Úc đau đầu với đại dịch “loét ăn thịt” ngày một lan rộng

Trong một chuyên đề được xuất bản trên tạp chí y khoa của Úc (MJA) vào hôm 16-4, tác giả của một nhóm nghiên cứu dẫn đầu là giáo sư Daniel O’Brien cảnh báo về căn bệnh loét Buruli đang gia tăng nhưng họ vẫn chưa giải thích được tại sao bang Victoria lại bị lây nhiễm với số ca bệnh nhiều như vậy.

Loét Buruli đang khiến các nhà nghiên cứu đau đầu. Ảnh: Guardian

Chỉ riêng năm 2016, đã có 182 ca lây nhiễm bệnh, nhưng đến tháng 11, năm 2017, số ca mắc bệnh tăng khá nhiều so với cùng kì năm ngoái, lên đến 236 trường hợp.

Mặc dù căn bệnh này được phát hiện ở Victoria từ năm 1948, nhưng nổ lực kiểm soát căn bệnh này vẫn còn nhiều hạn chế. Đặc biệt, hiện chưa một tổ chức nào tìm được phương thức lây lan của căn bệnh. "Thật khó để kiểm soát căn bệnh khi không biết làm cách nào mà nó có thể lây nhiễm" - giáo sư O’Brien cho biết. 

Dấu hiệu đầu tiên của căn bệnh là một vết sưng không đau trên da thường bị nhầm là vết côn trùng cắn. Tuy nhiên, vài tháng sau, những vết loét trông như “miệng núi lửa” sẽ xuất hiện và lan rộng. Người bệnh cảm thấy vô cùng đau đớn khi vi khuẩn xâm nhập, gặm nhấm qua da, mao mạch, phá hủy hệ miễn dịch và dẫn đến hoại tử, tổn thương xương. Nếu không được điều trị kịp thời , một số trường hợp buộc phải cắt bỏ chi.

Thường người bệnh ban đầu sẽ không ý thức mình bị nhiễm bệnh cho đến khi vết loét xuất hiện, nhưng thường đây là giai đoạn khó chữa trị và rất nhiều đau đớn. Bệnh thường được điều trị bằng kháng sinh với mức chi phí khá cao là 14.000 USD. Tuy nhiên, hiện bệnh vẫn chưa được đưa vào danh sách được phúc lợi dược phẩm chi trả nên việc chữa trị cũng rất khó khăn.

Chưa tìm được  phương thức lây nhiễm

Giáo sư Paul Johnson là một chuyên gia về vết loét Buruli nổi tiếng trên thế giới và đã nghiên cứu bệnh này từ năm 1993. Hiện ông đang làm việc tại trụ sở  Austin Health ở Victoria, cùng với một số nhà khoa học khác đang cố gắng lý giải tại sao bệnh này lại phổ biến ở các bán đảo Bellarine và Mornington, ở Victoria, Úc mà lại hiếm khi xuất hiện ở những vùng khác.

Điều này khá mâu thuẫn vì từ trước đến nay, bệnh loét Buruli thường xảy ra ở những vùng có khí hậu nóng ẩm như châu Phi hạ Sahara, đặc biệt là Bờ Biển Ngà. Ngoài ra còn có ở châu Á, Tây Thái Bình Dương và châu Mỹ. Victoria, Úc là vùng phi nhiệt đới duy nhất ghi nhận trường hợp có bệnh loét Buruli.

Mô hình minh họa vết loét Buruli với hình dạng ban đầu giống với vết muỗi cắn. Ảnh: Internet

Một số nghiên cứu trước đây đặt giả thiết căn bệnh có thể lây qua đường nước, muỗi hoặc thú có túi. Ngoài ra, động vật bản địa và gia súc bao gồm chó, mèo, possum và Kaola đa phần đều làm phát triển bệnh, nhưng không biết liệu chúng có làm lây lan bệnh hay không?

Giáo Johnson cũng khuyến cáo, trong khi chờ đợi tìm ra được nguyên nhân lây nhiễm, mọi người ở vùng bệnh nên có một số biện pháp phòng ngừa tạm thời như tránh để bị muỗi cắn, khi làm việc ngoài trời nên hạn chế tiếp xúc vết thương hở với các tác nhân bên ngoài. Nếu có bất cứ sự nghi ngờ nào, nên đi khám để có sự tư vấn và điều trị sớm nhất.

Kêu gọi các tổ chức chính phủ tài trợ

Hiện nay, các chuyên gia đang kêu gọi chính phủ tài trợ khẩn cấp để họ có thể tìm ra cách ngăn chặn loại vi khuẩn này. 

"Là một cộng đồng, chúng ta đang đối mặt với một đại dịch ngày càng trở nên tồi tệ, gây ra một căn bệnh nghiêm trọng mà không biết làm cách nào để ngăn chặn nó. Giờ là thời điểm để hành động và chúng tôi ủng hộ việc các chính quyền địa phương, khu vực và quốc gia khẩn trương cam kết tài trợ cho nghiên cứu, để sớm ngăn chặn được bệnh loét Buruli" - Các nhà nghiên cứu kêu gọi.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm