Chống dịch COVID-19: Nhà ga, bến xe kiểm tra nghiêm ngặt

Ghi nhận ngày 27-3, Bến xe Miền Đông (quận Bình Thạnh, TP.HCM) đông đúc lạ thường từ khu vực bán vé đến bãi giữ xe. Nhiều người dân cho biết sau khi nghe thông tin trên báo, đài về việc hạn chế xe khách liên tỉnh nên từ sáng sớm họ đã dọn đồ về quê.

Các bến xe kiểm tra nghiêm ngặt

Trong khi đó, khu vực trả khách vắng vẻ, tầm nửa tiếng mới có một chuyến xe đến trả khách. Lượng hành khách trên các chuyến xe này cũng ít, chỉ vài người/xe.

Theo ghi nhận, lực lượng bảo vệ của bến xe ra sức điều tiết, kiểm tra thân nhiệt cho người dân khi ra khu vực bãi để lên xe.

Ông Đỗ Phú Đạt, Phó Giám đốc Bến xe Miền Đông, cho biết bến đã xây dựng kịch bản ứng phó và xây dựng quy trình xử lý với các trường hợp có biểu hiện bệnh.

Nếu phát hiện hành khách có dấu hiệu thân nhiệt cao và các biểu hiện, tiến hành mời hành khách đó đến phòng cách ly. Đồng thời, báo cáo tổ chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh COVID-19 và liên hệ phường 26 (quận Bình Thạnh) để phối hợp xử lý.

Theo ông Đạt, khi hành khách tới từ vùng có dịch, các đơn vị vận tải sẽ thông báo cho bến xe. Sau đó bến xe sẽ báo cho trung tâm y tế. Song song, bến xe yêu cầu các đơn vị vận tải không thực hiện vận chuyển hành khách từ các vùng dịch đến bến xe và chính đơn vị vận tải chủ động cắt chuyến.

Ông Đạt cho rằng hiện nay các đơn vị vận tải vẫn làm tốt các khâu chuẩn bị.

Còn ông Trần Văn Phương, Phó Giám đốc Bến xe Miền Tây, cho hay bến sẽ tiến hành công tác quản lý và kiểm tra các thông tin của hành khách trước khi lên xe.

Ngoài ra, bến cũng từ chối hành khách nếu hành khách di chuyển vào bến xe mà không đeo khẩu trang.

Đặc biệt, để phòng dịch hiệu quả, mỗi hành khách sẽ được tiến hành đo thân nhiệt trước khi lên xe. Ngoài ra, bến xe còn triển khai khai báo y tế bắt buộc, khi qua thời gian tuyên truyền mà hành khách không thực hiện sẽ từ chối phục vụ.

Công tác phòng dịch tại ga Sài Gòn (TP.HCM). Ảnh: THY NHUNG

Nhà ga, sân bay không lơ là phòng dịch

Tại ga Sài Gòn, theo ghi nhận của PV lúc 16 giờ 30, tàu SE7 (chuyến Hà Nội-TP.HCM), tất cả hành khách về tới ga đều được các nhân viên kiểm soát dịch bệnh (Sở Y tế TP) đo thân nhiệt.

Các hành khách cũng chấp hành quy định của nhà ga. Các nhân viên trên tàu, trưởng tàu cũng thực hiện nghiêm chỉnh.

Nhân viên kiểm soát dịch bệnh tại đây được chia làm hai ca, túc trực thường xuyên. Ga này cũng đã được trang bị trạm kiểm soát điện tử và máy đo thân nhiệt bằng tay.

Khi phát hiện hành khách có nhiệt độ cao sẽ được bác sĩ tại đây kiểm tra và thực hiện các thao tác cách ly, lấy mẫu dịch tễ.

Hỗ trợ chi phí cho 5.000 người lao động

Để hỗ trợ khó khăn cho các đơn vị vận tải trong thời gian dịch bệnh COVID-19, Sở GTVT TP.HCM sẽ làm việc cụ thể với các đơn vị vận tải để tham mưu UBND TP hỗ trợ một phần chi phí cho hơn 5.000 người lao động.

Những trường hợp được hỗ trợ bao gồm tài xế, nhân viên phục vụ trên xe buýt phải tạm ngưng phục vụ, thất nghiệp. Xem xét hỗ trợ lãi vay đối với các phương tiện đầu tư thay thế mới đang phải trả lãi ngân hàng, để các đơn vị tiếp tục duy trì, ổn định sau khi dịch bệnh kết thúc.

Đặc biệt, các đơn vị kinh doanh vận tải không được tăng giá vé và Sở GTVT sẽ tiếp nhận việc kê khai giá vé trong thời điểm hiện nay. 

Ông Đỗ Quang Văn, Giám đốc CN Công ty CP Vận tải đường sắt Sài Gòn, cho biết mọi biện pháp đều được ga Sài Gòn đã và đang thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng, TP, Bộ Y tế.

Tại ga có trạm kiểm soát dịch bệnh của TP. Cụ thể, đối với hành khách từ các địa phương khác di chuyển đến TP, trạm kiểm soát dịch bệnh sẽ kiểm soát toàn bộ hành khách đến.

Đối với hành khách di chuyển từ ga Sài Gòn đến các địa phương khác cũng bắt buộc đo thân nhiệt và khai báo y tế trước khi lên tàu. Trường hợp khách hàng không kịp thời gian khai báo y tế cũng sẽ được các nhân viên hỗ trợ khai báo y tế ngay trên tàu bằng điện thoại di động hoặc máy tính bảng.

Về phía ngành hàng không, đại diện Cảng HKQT Tân Sơn Nhất cho hay hiện các biện pháp kiểm soát y tế tại cảng do cơ quan y tế phụ trách.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, đại diện Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế TP.HCM cho biết trung tâm đã triển khai các biện pháp kiểm tra hành khách như đo thân nhiệt cho khách khi đến sân bay Tân Sơn Nhất.

Ngưng toàn bộ xe buýt liên tỉnh

Sở GTVT TP.HCM vừa có văn bản hỏa tốc gửi các đơn vị có liên quan để tổ chức hoạt động vận tải trước các diễn biến phức tạp của dịch COVID-19. Trong đó có 10 vấn đề được Sở GTVT đưa ra và yêu cầu áp dụng từ hôm nay (28-3) đến 15-4.

Một trong 10 vấn đề đáng chú ý là việc tạm dừng các tuyến xe buýt liên tỉnh. Theo Sở GTVT, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc tạm dừng hoặc tổ chức ít lại chuyến giao thông công cộng, sở đã đề xuất phương án tạm ngưng hoạt động xe buýt.

Cụ thể, Sở GTVT sẽ tạm ngưng hoạt động 54 tuyến xe buýt từ ngày 28-3 đến 15-4, trừ khi có chỉ đạo mới.

Trong đó, có 27 tuyến xe buýt không trợ giá kết nối với các tỉnh liền kề và chín tuyến xe buýt không trợ giá trong nội thành TP.HCM cũng ngưng hoạt động.

Theo ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở GTVT, tới ngày 28-3, TP.HCM có 78 tuyến xe buýt hoạt động có trợ giá, giảm 50% số chuyến so với kế hoạch, tương ứng 6.700 chuyến/ngày (giảm 65% so với ngày thường).

Ngoài ra, Sở GTVT đề nghị các xe không được chở quá sức chứa 50% và không quá 20 hành khách. Hành khách trên xe được nhân viên phục vụ hướng dẫn ngồi xen kẽ, không bố trí ngồi gần nhau với khoảng cách an toàn nhất.

Hành khách tại các bến, điểm đón phải đứng cách nhau tối thiểu 2 m. Các đơn vị phải trang bị nước rửa tay cho hành khách lên xe trước khi vào vị trí ngồi.

Song song đó, Cảng vụ đường thủy nội địa TP cũng được yêu cầu từ chối cấp giấy phép rời/vào bến cho phương tiện khi hành khách không đeo khẩu trang, không giữ khoảng cách an toàn tối thiểu 2 m…

______________________________

Grab cam kết tuân thủ việc chống dịch

Bà Nguyễn Thái Hải Vân, Giám đốc điều hành Grab Việt Nam, cho biết: “Chúng tôi cam kết tuân thủ nghiêm ngặt khuyến nghị của các cơ quan chức năng và luôn sẵn sàng chung tay cùng Chính phủ để ứng phó với dịch COVID-19”.

Theo bà Vân, trong thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục triển khai các hoạt động phòng, chống dịch hơn nữa; đồng thời chủ động đưa ra nhiều biện pháp ứng phó cần thiết theo sự hướng dẫn từ cơ quan chức năng.

Đại diện hãng taxi Vinasun cũng cho hay ngày 27-3 đơn vị này đã nhận được thông tin từ Sở Y tế và Sở GTVT. Theo đó, đơn vị đang triển khai, hướng dẫn các tài xế trao đổi với hành khách trong việc khai báo y tế và đeo khẩu trang.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm