Vẫn còn hiện tượng cởi trần chụp ảnh đăng ký SIM di động

(PLO)- Bộ và các Sở Thông tin & Truyền thông đã tổ chức 82 đoàn thanh tra về tình trạng SIM rác, phát hiện nhiều vấn đề tồn tại, hạn chế của nhà mạng.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Tại cuộc họp báo thường kỳ do Bộ TT&TT tổ chức chiều nay, 5-7, Phó Chánh thanh tra Đỗ Hữu Trí cho biết toàn ngành đã lập 82 đoàn thanh tra về tình trạng SIM rác, trong đó 8 đoàn của Bộ, còn lại là các Sở TT&TT.

Đến thời điểm hiện nay, 29 Sở đã ban hành kết luận thanh tra, 34 Sở đang trong quá trình xây dựng kết luận. Các đoàn thanh tra của Bộ đã kết thúc việc thanh tra tại 8 doanh nghiệp và đang dự thảo báo cáo kết quả.

Theo ông Trí, Thanh tra Bộ TT&TT ghi nhận một số lỗi sơ bộ về tình trạng SIM rác. Cụ thể, vẫn còn tình trạng một số thuê bao được đăng ký ở nhiều tỉnh thành phố khác nhau trong thời gian ngắn.

Ông Đỗ Hữu Trí, Phó Chánh Thanh tra Bộ TT&TT.

Ông Đỗ Hữu Trí, Phó Chánh Thanh tra Bộ TT&TT.

“Đặc biệt, có hiện tượng ảnh chủ thuê bao là người cởi trần hoặc không có ảnh chụp của chủ thuê bao. Nhiều chủ thuê bao không thực hiện giao kết hợp đồng khi đăng ký từ SIM thứ 4 trở lên”- ông Đỗ Hữu Trí nói.

Cũng theo Phó Chánh thanh tra Bộ TT&TT, đơn vị đang tiến hành tổng hợp kết quả thanh tra của các Sở TT&TT. Khi có đầy đủ báo cáo từ các Sở, Thanh tra Bộ TT&TT sẽ tổng hợp đầy đủ các sai phạm trong vấn đề quản lý thông tin thuê bao, đồng thời đề xuất một số kiến nghị, sửa đổi chính sách để việc quản lý thông tin thuê bao được tốt hơn.

Cũng tại buổi họp báo, ông Trần Mạnh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Tần số vô tuyến điện cho biết tính từ đầu năm 2022 đến nay, các cơ quan chức năng đã phát hiện và xử lý 24 vụ sử dụng các trạm BTS giả để phát tán tin nhắn rác, trong đó từ đầu năm 2023 đến nay, phát hiện và xử lý 15 vụ.

Theo đánh giá của cơ quan chức năng, tình trạng này chưa được ngăn chặn triệt để, các đối tượng vẫn tiếp tục tái diễn sử dụng các trạm thu phát sóng giả để mạo danh tin nhắn tổ chức tài chính, ngân hàng lừa đảo người dùng.

Các thiết bị của trạm phát sóng giả phát tán tín hiệu đè lên sóng của các nhà mạng, khi đó thuê bao di động kết nối vào trạm phát sóng giả này mà không qua các nhà mạng.

Các thiết bị giả có thể thực hiện hàng ngàn tin nhắn trong một phút. Nội dung tin nhắn rác thường gắn kèm các link lừa đảo, game độc hại, mạo danh website ngân hàng để lừa đảo…

Nguyên nhân xảy ra tình trạng này do lỗ hổng bảo mật của mạng 2G. Mạng di động này chỉ yêu cầu xác thực người sử dụng điện thoại nhưng không yêu cầu người sử dụng xác thực nhà mạng. Hiện tại, trên thế giới cũng chưa có giải pháp khắc phục triệt để vấn đề này.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm