Tranh cãi vẫn không ngừng tiếp diễn sau khi Bộ trưởng Quyền Phụ nữ và Bảo vệ trẻ em Indonesia - bà Yohana Yembisa mới đây tuyên bố: Ngay trong năm 2016, Indonesia sẽ bắt đầu áp dụng chính thức điều luật trừng trị những kẻ phạm tội xâm hại tình dục bằng cách “thiến” bằng hóa chất.
Những cái chết thương tâm
Biện pháp mạnh tay này được chính quyền Indonesia đưa ra trong bối cảnh nạn quấy rối và xâm hại tình dục tại nước này đang nằm trong tình trạng báo động, đặc biệt khi ngày càng nhiều trẻ em trở thành nạn nhân của các “yêu râu xanh”. Mới tháng 10-2015, thi thể của một bé gái chỉ mới chín tuổi đã được phát hiện giấu bên trong một thùng carton ngay tại thủ đô Jakarta. Kết quả khám nghiệm cho biết bé gái đã bị xâm hại tình dục nhiều lần trước khi chết. Năm 2014, tại một trường mẫu giáo quốc tế ở Jakarta, năm người lao công đã bị bắt giữ với tội danh xâm hại tình dục trẻ em.
Dẫn lại phát biểu bởi tờ Antara (Indonesia), bà Bộ trưởng Yohana cho biết mục đích lớn nhất của biện pháp cứng rắn này không phải để trừng trị mà là để ngăn chặn nạn cưỡng hiếp tại đất nước vạn đảo. Tại quốc gia Hồi giáo đông dân nhất thế giới, khung hình phạt đối với tội danh ấu dâm có thể lên đến tối đa 15 năm tù. Tuy nhiên, đã có nhiều trường hợp bị xem là có mức hình phạt quá nhẹ tay, tiếp tục gây hại cho xã hội. Chính vì thế mà biện pháp “thiến” bằng hóa chất đã nhận được sự ủng hộ rộng rãi của người dân và giới lập pháp Indonesia trong đó có cả Tổng thống Joko Widodo và Thống đốc Jakarta - ông Basuki Tjahaja Purnama.
Tình nguyện… được “thiến”
Trong lịch sử, hình phạt hoạn đã từng được áp dụng đối với tội danh ngoại tình ở Ai Cập cổ đại, tội cưỡng hiếp tại châu Âu vào thế kỷ 12 hay đối với những người đồng tính tại Pháp vào thế kỷ 13. Hiện nay ngoài Indonesia, các quốc gia Thụy Điển, Đan Mạch, Canada, Mỹ, Ba Lan và Hàn Quốc cũng đã sử dụng đến hình pháp “triệt từ gốc” đối với tội danh hiếp dâm, đặc biệt là hiếp dâm trẻ em.
Tại một số bang ở Mỹ thậm chí còn có biện pháp “thiến” những kẻ phạm tội ấu dâm bằng phương pháp phẫu thuật cắt bỏ tinh hoàn, nơi có đến 95% testosterone của cơ thể được sản sinh.
California là một trong nhiều bang tại Mỹ có chính sách hoạn những kẻ từng nhiều lần phạm tội hiếp dâm trước khi cho phép chúng quay trở lại xã hội. Tuy nhiên, hãng tin ABC cho biết trước những khung hình phạt càng ngày càng khắc nghiệt tại Mỹ, nhiều tù nhân thậm chí đã tình nguyện chấp nhận biện pháp này. Hiện có ít nhất bảy bang tại Mỹ có chính sách giam lỏng tại gia vô thời hạn các cựu tù nhân phạm tội hiếp dâm. Để thoát khỏi tình cảnh này, theo tờ Los Angeles Times, đã có ít nhất 15 kẻ từng nhiều lần phạm tội xâm hại tình dục yêu cầu “được thiến” để được tái hòa nhập. Tại Mỹ, bang Texas là nơi đầu tiên áp dụng biện pháp này trên cơ sở tự nguyện.
Thomas Valverde (46 tuổi, trái) đã cưỡng hiếp một bé gái nhiều lần từ năm cô bé 11-12 tuổi. Hắn bị kết án 40 năm tù và phải bị “thiến” bằng hóa chất. Ảnh: JPSO
Biện pháp man rợ hay đích đáng?
Trong tuyên bố của mình, nữ bộ trưởng của Indonesia cũng thừa nhận vẫn còn tồn tại nhiều tranh cãi về nhân quyền xoay quanh hình phạt này. Tại Mỹ, nhiều tổ chức nhân quyền đã lên tiếng phản đối hình thức “thiến” bằng hóa chất và “thiến” bằng phẫu thuật. Tổ chức Liên đoàn Quyền tự do dân sự Mỹ đã mở cả một chiến dịch vận động phản đối hình thức lựa chọn “thiến” bằng phẫu thuật để được giảm án tù, gọi đây là một biện pháp “man rợ, tàn nhẫn và khác người”. Tại Ấn Độ, quốc gia có mức xâm hại tình dục trẻ em trung bình đến tám bé gái/ngày, việc cân nhắc áp dụng “thiến” bằng hóa chất cũng gây nhiều tranh cãi. Thẩm phán Tòa án Tối cao Ấn Độ Kirubakaran cho rằng: “Những tội ác man rợ cần phải có những mô hình trừng phạt “man rợ”. Chỉ cần nghĩ đến hình phạt thôi cũng đủ để ngăn cản việc gây nên tội ác”.
Tỉ lệ tái phạm chỉ còn 3%
Bên cạnh những tranh cãi về tính nhân đạo của hình phạt, nhiều chuyên gia y học và tội phạm học cũng bày tỏ sự nghi ngờ về tính hiệu quả của biện pháp này. Một nghiên cứu tại Đức cho biết tỉ lệ tái phạm hành vi xâm hại tình dục của các tội phạm đã bị “thiến” bằng cách phẫu thuật chỉ còn 3%. Trong khi đó, tỉ lệ này đối với những “yêu râu xanh” được thả tự do sau khi hết án tù cao đến 46%. Tuy nhiên, theo tổ chức ATSA chuyên nghiên cứu về các biện pháp đối với những đối tượng quấy rối tình dục, một bộ phận đáng kể những kẻ phạm tội vẫn giữ được một vài chức năng tình dục kể cả sau khi bị hoạn bằng phẫu thuật lẫn bằng hóa chất.
Theo Fred Berlin, nhà sáng lập của phòng chuyên khoa về rối loạn tâm thần tình dục tại BV Johns Hopkins (Mỹ), đánh giá hình phạt này không phù hợp với tất cả đối tượng phạm tội. Ông cho biết biện pháp phẫu thuật triệt ham muốn tình dục chỉ có hiệu quả đối với những kẻ phạm tội với động lực là sự ham muốn tình dục về sinh học. Thế nhưng vẫn có nhiều trường hợp đối tượng phạm tội bởi vì chúng đã không còn lương tâm, bị tâm thần, hoặc sử dụng quá nhiều chất kích thích hay các chất cồn. Với những trường hợp này việc bị hoạn cũng trở nên vô nghĩa vì chúng gây án không phải do ham muốn.
Một số chuyên gia và quan chức giới tư pháp tại Mỹ cũng cho rằng với điều kiện y học hiện tại, một số “yêu râu xanh” đã bị hoạn vẫn có thể tìm các biện pháp bên ngoài để tăng mức testosterone trong cơ thể, như các loại kem bôi hay miếng dán sinh hóa. Tại Hàn Quốc, biện pháp “thiến” bằng hóa chất đã đạt được nhiều kết quả trong cuộc chiến chống xâm hại tình dục. Tuy nhiên, các báo cáo cho biết biện pháp này cũng gây ra một số tác dụng phụ về sức khỏe như loãng xương, suy giảm sức khỏe tim mạch, tăng mức mỡ trong máu, tăng huyết áp hay thậm chí là có các triệu chứng của… phụ nữ giai đoạn mãn kinh.
Dù hiện nay đã có những tiến bộ về các phương pháp y học, biện pháp “thiến” bằng hóa chất cũng không phải là “công thức vàng” để chống nạn quấy rối tình dục. Trang Chronicle (Úc) ghi nhận đã từng có trường hợp đối tượng được điều trị bằng biện pháp này vẫn tiếp tục phạm tội. Vào năm 2000, Robert Jason Dittmer, một kẻ ấu dâm, bị yêu cầu điều trị bằng biện pháp này với rất nhiều loại thuốc liều cao, vẫn cưỡng hiếp một bé gái khi đang trong quá trình điều trị.
Kẻ hiếp dâm ‘bất lực’ như trẻ ba tuổi Biện pháp hoạn bằng hóa chất sẽ không loại bỏ bộ phận sinh dục của người phạm tội. Thay vào đó đối tượng sẽ phải sử dụng các loại thuốc trong đó bao gồm cả các loại thuốc tránh thai dành cho nam giới. Biện pháp này ban đầu được dùng để chữa trị các chứng bệnh ung thư có liên quan đến hooc-môn của bệnh nhân, chẳng hạn như ung thư tinh hoàn mà không cần phải phẫu thuật cắt bỏ bộ phận bị ung thư. Quá trình này có khả năng giảm mức testosterone trong cơ thể của kẻ phạm tội xuống ngang bằng với mức của một bé trai ba tuổi. Đối tượng được “điều trị” bằng phương pháp này sẽ giảm các ham muốn tình dục xuống mức cực thấp và lâm vào tình trạng “bất lực”. Tuy nhiên, đối với biện pháp này tội phạm phải thường xuyên sử dụng thuốc, bằng không các tác dụng của phương pháp này sẽ biến mất và đối tượng trở lại “bình thường”. Bên cạnh đó, những kẻ phạm tội cũng phải thường xuyên nhận được tư vấn tâm lý để ngăn những hành vi phạm tội nghiêm trọng khác xuất phát từ mặc cảm. |