Chiều 27-12, tại chương trình Cà phê học thuật nhân văn “Kịch nói phía Nam: Dấu ấn các thế hệ” tổ chức tại TP.HCM, NSND Kim Cương và NSƯT Thành Lộc đã có nhiều chia sẻ xúc động về chuyện nghề.
NSND Kim Cương và NSƯT Thành Lộc đại diện hai thế hệ trải lòng về kịch nói phía Nam. Ảnh: K.CHI
Tại đây, NSND Kim Cương tâm sự: “Gia đình tôi xem sân khấu không phải một nghề mà là đạo. Chúng tôi muốn sân khấu nghệ thuật khiến khán giả sống tốt hơn, sống đẹp hơn”.
Là một trong những người đầu tiên tạo ra và phát triển loại hình nghệ thuật kịch nói ở miền Nam, NSND Kim Cương đã chia sẻ nhiều khó khăn trong giai đoạn đầu kịch nói mới hình thành. “Thời gian đầu kịch nói mới hình thành, không có diễn viên, không có người viết kịch cho mình diễn, tôi đã phải tự viết kịch bản cho đoàn kịch của mình…” - NSND Kim Cương tâm sự.
Trong giai đoạn đó, lối diễn của sân khấu kịch là để khán giả phải tỉnh táo nhận ra cốt truyện, nhận xét và đánh giá câu chuyện. Bài học ý nghĩa đằng sau vở kịch từ đó đi sâu vào trái tim khán giả. Nhưng NSND Kim Cương không đi theo con đường đó. Bà nói: “Tôi muốn kịch nói của mình phải đi sâu vào lòng khán giả một cách giản dị, muốn dẫn khán giả từ trái tim xúc động, sau đó mới đến bộ óc, lý trí”.
Còn NSƯT Thành Lộc tâm sự, ông đã chịu ảnh hưởng không ít bởi những vở kịch của NSND Kim Cương. Kịch nói miền Nam đi vào lối kịch tâm lý xã hội từ sau năm 1975. Lúc này, NSƯT Thành Lộc cảm thấy may mắn vì bản thân có thể lãnh hội được cả hai phong cách diễn đi vào lý tính (lối diễn kịch của những nghệ sĩ trước) và cảm tính (lối diễn kịch của NSND Kim Cương).
Hai lối diễn được giao thoa trong phong cách biểu diễn của NSƯT Thành Lộc. “Tôi hạnh phúc vì có thể thừa hưởng những thành quả tiền bối để lại, đồng thời tiếp thu cái mới” - ông tâm sự. Từ đó, ông biết tiết chế, điều hòa cảm xúc của bản thân trên sân khấu để tạo nên dòng kịch đi vào cả trái tim và lý trí của khán giả. “Người nghệ sĩ thành công là khi có thể khiến khán giả khóc trước khi bản thân chưa kịp khóc trên sân khấu” - NSƯT Thành Lộc nói.