Đã 10 ngày kể từ khi người đàn ông da màu George Floyd bị một cảnh sát da trắng dùng gối ghè cổ đến chết. Hiện tình hình biểu tình ở Mỹ vẫn rất nóng nhưng yếu tố bạo lực đã giảm nhiều.
Bạo lực, bắt bớ đã giảm
TP New York (bang New York) vẫn còn lệnh giới nghiêm. Tối 4-6, cảnh sát quận Manhattan vẫn tiến hành bắt giữ người vi phạm giới nghiêm sau 8 giờ tối, theo phóng viên CNN. Tại quận Brooklyn, lần đầu tiên suốt từ đầu cuộc biểu tình, cảnh sát cố gắng nói chuyện, bắt tay người biểu tình để giảm căng thẳng tình hình.
Cảnh sát trên đường phố TP New York tối 4-6. Ảnh: CNN
Tối 4-6, Los Angeles (bang California) đã không còn giới nghiêm. Người biểu tình tuần hành hòa bình cả ngày và đêm, không có đối đầu hay bạo lực, phóng viên CNN đưa tin từ hiện trường.
Phóng viên Kyung Lah của CNN đưa tin về biểu tình tối 4-6 ở Los Angeles, bang California (Mỹ). Ảnh: CNN
Trên Twitter tối 4-6, Thống đốc bang Minnesota – ông Tim Walz yêu cầu tất cả người biểu tình đi xét nghiệm COVID-19. Lễ tưởng niệm ông Floyd diễn ra tại TP Minneapolis tối 4-6.
Tại thủ đô Washington DC tối 4-6, dù trời mưa to nhưng người biểu tình vẫn tuần hành. Theo phóng viên CNN tại hiện trường thì thủ đô không còn giới nghiêm, không có bắt bớ trong tối 4-6.
Hàng rào được dựng quanh Nhà Trắng sẽ được giữ tới ngày 10-6, người phát ngôn Cơ quan Mật vụ Mỹ nói với CNN.
“Không được đối xử với người dân Mỹ như với kẻ thù”
Ngày 4-6, Tổng thống Donald Trump nói ông không cảm thấy có vấn đề gì với chuyện trực thăng quân sự quần thảo bầu trời thủ đô ở tầm thấp vào tối 1-6, dù lực lượng Vệ binh Quốc gia thủ đô và Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper yêu cầu điều tra.
Máy bay quần thảo trên đầu người biểu tình ở thủ đô Washington DC. Ảnh: CNN
Tướng Hải quân bốn sao đã về hưu John Allen – từng là Tư lệnh Lực lượng Hỗ trợ An ninh Quốc tế Quốc tế của NATO, tư lệnh Lực lượng Mỹ tại Afghanistan dưới thời Tổng thống Obama – nói ông Trump không được đối xử với người dân Mỹ như với kẻ thù.
“Thay vì bàn chuyện có nên đưa binh sĩ liên bang đối phó công dân Mỹ hay không, hãy bàn chuyện chúng ta có thể theo đuổi cải cách thực sự ra sao” – Tướng Allen nói với CNN tối 4-6.
Tướng John Allen điều trần trước Ủy ban Quan hệ Đối ngoại Thượng viện tại thủ đô Washington DC năm 2015. Ảnh: BRENDAN SMIALOWSKI/GETTY IMAGES
Theo Tướng Allen, “chính phủ ông Trump nên hợp tác với các thống đốc và các thị trưởng hơn là quở trách họ, để xem có thể làm được gì lúc này hơn là xem người dân Mỹ như một kè thù tiềm tàng”. Tướng Allen cho rằng phải đối xử với người dân Mỹ như một cộng đồng có các quyền được đảm bảo trong Hiến pháp và giờ lại đang chịu nỗi đau to lớn, nỗi đau từ đại dịch và đau từ các thực tế nổi lên từ nguyên nhân cái chết của ông Floyd.
Ngày trước đó, Tướng Allen cũng đã lên tiếng chỉ trích ông Trump, giống như cựu Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis và nhiều cựu lãnh đạo quân đội khác.
Bạn ông Floyd: Tôi nhìn thấy anh ấy trút hơi thở cuối cùng
Ngày 4-6, ông Maurice Lester Hall – một người bạn của ông Floyd và cùng có mặt với ông trên ô tô khi cảnh sát tiếp cận họ ngày 25-5 ở TP Minneapolis (bang Minnesota) chia sẻ với đài CNN về sự việc đau lòng này.
Nói với CNN, ông Hall cho biết ông Floyd không hề tỏ thái độ kháng cự khi cảnh sát tiếp cận. Tuy nhiên, sau khi tiếp cận, một cảnh sát đã chụp lấy hai tay ông Floyd dù ông Floyd cố hợp tác.
“Khi họ chụp được tay ông George Floyd, toàn bộ cục diện trở nên hỗn độn mà lý ra nó đã không phải như thế” – theo lời ông Hall.
Ông Hall nói ông biết ông Floyd đã nhiều năm và ông Floyd là kiểu người thường tránh gây căng thẳng.
Biểu tình dưới mưa tại thủ đô Washington DC tối 4-6. Ảnh: AP
Các cảnh sát đã tách ông Hall và ông Floyd trong lúc ông Floyd đang bị một cảnh sát dùng gối ghè cổ. Tuy nhiên ông Hall nói ông có thể nghe ông Floyd van xin cảnh sát thả mình ra vì mình không thở được.
“Tôi nhìn thấy anh ấy trút hơi thở cuối cùng. Cả thế giới nhìn thấy anh ấy trút hơi thở cuối cùng” – CNN dẫn lời ông Floyd.
Ngày 4-6, thẩm phán quyết mức tiền bảo lãnh một triệu USD cho mỗi người trong ba cảnh sát không trực tiếp ghè cổ ông Floyd nhưng cùng có mặt lúc ông Floyd chết. Ba cảnh sát J. Alexander Kueng, Thomas Lane và Tou Thao trình diện tại tòa một ngày sau khi bị bắt.
Riêng Derek Chauvin - viên cảnh sát dùng gối ghè cổ ông Floyd đến chết không được chấp nhận bảo lãnh và bị cáo buộc tội giết người.