Ukraine căng mình đối phó những đòn không kích của Nga

(PLO)- Ukraine đã dùng nhiều biện pháp để đối phó những đòn không kích của Nga.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Gần đây, trong 2 ngày liên tiếp là 26 và 27-8, Nga đã nã hàng loạt tên lửa và máy bay không người lái (UAV) trên khắp Ukraine, trong đó có các tỉnh Kiev, Lviv, Vinnytsia, Zhytomyr, Khmelnytskyi, Dnipropetrovsk, Poltava, Mykolaiv, Kirovohrad và Odessa.

Những đòn không kích "nặng đô" của Nga

Ngày 26-8, lực lượng Không quân Ukraine cho biết Nga đã mở cuộc tập kích quy mô lớn nhất vào Ukraine kể từ khi chiến sự Nga-Ukraine bùng nổ vào tháng 2-2022.

Theo đó, Nga đã phóng 127 tên lửa và 109 UAV khiến 7 người chết, 47 người bị thương cũng như khiến một số nhà dân, cơ sở năng lượng và nhiên liệu bị hư hại. Ukraine đã bắn hạ 99 UAV và 102 tên lửa, trong đó có tên lửa đạn đạo Kinzhal, Iskander-M, trong đợt tấn công này.

Ukraine căng mình đối phó những đòn không kích của Nga
Ukraine dò tìm để phát hiện UAV Nga trên bầu trời thủ đô Kiev hôm 27-8. Ảnh: REUTERS

Sau đó, ngày 27-8, Nga tiếp tục phóng 81 UAV và 10 tên lửa khiến 4 người chết, 16 người bị thương. Đáng chú ý, Bộ Quốc phòng Nga cho biết Nga đã nhắm vào các cơ sở hạ tầng sân bay quan trọng ở 4 tỉnh Ukraine, gồm Khmelnytsky, Sumy, Krivoy Rog và Rovno, bằng các vũ khí chính xác tầm xa, bao gồm tên lửa đạn đạo Kinzhal và UAV, đài RT đưa tin.

Tuần trước, Tổng Tư lệnh lực lượng Ukraine - ông Oleksandr Syrskiy cho biết Nga đã bắn 9.590 tên lửa và 13.997 máy bay không người lái kể từ khi chiến dịch quân sự đặc biệt bắt đầu.

Theo ông Syrskiy, Ukraine chỉ bắn hạ 42% UAV và 25% tên lửa. Ông nói thêm rằng Ukraine hạ được 67% tên lửa hành trình Kalibr, Kh-555/101 và R-500, trong khi chỉ đánh chặn được 22% tên lửa Kh-59, Kh-35, Kh-31 và các tên lửa không đối đất tương tự.

Theo tờ The Wall Street Journal, các đòn không kích của Nga phơi bày một vấn đề cấp bách đối với Ukraine: làm thế nào để bảo vệ lãnh thổ của mình với số lượng hệ thống phòng không hạn chế cũng như kho tên lửa đánh chặn đang ngày càng suy giảm.

Ông Douglas Barrie, thành viên cấp cao về hàng không vũ trụ quân sự tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (Anh), cho rằng thách thức đối với Kiev là vừa phải cố gắng bảo vệ càng nhiều cơ sở hạ tầng quan trọng càng tốt vừa phải bảo vệ lãnh thổ rộng lớn trước nhiều mối đe dọa từ UAV, bom lượn, tên lửa hành trình, tên lửa đạn đạo của Nga.

Ukraine đối phó đòn không kích của Nga

Trong cuộc tập kích hôm 27-8, Tổng thống Ukraine - ông Volodymyr Zelensky, cho biết Ukraine đã triển khai chiến đấu cơ F-16 để đánh chặn một số tên lửa và UAV Nga. Tuy nhiên, ông Zelensky vẫn nhấn mạnh rằng số máy bay F-16 hiện Ukraine có vẫn chưa đủ để chống lại các cuộc tấn công của Nga.

Ukraine đã nhận được những chiếc F-16 đầu tiên vào đầu tháng 8 và được cho là đã nhận được 10 chiếc F-16 từ các đối tác phương Tây. Các đối tác phương Tây, bao gồm Hà Lan, Đan Mạch, Na Uy, Bỉ đã hứa cung cấp cho Ukraine 79 chiếc F-16.

