Trung Quốc - Na Uy nối lại quan hệ sau vụ Lưu Hiểu Ba

Ngày 19-12, Trung Quốc và Na Uy chính thức nối lại quan hệ ngoại giao sau sáu năm cắt đứt vì Na Uy trao giải thưởng Nobel Hòa bình cho công dân Trung Quốc Lưu Hiểu Ba, tin từ AFP.

Ông Lưu Hiểu Ba, một trí thức và là nhà hoạt động nhân quyền nhưng bị Trung Quốc xem là phần tử chống phá nhà nước. Hiện ông Lưu Hiểu Ba vẫn đang bị giam tại Trung Quốc.

Việc Na Uy trao giải Nobel Hòa bình cho ông Lưu Hiểu Ba tháng 10-2010 đã khiến chính phủ Trung Quốc tức giận và cắt đứt quan hệ ngoại giao.

Tuyên bố chung thông báo nối lại quan hệ ngoại giao được hai nước đưa ra sau chuyến thăm Bắc Kinh (Trung Quốc) của Ngoại trưởng Na Uy Borge Brende trong ngày 19-12.

“Chính phủ Na Uy lần nữa khẳng định gắn kết với chính sách một Trung Quốc, tôn trọng hoàn toàn chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ Trung Quốc, xem trọng các quyền lợi cốt lõi và các quan ngại lớn của Trung Quốc. Na Uy không ủng hộ các hành động nhằm hủy hoại những điều này, sẽ nỗ lực hết sức tránh bất kỳ thiệt hại nào cho quan hệ song phương trong tương lai” - AFP dẫn tuyên bố chung dài hai trang.

Nghị sĩ Hong Kong Leung Kwok-hung (phải) cầm áp phích kêu gọi thả ông Lưu Hiểu Ba, ngày 18-5-2016. Ảnh: AFP

Nghị sĩ Hong Kong Leung Kwok-hung (phải) cầm áp phích kêu gọi thả ông Lưu Hiểu Ba, ngày 18-5-2016. Ảnh: AFP

Theo Ngoại trưởng Brende, bình thường hóa quan hệ là kết quả của một quá trình nỗ lực lâu dài và nhọc công ở nhiều cấp khác nhau, nhằm khôi phục niềm tin giữa hai nước.

Theo truyền thông Na Uy, phía Trung Quốc đã yêu cầu một lời xin lỗi chính thức mới nối lại quan hệ. Tuy nhiên, chính phủ Na Uy trước sau vẫn bác bỏ thông tin này, khẳng định Ủy ban Nobel là một tổ chức độc lập có quyền tự do đưa ra lựa chọn riêng của mình.

Họp báo tại Oslo (NaUy) ngày 19-12 về sự kiện này, Thủ tướng Na Uy Erna Sloberg nói: “Chúng tôi không nhượng bộ nhau mà chúng tôi cùng xây dựng niềm tin lẫn nhau sau một thời gian dài”.

Thủ tướng Solberg thừa nhận kinh tế Na Uy đã chịu thiệt hại không ít sau khi quan hệ với Trung Quốc bị ngưng. Việc hai nước nối lại quan hệ đồng nghĩa với việc hai nước giờ có thể khôi phục đàm phán về một hiệp định thương mại tự do hai bên, vốn bị ngưng sau khi hai bên cắt đứt quan hệ.

Về phía Trung Quốc, chuyện khôi phục quan hệ ngoại giao với Na Uy thậm chí không được nhắc đến trong cuộc họp báo thường lệ của Bộ Ngoại giao nước này ngày 19-12.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm