Đấy là lý thuyết trên bảng xếp hạng FIFA nhưng thực tế cũng phản ảnh đúng nội lực của làng bóng Việt cùng hàng loạt thành tích trong hai năm qua, từ cấp độ Đông Nam Á đến châu Á.
Mặc dù thầy trò ông Park đã khẳng định mình trên đấu trường quốc tế vẫn phải chịu rất nhiều áp lực vô địch SEA Games 30 - một giải đấu trẻ không nằm trong hệ thống FIFA và không có tác dụng trên bảng xếp hạng thế giới. Tuy nhiên, một chiếc huy chương vàng bóng đá SEA Games là khao khát rất lớn của những người làm và yêu bóng đá Việt Nam từ sau lần đoạt ngôi á quân ở mùa 1995.
Suốt 24 năm qua, bóng đá Việt Nam lúc nào cũng đầu tư lớn và mong mỏi một lần lên đỉnh SEA Games vẫn chưa một lần thỏa mãn. Cũng đã năm lần vào chơi trận chung kết, các đội tuyển Việt Nam đều ngã ngựa ngay trước cửa thiên đường.
Ngay cả làng bóng Thái Lan trong 12 kỳ SEA Games gần nhất đã 10 lần đăng quang (hai lần còn lại thuộc về Malaysia) cũng luôn yêu thích bá chủ sân chơi mang tính truyền thống này. Điều này vô tình gây sức ép rất lớn cho thầy trò ông Akira Nishino.
Thầy trò ông Park Hang-seo đang gặp hoàn cảnh tương tự Thái Lan, dù tham vọng và nguyên cớ của bóng đá Việt Nam có vẻ chính đáng hơn, vì 60 năm qua chưa có thêm lần thứ hai vô địch. Áp lực cho U-22 Việt Nam cũng là động lực giúp họ chơi hơn sức mình để làm dày hơn bộ sưu tập thành tích cùng thầy Park trong hơn hai năm qua.
Chức vô địch SEA Games vì quá hiếm với làng bóng Việt Nam nên nó rất quý với tác dụng cổ vũ tinh thần rất tốt.