Tuy nhiên, tháng trước, nhóm chuyên gia của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (Mỹ) cho rằng Ukraine cần 12 phi đội F-16, tương đương với 216 chiếc, nếu muốn hỗ trợ thành công cho các hoạt động trên bộ và ngăn chặn trên không.

Ukraine căng mình đối phó những đòn không kích của Nga
Hậu quả sau đòn không kích của Nga ở một khu vực tại tỉnh Kryviy Rih (Ukraine) hôm 27-8. Ảnh: REUTERS

Khi Nga tăng cường các cuộc tấn công vào Ukraine, Kiev đã đề nghị các đồng minh phương Tây, nhất là Mỹ, cho phép sử dụng vũ khí tầm xa do phương Tây sản xuất, chẳng hạn như tên lửa đạn đạo chiến thuật ATACMS do Mỹ cung cấp, để tấn công vào đất Nga. Tuy nhiên, phía Mỹ hiện chưa có dấu hiệu gì về việc “bật đèn xanh” cho Ukraine tấn công vào các mục tiêu bên trong nước Nga.

Đối mặt với những hạn chế như vậy, Kiev đã tự nỗ lực phát triển vũ khí. Hôm 27-8, ông Zelensky cho biết Ukraine đã thử nghiệm thành công một tên lửa đạn đạo do chính Ukraine sản xuất, cho phép Kiev tấn công sâu hơn và mạnh hơn vào bên trong lãnh thổ Nga. Tuần trước, Ukraine cho biết Ukraine cho biết lực lượng nước này lần đầu tiên dùng một tên lửa lai UAV Palianytsia do chính Ukraine sản xuất để tấn công lực lượng Nga.

Về nguồn cung tên lửa đánh chặn dùng cho các hệ thống phòng không, hiện Ukraine phụ thuộc vào các đồng minh phương Tây. Hồi tháng 6, Nhà Trắng nói rằng sẽ đẩy nhanh việc giao tên lửa đánh chặn cho Ukraine bằng cách ưu tiên giao hàng cho Ukraine trước, rồi sau đó mới giao hàng cho những nước đồng minh khác vốn đã đặt hàng từ trước.

Ông Justin Bronk, chuyên gia về sức mạnh và công nghệ không quân của viện nghiên cứu Royal United Services Institute (Anh) cho rằng việc thiếu tên lửa đánh chặn phòng không hiện vẫn là một trong những thách thức nghiêm trọng nhất của Ukraine. Hiện Không quân Ukraine từ chối bình luận về mức độ dự trữ tên lửa đánh chặn của nước này.

Còn chuyên gia Barrie cho rằng việc Moscow sử dụng UAV giá rẻ để tấn công dường như để cố gắng bào mòn kho tên lửa đất đối không của Ukraine. Để tránh sử dụng hết tên lửa đất đối không, Ukraine đã sử dụng pháo binh và trực thăng để bắn hạ UAV..

Đầu năm nay, ông Zelensky cho rằng Ukraine cần 25 hệ thống tên lửa phòng không Patriot để bảo vệ toàn bộ lãnh thổ Ukraine. Hiện vẫn chưa rõ số lượng chính xác các hệ thống Patriot hiện đang hoạt động ở Ukraine nhưng hiện các đối tác phương Tây đã tuyên bố gửi cho Ukraine khoảng 5 hệ thống.

Ukraine có một loạt các hệ thống phòng thủ tên lửa như Patriot, Nasam và Iris/T. Tuy nhiên, những đợt tấn công lớn có thể áp đảo hệ thống phòng thủ của Ukraine, vì hệ thống phòng không chưa đủ dày đặc và đôi khi không thể nạp đạn đủ nhanh để chống mối đe dọa.

Với Patriot, ông Zelensky cho rằng Ukraine cần 25 hệ thống này để bảo vệ toàn bộ lãnh thổ Ukraine trong khi Ukraine được cho là mới chỉ sở hữu 5 hệ thống. Còn Nasam và Iris/T thì tỏ ra kém hiệu quả trước một số loại tên lửa như tên lửa đạn đạo hoặc tên lửa siêu thanh.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm