông tin chấn động trên được ông Hạ Kiến Khuê đưa ra tại một hội nghị học thuật ở Hong Kong, và tuyên bố rằng ông tự hào về những gì mình đã đạt được, cho rằng mục đích của mình là để ngăn ngừa những đứa trẻ có cha mẹ bị nhiễm HIV khỏi bị lây bệnh.

Ông đã tin rằng một khi nghiên cứu của mình được công khai, ông sẽ được ca ngợi như một anh hùng. Nhưng trái lại, nghiên cứu này đã vấp phải sự chỉ trích mạnh mẽ từ phía chính quyền cũng như giới khoa học trong và ngoài nước.

Giới khoa học lo ngại rằng việc chỉnh sửa phôi thai người có thể tạo ra những đột biến không thể lường trước được, đồng thời vi phạm nghiêm trọng đạo đức và tinh thần khoa học. Các nhà khoa học nhận xét, việc chỉnh sửa gen thậm chí có thể làm giảm sức đề kháng của trẻ đối với một số căn bệnh dù là thông thường.

Việc thử nghiệm được thực hiện thế nào?

Ông Hạ tiến hành các thao tác trên một gen có tên là CCR5. Đây là bộ gen quan trọng đối với hệ miễn dịch nhưng cũng là cánh cửa để virus HIV đi qua, thông qua các tế bào nhiễm bệnh. Việc chỉnh sửa CCR5 sẽ đóng cánh cửa đó lại, giúp cho con người chống lại được HIV.

Theo báo South China Morning Post, ông Hạ Kiến Khuê đã chọn bảy cặp vợ chồng dị tính muốn có con để tham gia thử nghiệm. Những người chồng bị nhiễm HIV nhưng những người vợ thì không.

Ông Hạ báo cáo về công trình nghiên cứu của mình tại hội thảo khoa học. Ảnh: SHANGHAIIST

Ông Hạ đã dùng phương pháp thụ tinh nhân tạo IVF để tạo phôi thai và dùng kỹ thuật chỉnh sửa gen, được biết đến với tên gọi CRISPR-Cas9, để làm thay đổi gen CCR5.

Cả thế giới lên án 

Sau hội nghị đó, ông Hạ Kiến Khuê mất tích, rồi bị quản thúc tại nhà ở Thâm Quyến tại một ký túc xá của trường đại học. Ông cũng bị sa thải khỏi trường Đại học Khoa học Công nghệ Phương Nam.

Vào tháng 1, một nhóm điều tra tuyên bố rằng ông Hạ Kiến Khuê và các bị cáo đã cố tình tránh sự giám sát, thậm chí giả mạo các tài liệu đánh giá đạo đức, trong khi tổ chức và tiến hành nghiên cứu chỉnh sửa gen phôi người nhằm mục đích tái tạo bất hợp pháp.

Tòa án Thâm Quyến nói rằng những người này đã hành động "nhằm tạo danh tiếng và trục lợi cá nhân", và đã "gây gián đoạn trật tự y tế" một cách nghiêm trọng.

"Họ đã đi quá giới hạn đạo đức trong công tác nghiên cứu khoa học và trong nghề y" - tòa án nói thêm.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm