Từ vụ tài xế rồ ga bỏ chạy ở Thái Bình: Luật quy định như thế nào khi tài xế chống đối?

(PLO)- Người tham gia giao thông vi phạm quy định về chống người thi hành công vụ sẽ phải đối mặt với nhiều hình thức gồm xử phạt hình sự và xử phạt hành chính. 
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Vừa qua, Công an TP Thái Bình (tỉnh Thái Bình) cho biết, Cơ quan CSĐT Công an TP Thái Bình đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Vũ Ngọc Lâm (SN 1986, trú tại huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình) về tội "Chống người thi hành công vụ".

Cụ thể, ngày 28-10, người này đã đỗ xe ô tô không đúng quy định nên cơ quan chức năng đã yêu cầu Lâm xuất trình giấy tờ liên quan để kiểm tra. Lúc này Vũ Ngọc Lâm không hợp tác mà rồ ga, lái xe ô tô bỏ chạy. Nhận thấy hành động của Lâm có thể gây nguy hiểm cho người và phương tiện tham gia giao thông, một chiến sĩ cảnh sát nhảy lên nắp capo, phía trước kính lái xe để yêu cầu Lâm dừng xe lại. Tuy nhiên, Lâm vẫn tiếp tục lái xe bỏ chạy. Sau đó lực lượng chức năng phối hợp mới khống chế được Lâm.

Từ vụ tài xế rồ ga bỏ chạy, người lái xe cần biết quy định về hình phạt chống người thi hành công vụ. Ảnh: MXH

Từ vụ tài xế rồ ga bỏ chạy, người lái xe cần biết quy định về hình phạt chống người thi hành công vụ. Ảnh: MXH

Khi những hình ảnh này được chia sẻ, nhiều người thắc mắc không biết người vi phạm sẽ phải chịu hình phạt như thế nào. Trên thực tế, đây không phải là trường hợp đầu tiên người vi phạm chống đối người thi hành công vụ.

Trao đổi với PLO, luật sư Bùi Quốc Tuấn, Đoàn luật sư TP.HCM cho biết, trong quá trình thực hiện triển khai xử lý các hành vi vi phạm, có một số các trường hợp chống đối và đây cũng là một vấn đề nan giải.

“CSGT nên có những biện pháp và củng cố chứng cứ khi có những trường hợp vi phạm. Dù kết hợp với các lực lượng chức năng để xử lý nghiêm những hành vi chống đối người thi hành công vụ, không nên căng quá mà có hành động không hay”- luật sư cho hay.

Theo vị luật sư này, quy định Điều 8 Thông tư 65/2020 của Bộ Công an về việc quy định nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung và quy định tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính về giao thông đường bộ của CSGT quy định về quyền hạn của CSGT trong tuần tra, kiểm soát.

Bên cạnh đó, Điều 14 Nghị định 208/2013 (Quy định các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý hành vi chống người thi hành công vụ), đã quy định rõ: Trong lúc làm nhiệm vụ nếu gặp phải chống đối, người thi hành công vụ giải thích cho người vi phạm biết lỗi mắc phải, yêu cầu chấm dứt ngay hành vi. “Nếu họ không chấp hành, người thi hành công vụ có thể sử dụng biện pháp bắt giữ, cưỡng chế. Nếu thấy đối tượng manh động đến mức có thể đe dọa đến tính mạng của mình, CSGT được phép dùng công cụ hỗ trợ hoặc võ thuật để khống chế đối tượng”- luật sư cho hay.

Cũng theo luật sư Tuấn, tội chống người thi hành công vụ được quy định tại Điều 330 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) đã nêu rõ quy định về tội chống người thi hành công vụ. Theo đó, chống đối người thi hành công vụ được hiểu là hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng các thủ đoạn khác để cản trở, tấn công người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ hoặc ép họ thực hiện hành vi trái pháp luật. Tùy vào mức độ phạm tội, người vi phạm sẽ phải chịu phạt hành chính, phạt cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù lên đến 3 năm.

Luật Giao thông đường bộ năm 2008 đã quy định người tham gia giao thông phải chấp hành hiệu lệnh và chỉ dẫn của hệ thống báo hiệu đường bộ, hiệu lệnh của người điều khiển giao thông. Bên cạnh đó, theo Nghị định 100/2019, mức xử phạt đối với người điều khiển xe không chấp hành hướng dẫn, hiệu lệnh của người kiểm soát giao thông hoặc người điều khiển giao thông: Đối với ô tô bị phạt tiền từ 3-5 triệu đồng, đồng thời bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là tước giấy phép lái xe 1-3 tháng”- luật sư Tuấn nói thêm.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm