UBND TP.HCM vừa cơ bản thống nhất với đề xuất của Công ty CP Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP (CII) về lùi thời gian hoàn thành dự án mở rộng xa lộ Hà Nội đến cuối năm 2018. Dự án mở rộng xa lộ Hà Nội nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại tăng cao, giải tỏa ùn tắc giao thông thường xuyên xảy ra ở cửa ngõ phía Đông TP. Vì sao một dự án quan trọng như vậy phải lùi tiến độ hoàn thành?
Vướng mặt bằng
Dự án BOT mở rộng xa lộ Hà Nội được thực hiện từ năm 2010, dự kiến thời gian thi công là 36 tháng kể từ ngày nhận toàn bộ mặt bằng. Đến nay, toàn công trình đã đạt hơn 73% khối lượng nhưng do vướng trong việc bồi thường, giải phóng mặt bằng (CII mới nhận được khoảng 74,5% tổng diện tích công trình) nên công trình trở nên đứt khúc, dở dang ở nhiều đoạn, nhất là ở các đoạn song hành.
Ngày 8-2, khảo sát hiện trường, PV Pháp Luật TP.HCMghi nhận từ trong nội thành ra quận 9, ngay ở đầu cầu Rạch Chiếc, phần đất làm đường song hành ở đầu này chưa được bàn giao nên chủ sử dụng hiện hữu biến nơi đây thành bãi tập kết xà bần, rác thải... Ngay khu vực trạm thu giá cạnh đó, phần đất bên đường đang được giải tỏa từng phần, chưa bàn giao nên đơn vị thi công chưa thể thi công hoàn chỉnh đoạn đường song hành từ cầu Rạch Chiếc đến ngã ba Tây Hòa. Từ đây biến đoạn xa lộ Hà Nội ngang qua trạm thu giá thành điểm nguy cơ kẹt xe cao, thường xuyên.
Đoạn từ chân cầu vượt nút giao trạm 2 đến Suối Tiên, theo kế hoạch sẽ làm hầm chui rộng 12 m cho hai chiều xe chạy nhưng đến nay cũng còn vướng 28 hộ dân của phường Tân Phú (quận 9) nên phải thi công cầm chừng.
Đoạn xa lộ Hà Nội chui dưới tuyến metro số 1 đi vào depot Long Bình hiện chưa thể mở rộng vì phải chờ metro làm xong mới có mặt bằng thi công. Ảnh: L.ĐỨC
Ông Nguyễn Thành Nam, Giám đốc Công ty CP Đầu tư và xây dựng xa lộ Hà Nội (thuộc Công ty CII), cho biết mặt bằng vướng nhiều nhất là trên địa bàn quận 9. Đến nay vẫn còn hàng chục hộ chưa bàn giao mặt bằng. Cụ thể, đoạn đường song hành xa lộ Hà Nội đoạn từ cầu Rạch Chiếc đến trạm thu giá qua phường Phước Long A vẫn còn ba hộ, phường Tân Phú còn 28 hộ (dài 400 m, từ cầu vượt trạm 2 đến Khu du lịch văn hóa Suối Tiên).
Ngoài ra, đoạn từ Suối Tiên đến ngã ba Tân Vạn đang vướng nhà và đất thuộc quận 9 và tỉnh Bình Dương. Theo tìm hiểu của PV, nguyên trước đây đất hai bên đoạn này là đất nông nghiệp, vài năm gần đây biến thành đất ở hoặc kho bãi chứa máy thi công cơ giới, ô tô… Theo một cán bộ quận 9, người dân không chịu đền bù theo giá đất nông nghiệp mà đòi theo giá đất ở đô thị nên việc áp giá đền bù đang bị ách lại.
Trên trục xa lộ Hà Nội hiện là đại công trường với hàng loạt tiểu công trình như nút giao ĐH Quốc gia, metro số 1, Bến xe Miền Đông mới... Do đặc điểm điều chỉnh biển báo giao thông liên tục, nhiều người dân qua đây không thể cập nhật kịp theo biển báo, chỉ dẫn phân luồng, làn... nên thường bị dính CSGT chốt ở phía trước. Chúng tôi cho rằng xa lộ Hà Nội vừa là công trường vừa là đường đi mỗi ngày nên CSGT chỉ nên làm công việc phân làn, điều tiết giao thông thay vì thổi phạt người dân không kịp cập nhật tình hình công trường, đường đi. Ông LÊ VĂN ÚT, người dân ngụ quận 9, TP.HCM |
Vướng metro
Ngoài vướng mặt bằng chưa giải tỏa, toàn bộ đường song hành xa lộ Hà Nội từ nội đô ra hiện còn bị vướng tuyến metro số 1 ở nhiều điểm. Cụ thể, đoạn xa lộ Hà Nội mở rộng chui dưới tuyến metro số 1 đi vào depot Long Bình hiện cũng chưa thi công được vì phải chờ metro làm xong mới có mặt bằng. Liền kề đó, đoạn qua trước ga metro Suối Tiên và cửa nhà ga Bến xe Miền Đông mới cũng chưa thể thi công mở rộng được vì còn chờ phê duyệt, triển khai dự án bổ sung cầu vượt trên xa lộ Hà Nội.
Ở hướng từ cầu Đồng Nai vào nội đô, nhiều đoạn song hành cũng bị cắt khúc bởi các nhà ga metro như Suối Tiên, Khu công nghệ cao... do chưa thi công xong, chưa giao lại mặt bằng cho dự án xa lộ Hà Nội. Đường Nguyễn Văn Bá, một phần của đường song hành xa lộ Hà Nội, bị cắt đứt hoàn toàn bởi rào chắn nhà ga metro Thủ Đức. Đoạn từ trục chính xa lộ Hà Nội rẽ phải chui dưới tuyến metro để đi vào đường song hành cũng chưa được bàn giao...
Theo Ban quản lý đường sắt đô thị và UBND TP, tuyến metro số 1 đang vướng thủ tục giải ngân từ trung ương. Nếu việc giải ngân thông suốt thì phải đến năm 2020, tuyến metro số 1 mới có thể xong và bàn giao lại mặt bằng bên dưới cho tuyến xa lộ Hà Nội. “Nhiều đoạn của xa lộ Hà Nội và đường song hành đã hoàn thành nhưng vẫn còn một số vị trí chưa thể thi công do vướng mặt bằng. Do vậy tuyến đường song hành bị gián đoạn, đứt quãng, không thể khai thác hết hiệu quả để giảm tải cho tuyến xa lộ Hà Nội hiện hữu” - ông Nguyễn Thành Nam nói.
Và vướng… thủ tục? Theo tính toán ban đầu, TP.HCM bố trí ngân sách để thực hiện toàn bộ công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng của dự án trên địa bàn TP và tỉnh Bình Dương. Tuy nhiên, mặt bằng trên địa bàn tỉnh Bình Dương còn bị ảnh hưởng bởi dự án metro số 1 (có nguồn vốn vay từ nước ngoài). Vì thế UBND TP.HCM chủ trương tách dự án bồi thường, giải phóng mặt bằng trên địa bàn tỉnh Bình Dương thành dự án riêng để giải phóng mặt bằng, phục vụ cho cả dự án mở rộng xa lộ Hà Nội và tuyến metro số 1 với tổng số tiền khoảng 1.825 tỉ đồng. Do sự điều chỉnh trên, báo cáo mới đây của UBND TP cho biết phải điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư, phụ lục hợp đồng trình Bộ KH&ĐT. Nhưng đến nay bộ này vẫn chưa ký nên Công ty CII chưa thể vay vốn, chỉ mới đáp ứng được 550 tỉ đồng cho Ban Đền bù giải phóng mặt bằng huyện Dĩ An (Bình Dương). Cũng vì vướng mắc này nên UBND TP cơ bản thống nhất với đề xuất của Công ty CII về lùi thời gian hoàn thành tiến độ dự án trong năm 2018. |