Thông tin HĐQT Twitter đã đồng ý để tỉ phú doanh nhân Elon Musk, Giám đốc điều hành của tập đoàn công nghệ khai phá không gian SpaceX và công ty xe điện lớn nhất thế giới Tesla, mua lại nền tảng mạng xã hội này với giá 44 tỉ USD đang gây xôn xao lớn.
Tỉ phú Musk là một trong những người dùng được theo dõi nhiều nhất trên Twitter với khoảng 84 triệu người theo dõi.
Nỗ lực nhiều tháng
Tỉ phú Musk, người giàu nhất thế giới, đã cho thấy nỗ lực nhằm kiểm soát Twitter từ nhiều tháng nay, khi tìm cách mua số lượng lớn cổ phiếu công ty này. Đến đầu tháng 4 thì ông công khai đã sở hữu 9,2% cổ phần Twitter.
Theo hãng tin Bloomberg, tuần trước tỉ phú Musk đã hoàn tất một kế hoạch tài chính liên quan 12 ngân hàng, do Morgan Stanley đứng đầu. Chỉ vài ngày sau khi tiết lộ kế hoạch, ông Musk đã gặp gỡ các giám đốc điều hành Twitter, gặp riêng một số cổ đông lớn của Twitter để thuyết phục họ về giá mua của mình. Ông tuyên bố đã “đưa ra lời đề nghị tốt nhất và cuối cùng” để mua Twitter, đồng thời khẳng định đã chuẩn bị sẵn “kế hoạch B” nếu thất bại.
Ông Musk đã đảm bảo khoản nợ 25,5 tỉ USD (13 tỉ USD vay từ các ngân hàng và 12,3 tỉ USD cam kết trong phần sở hữu cổ phiếu Tesla trị giá 170 tỉ USD của ông) và khoản 21 tỉ USD vốn chủ sở hữu để mua Twitter, theo Bloomberg.
Với giá 44 tỉ USD, tính trung bình mỗi cổ phiếu Twitter được ông Musk mua lại với giá 54,20 USD, theo thông báo của Twitter ngày 25-4. Mức giá này cao hơn 38% so với giá đóng cửa ngày giao dịch 1-4, ngày làm việc cuối cùng trước khi tỉ phú Musk công khai việc ông mua 9,2% cổ phần Twitter. Tuy nhiên, sau khi thông tin về thỏa thuận mua bán được công khai, giá cổ phiếu Twitter được chốt ở mức 51,70 USD vào lúc đóng cửa ngày giao dịch 25-4 tại New York.
Theo hãng tin Bloomberg, đây là một trong những thương vụ lớn nhất để chuyển một công ty cổ phần thành sở hữu tư nhân và là một trong những giao dịch mua lại mang tính đòn bẩy lớn nhất trong lịch sử. Tuy nhiên, thỏa thuận mua bán này dự kiến sẽ phải đến cuối năm nay mới hoàn thành.
Twitter sẽ phải gửi tuyên bố ủy quyền sơ bộ cho Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ (SEC) xem xét. SEC không có quyền ngăn chặn việc sáp nhập hoàn toàn nhưng có thể làm chậm quá trình bằng cách yêu cầu Twitter làm rõ các khía cạnh của thỏa thuận, theo ông Kenneth Henderson, một đối tác tại công ty luật quốc tế Bryan Cave Leighton Paisner ở New York. Các cổ đông của Twitter sẽ bỏ phiếu để chấp thuận giao dịch chỉ sau khi tất cả câu hỏi của SEC được trả lời. Bên cạnh đó theo luật Mỹ, ông Musk phải báo cáo về thương vụ lên Ủy ban Thương mại Liên bang và Bộ Tư pháp.
Trang Twitter của tỉ phú Elon Musk hôm 25-4, ngày ông đạt được thỏa thuận mua Twitter |
Twitter sẽ thay đổi ra sao?
Chuyện tỉ phú Musk nỗ lực mua Twitter trong khi khẳng định mình mua lại nền tảng xã hội này không phải để kiếm tiền khiến nhiều người đặt câu hỏi. Trước mắt, theo nhiều nhà quan sát, khả năng lớn dưới thời ông Musk thì Twitter sẽ có một số thay đổi lớn.
