Khi tỉ phú Elon Musk đồng ý mua Twitter, ông đã hứa sẽ làm cho công ty này trở nên “tốt hơn bao giờ hết”, khiến hoạt động kinh doanh mạnh mẽ hơn, minh bạch hơn. Đồng thời, ông cũng cam kết thúc đẩy “tự do ngôn luận” trên Twitter.
Tuy nhiên, theo đài CNN, sau 6 tháng kể từ khi tỉ phú Musk mua lại Twitter, tương lai của nền tảng mạng xã hội này chưa bao giờ lâm vào trạng thái bất định như lúc này.
Tỉ phú Elon Musk. Ảnh: GETTY IMAGES |
Những thay đổi
Trong nhiều năm qua, điều khiến Twitter khác biệt với các nền tảng xã hội khác là nó cung cấp thông tin rất nhanh. Twitter được xem là nơi để những người bình thường đọc và thậm chí trò chuyện với những người nổi tiếng, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp, các chính trị gia.
Tuy nhiên, theo CNN, những cải cách gần đây của ông Musk có thể khiến Twitter mất đi những đặc trưng này.
“Twitter chưa bao giờ hoàn hảo, nó có rất nhiều vấn đề nhưng nó có vai trò quan trọng trong hệ thống thông tin toàn cầu. Tuy nhiên, ông Elon Musk đang phá hoại nó một cách có hệ thống” - ông Vivian Schiller, cựu chủ tịch tin tức toàn cầu của Twitter, nói.
Gần đây, ông Musk cho biết Twitter sẽ cung cấp Twitter Blue (tick xanh của Twitter) cho những ai trả 8USD/tháng. Ông cho rằng điều này thể hiện cơ hội bình đẳng cho mọi người.
“Không nên có một tiêu chuẩn riêng cho những người nổi tiếng” - ông Musk viết trên Twitter vào đầu tháng 4.
Nhưng động thái này có thể kéo theo không ít hệ lụy. Nó có thể tạo cơ hội cho những kẻ xấu mạo danh người nổi tiếng dễ dàng hơn. Đồng thời, nó làm cho người dùng cảm thấy khó tin tưởng vào những thông tin được đăng tải trên nền tảng mạng xã hội này.
Ngoài ra, nội dung từ những người có Twitter Blue sẽ được quảng cáo trên nền tảng này. Theo ông Filippo Menczer, giáo sư khoa học máy tính tại Đại học Indiana (Mỹ), điều này có thể gây thêm nguy hiểm cho người dùng.
“Bạn có thể tạo tài khoản giả và trả 8 USD để nhận tick xanh. Nếu bạn là một kẻ xấu và thông tin của bạn được quảng cáo, bạn có thể gây ra nhiều thiệt hại hơn so với trước đây. Và nếu bạn là một nguồn đáng tin cậy và nội dung của bạn không được quảng cáo, thông tin bạn đăng sẽ không đến được nhiều người như trước” - ông Menczer nói.
Trụ sở Twitter tại San Francisco, California, Mỹ. Ảnh: REUTERS |
Ông Elon Musk mua lại Twitter với giá 44 tỉ USD vào cuối tháng 10-2022. Hiện nay, ông Musk định giá Twitter ở mức khoảng 20 tỉ USD. Tuy nhiên, một số người cho rằng con số mà ông Musk định giá có khi còn cao hơn giá trị của mạng xã hội này.
Trong quá trình lãnh đạo Twitter, ông Musk cũng đã nâng cao danh tiếng của chính mình. Được phần lớn công chúng biết đến nhờ vào kế hoạch chinh phục vũ trụ và tiên phong trong sản xuất ô tô điện, gần đây, nhiều người còn biết đến vị tỉ phú này thông qua những cải cách về tính năng của Twitter và quyết định sa thải mạnh tay của mình.
Ông Musk đã nhiều lần cảnh báo Twitter có nguy cơ nộp đơn phá sản. Ông cũng tuyên bố ông đã vực công ty này đứng dậy nhờ vào việc cắt giảm chi phí, sa thải 80% nhân viên.
Dù vậy, với những người từng làm việc cho Twitter, mạng xã hội này giờ đây dường như “không còn phù hợp”. Ông Leslie Miley - cựu giám đốc kỹ thuật của Twitter - cho rằng: “Nếu ông Musk không làm gì ngoài việc cắt giảm chi phí thì Twitter đã ổn rồi. Tôi nghĩ Twitter đang trên đà trở nên không còn phù hợp. Twitter không có chiến lược nào để thu hút hoặc giữ chân người dùng vì không mang lại giá trị gì cho họ”.
Tác động
Sự sống còn của một trang mạng xã hội phụ thuộc vào số lượng người dùng. Theo CNN, trong bối cảnh những thay đổi hiện tại, Twitter có lý do để lo lắng về sự tồn vong của mình.
Một số người dùng, người nổi tiếng và các tổ chức truyền thông cho biết họ dự định rời Twitter vì những thay đổi chính sách gần đây của ông Musk. Họ cho rằng những thay đổi này thường được thực hiện theo ý thích mà không có bất kỳ nguyên tắc thực tế nào.
Đài NPR, đài BBC và đài CBC cảnh báo sẽ rời Twitter sau khi phản đối việc nền tảng này gắn cho họ nhãn "phương tiện truyền thông do chính phủ tài trợ". Các hãng truyền thông này cho rằng việc gắn nhãn như vậy có thể gây hiểu lầm.
Đài BBC đã phản đối việc Twitter gắn cho họ nhãn "phương tiện truyền thông do chính phủ |
CenterLink - một tổ chức phi lợi nhuận toàn cầu, đại diện cho hàng trăm trung tâm cung cấp dịch vụ cho cộng đồng LGBTQ - cho biết họ sẽ không sử dụng Twitter nữa sau khi nền tảng này bỏ các biện pháp bảo vệ người dùng chuyển giới. Ngoài ra, một số người nổi tiếng khác cũng dự định rời Twitter vì cho rằng họ có nguy cơ bị mạo danh cao hơn nếu nền tảng này duy trì những chính sách hiện tại.
Bên cạnh đó, việc thuyết phục các nhà quảng cáo, vốn trước đây chiếm 90% doanh thu của Twitter, tham gia lại nền tảng này cũng gặp không ít khó khăn. Các nhà quảng cáo này đã rời đi kể từ khi ông Musk tiếp quản Twitter vì lo ngại về việc kiểm duyệt nội dung.
Theo công ty Sensor Tower, chỉ 43% trong số 1.000 nhà quảng cáo hàng đầu của Twitter (tính đến tháng 9-2022 - tháng trước khi ông Musk mua lại Twitter) vẫn đang quảng cáo trên nền tảng này vào tháng 4.
Về phần mình, ông Musk cho biết số người dùng Twitter đã tăng lên kể từ khi ông tiếp quản và các nhà quảng cáo đang dần quay trở lại nền tảng này. Nhưng vì ông Musk đã tư nhân hóa Twitter nên không có nghĩa vụ phải tiết lộ các thông tin về tài chính công ty và do đó, mọi người phải tin những gì ông nói.