Theo tờ China Daily, ông Mã Hiểu Quang, phát ngôn viên Văn phòng Đài Loan sự vụ thuộc Quốc vụ viện Trung Quốc ngày 13-4 nói rằng Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi lẽ ra phải hủy chuyến thăm đã được lên kế hoạch tới Đài Loan thay vì hoãn nó.
Ông Mã cảnh báo các biện pháp đối phó kiên quyết sẽ được thực hiện trước các hành vi xâm hại nghiêm trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc.
Chủ tịch Hạ viện Mỹ Pelosi thông báo đã xét nghiệm âm tính với COVID-19 vào ngày 11-4 và sẽ kết thúc thời gian cách ly vào ngày 12-4. Ảnh: BLOOMBERG |
Phát ngôn viên Trung Quốc đã đưa ra phát biểu trên tại một cuộc họp báo ở Bắc Kinh khi bình luận về lời mời do chính quyền do đảng Dân Tiến (DPP) lãnh đạo ở Đài Loan gửi tới bà Pelosi.
Đầu tuần trước, truyền thông Đài Loan đưa tin bà Pelosi ban đầu dự định sẽ dẫn đầu một phái đoàn đến Đài Loan vào ngày 10-4 mà nếu diễn ra như kế hoạch sẽ khiến bà trở thành Chủ tịch Hạ viện Mỹ đương nhiệm đầu tiên đến thăm hòn đảo này kể từ năm 1997.
Tuy nhiên, chuyến thăm đã bị hoãn lại “đến một ngày sau này”, sau khi bà có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19 vào tuần trước và do có sự phản đối của giới chức chính quyền Bắc Kinh.
Hôm 11-4, bà Pelosi thông báo đã xét nghiệm âm tính với COVID-19 và sẽ kết thúc thời gian cách ly vào ngày 12-4, và chính quyền Đài Loan đang chuẩn bị lời mời, China Daily đưa tin.
Ông Mã Hiểu Quang, phát ngôn viên Văn phòng Đài Loan sự vụ thuộc Quốc vụ viện Trung Quốc. Ảnh: CNA |
Ông Mã kêu gọi Mỹ tuân thủ chính sách một Trung Quốc và các quy định trong ba thông cáo chung giữa Trung Quốc và Mỹ.
Ông nói Washington nên thực hiện cam kết với Bắc Kinh về vấn đề Đài Loan, ngừng chơi quân bài Đài Loan và chấm dứt sử dụng vấn đề Đài Loan để kiềm chế Trung Quốc.
Ông cũng kêu gọi chính quyền của đảng DPP ngừng các nỗ lực khiêu khích nhằm thông đồng với các lực lượng nước ngoài nhằm tìm kiếm cái gọi là “nền độc lập” cho Đài Loan.
Trong một diễn biến khác, Thượng nghị sĩ Mỹ Josh Hawley tuần trước đã giới thiệu Đạo luật Xuất khẩu Vũ khí Đài Loan, vốn cho phép đẩy nhanh việc chuyển giao vũ khí của Mỹ cho Đài Loan, sau thương vụ bán vũ khí trị giá 95 triệu USD mà Washington đã thông qua cho Đài Bắc nhằm tăng cường “khả năng phòng không”.
Đáp lại, ông Mã cho rằng việc Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan không khác gì “gài một quả bom vào mọi người đồng hương Đài Loan”.
Lực lượng phòng vệ Đài Loan hôm 12-4 đã lần đầu tiên phát hành một cuốn cẩm nang hướng dẫn người dân cách ứng phó nếu chiến tranh xảy ra, giữa lúc sức ép từ đại lục ngày càng gia tăng.
Cuốn cẩm nang hướng dẫn chi tiết cách tìm hầm trú bom thông qua ứng dụng trên điện thoại, nguồn cung cấp nước và thực phẩm, cũng như cách chuẩn bị bộ dụng cụ sơ cấp cứu, theo hãng tin Reuters.
Ông Mã đã lên án những biện pháp như vậy, nói rằng “Đài Loan độc lập” đồng nghĩa với việc mất đi hòa bình và thảm họa xuất hiện, và những hành động khiêu khích của chính quyền đảng DPP chống lại đại lục là mối đe dọa lớn nhất đối với an ninh tại eo biển Đài Loan.
“Vì lợi ích ích kỷ của riêng họ, DPP đang ràng buộc người dân Đài Loan vào cỗ xe ‘độc lập’, điều này sẽ chỉ đẩy người dân Đài Loan xuống vực thẳm của thảm họa” – China Daily dẫn lời ông Mã nói.
Ông Mã cáo buộc chính quyền Đài Loan lợi dụng cuộc khủng hoảng Ukraine, và rằng họ đang theo chân các lực lượng phương Tây chống Trung Quốc trong việc thổi phồng “mối đe dọa quân sự” từ đại lục và làm trầm trọng thêm căng thẳng giữa hai bên.
“Chính quyền DPP muốn nhân cơ hội quốc tế hóa vấn đề Đài Loan” – phát ngôn viên Trung Quốc nói thêm.
Đây là lần thứ ba trong chưa đầy một tuần qua, chính quyền Trung Quốc lên tiếng về chuyến thăm dự kiến của bà Pelosi đến Đài Loan.
Trước ông Mã, phát ngôn viên Triệu Lập Kiên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 8-4 thúc giục bà Pelosi “hủy bỏ ngay lập tức”, thay vì “hoãn” chuyến thăm hòn đảo mà Bắc Kinh lâu nay vẫn xem là một phần lãnh thổ.
Hôm 7-4, trong cuộc điện đàm với Tham tán ngoại giao Pháp Emmanuel Bonne, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị cảnh báo Bất kỳ chuyến thăm Đài Loan nào của bà Pelosi sẽ bị coi là vượt qua “lằn ranh đỏ” của Bắc Kinh, và Washington sẽ phải chịu trách nhiệm về hậu quả của chuyến thăm này, theo tờ South China Morning Post.