Ngày 14-4, khi đề xuất thương vụ mua Twitter, ông Musk nói rằng ông sẽ biến nền tảng Twitter trở thành thiên đường ngôn luận trực tuyến không bị kiểm soát và phàn nàn rằng dịch vụ này quá nặng tay khi kiểm duyệt các tweet của người dùng, đồng thời ám chỉ về những thay đổi mà ông sẽ thực hiện với tư cách là chủ sở hữu. Trong tuyên bố ngày 25-4, ông Musk có nhắc tới “tự do ngôn luận là nền tảng của một nền dân chủ đang hoạt động và Twitter là quảng trường kỹ thuật số”.
Việc tranh luận xung quanh quyền tự do ngôn luận trên mạng xã hội đã diễn ra sôi nổi trong nhiều năm. Tương tự Facebook và các nền tảng mạng xã hội khác, Twitter - nền tảng mạng xã hội 16 tuổi - đã trở thành một trung tâm tranh luận về quyền tự do ngôn luận trực tuyến. Người bảo thủ cho rằng Twitter, Facebook… có quá nhiều quy tắc, trong khi những người theo chủ nghĩa tự do cho rằng mạng xã hội không siết đủ chặt để ngăn chặn các phát ngôn thù hận và các cuộc tấn công trên các nền tảng. Đã có nhiều cuộc điều trần tại Quốc hội Mỹ trong nhiều năm và làn sóng vận động sửa đổi các quy định của Mỹ về nội dung trực tuyến.
Mặc dù ông Musk chưa vạch ra kế hoạch cụ thể để thay đổi các chính sách của Twitter liên quan việc kiểm duyệt lời nói và nội dung nhưng với việc mua lại công ty, có nghĩa ông phải chịu trách nhiệm xử lý một trong những vấn đề khó khăn nhất của Twitter. Có ý kiến lo ngại rằng Twitter khả năng thời gian tới sẽ xuất hiện thêm nhiều nội dung cực đoan - điều dễ xảy ra khi các quy định thông tin được nới quá lỏng.
Hiện tại người dùng Twitter không thể chỉnh sửa tweet ngoài việc xóa và đăng lại. Đầu tháng 4, ông Musk có hỏi 83 triệu người theo dõi của mình rằng liệu họ có muốn một nút chỉnh sửa hay không và 73,6% trong số hơn 4 triệu người trả lời đã chọn “có”. Ngay ngày sau đó, nhóm truyền thông của Twitter cũng xác nhận rằng công ty đang bổ sung tính năng này cho nền tảng.
Chính sách quyền riêng tư rất được quan tâm và chưa rõ ông Musk liệu sẽ có điều chỉnh gì không. Trước mắt, nhiều người lo ngại nếu Twitter thay đổi chính sách quyền riêng tư theo hướng khiến dữ liệu người dùng kém an toàn hơn thì ông Musk sẽ gặp phản ứng mạnh.•
Hành trình chuyển mình ấn tượng của Twitter
Twitter ra đời năm 2006. Twitter khởi đầu là dịch vụ nhắn tin để chia sẻ cập nhật trạng thái của một người dùng với bạn bè, rồi nhanh chóng phát triển thành một nền tảng để người dùng đưa các bài đăng ngắn gồm 140 ký tự trở xuống được theo dõi công khai.
Twitter trở thành một hiện tượng phổ biến toàn cầu và phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng vào năm 2013. Twitter đã thu hút sự chú ý của các chính trị gia, người nổi tiếng và nhà báo, có một vị trí bên cạnh các đối thủ truyền thông xã hội như Facebook và YouTube.
Hiện ngoài trụ sở chính ở TP San Francisco, bang California (Mỹ), Twitter còn có hơn 35 văn phòng khắp thế giới và khoảng 5.000 nhân viên. Chuyển sang sở hữu tư nhân đánh dấu bước chuyển mình ấn tượng đối với Twitter.