Cơ quan Vũ trụ Quốc gia Trung Quốc (CNSA) cho biết cuộc thử nghiệm đã diễn ra thành công ngày 14-11 tại một cơ sở nghiên cứu ở tỉnh Hà Bắc (miền Bắc Trung Quốc).
Theo đài CNN, cuộc thử nghiệm bắt đầu khi tàu đổ bộ được treo trên một khung sắt lớn và được kéo lên để đạt độ cao khoảng 70 m so với mặt đất. Sau đó, phương tiện này bắt đầu lượn dần xuống và đáp xuống, cách mặt đất khoảng vài mét.
Tàu đổ bộ được treo vào khung sắt, trước khi được kéo lên để thực hiện việc đáp thử nghiệm. Ảnh: AP
CNSA đã tiến hành cuộc thử nghiệm này nhằm đánh giá khả năng di chuyển và tránh vật cản trong khi hạ cánh lên bề mặt được thiết kế mô phỏng sao Hỏa. Theo cơ quan này, việc hạ cánh là thách thức lớn nhất của sứ mệnh thám hiểm hành tinh đỏ.
Hãng tin Reuters dẫn lời ông Trương Khắc Kiệm, Giám đốc CNSA, cho biết chương trình thám hiểm sao Hỏa của Trung Quốc đã được khởi động vào năm 2016 và ở thời điểm hiện tại các công cuộc nghiên cứu và chuẩn bị đang diễn ra suôn sẻ.
"Thử nghiệm di chuyển và tránh vật cản khi đổ bộ hôm nay là một phần quan trọng trong quá trình phát triển của dự án. Theo kế hoạch, Trung Quốc sẽ thực hiện nhiệm vụ thám hiểm sao Hỏa đầu tiên vào năm 2020" - ông Trương nói thêm.
Tàu đổ bộ của Trung Quốc đang đáp xuống. Ảnh: AP
Trước đó, vào tháng 1, tàu thăm dò Hằng Nga 4 của Trung Quốc đã đáp xuống vùng tối chưa được thám hiểm của Mặt Trăng và gửi ảnh chụp cận cảnh đầu tiên về khu vực này. Nước này cũng có dự định sẽ phóng tàu thăm dò Mặt Trăng tiếp theo vào năm 2020 và đưa người lên đây vào năm 2030.
Trung Quốc hiện đang có tham vọng bắt kịp Mỹ và trở thành cường quốc trong lĩnh vực thám hiểm vũ trụ. Công cuộc thám hiểm vũ trụ của nước này bắt đầu khá muộn, khi vệ tinh đầu tiên được phóng vào năm 1970 - một năm sau ngày người Mỹ đặt chân lên Mặt Trăng. Tuy nhiên, trong những thập niên gần đây, Trung Quốc đã bơm hàng tỉ USD vào việc nghiên cứu và phát triển.