Những kẻ kích động công nhân hoạt động rất chuyên nghiệp, có tổ chức

Ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ VN, báo cáo tình hình công nhân tại các điểm nóng trong hội nghị Đoàn chủ tịch sáng nay 16-5

Ông Mai Đức Chính (đứng), Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ VN, báo cáo tình hình công nhân tại các "điểm nóng" trong hội nghị Đoàn chủ tịch sáng nay 16-5

Theo Tổng LĐLĐ Việt Nam, hầu hết những đối tượng bị bắt trong các vụ công nhân tuần hành phản đối Trung Quốc đều không phải là công nhân, chúng đã có sự chuẩn bị từ trước và ra tay manh động, chuyên nghiệp.

Hầu hết những người bị bắt không phải là công nhân

Sáng nay 16-5, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (Tổng LĐLĐ VN) đã tổ chức Hội nghị Đoàn chủ tịch lần thứ 6. Hội nghị đã dành thời gian đầu buổi để báo cáo và bàn về tình hình “nóng” là việc công nhân nhiều địa phương tham gia tuần hành phản đối Trung Quốc.

Ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ VN - người trực tiếp vào trong “điểm nóng” phía Nam là các tỉnh TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai để giải quyết - báo cáo: Sau mấy ngày xảy ra vụ việc trong TP HCM, Đồng Nai, Bình Dương, hiện nay đang đi vào giai đoạn giải quyết gấp rút. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều phức tạp. Sau khi phía Nam được bình ổn thì ở Miền Trung, Khu công nghiệp Vũng Áng lại có 2 nhóm công nhân xô xát. Hôm qua (15-5), cơ quan cảnh sát điều tra Hà Tĩnh đã khởi tố vụ án và tạm giam 76 người.

Cũng theo ông Mai Đức Chính, trong các vụ việc xảy ra, các đối tượng kích động gây bạo loạn có tổ chức rất chặt chẽ. Theo phản ánh của cán bộ công đoàn (CĐ) cơ sở thì từ trước đó, chúng đã mua cờ Tổ quốc, áo với số lượng rất lớn. Dụ dỗ được công nhân đi biểu tình, khi công nhân vừa ra khỏi cửa nhà máy đã được phát áo.

Chuyên nghiệp hơn, chúng đã photocopy bản đồ tất cả doanh nghiệp (DN) Trung Quốc, Đài Loan để thuận tiện ra tay. Chúng còn sử dụng cả bộ đàm liên lạc với nhau, đi bằng xe máy cho cơ động. Trong xe đều có đủ đồ nghề dao, kiếm. Chúng còn sử dụng cả “bom xăng” để đốt công ty.

Thậm chí, có nơi còn phát tiền mỗi công nhân được 50.000 đồng. Việc này đã có sự chuẩn bị với số đông lực lượng bất hảo. Ở thời điểm biểu tình đang “nóng”, chúng nhắn tin kêu gọi biểu tình cho 200 - 300.000 đồng, yêu cầu nếu có cả trẻ con thì cho mang theo.

Những đối tượng xấu bị bắt hầu hết đều xăm trổ, ăn mặc “đầu xanh, đầu đỏ”. Hầu hết được xác định không phải là công nhân ở các nhà máy. Ở Bình Dương hiện đã bắt trên 800 người và phân loại trên 300 người có thể bị khởi tố. 

Cũng theo ông Mai Đức Chính, trước tình hình trên, các cấp CĐ đã chủ động làm các tờ rơi, thư kêu gọi để tuyên truyền, giải thích cho công nhân hiểu rõ chủ trương của Đảng, Nhà nước kiên quyết đấu tranh yêu cầu ra khỏi vùng biển nước ta.

Cán bộ CĐ chủ chốt đã có mặt, phổ biến ngay chủ trương chính sách của Nhà nước. Ở Đồng Nai đã làm thư kêu gọi gửi tới các nhà trọ, tới tận tay các công nhân, kêu gọi công nhân bình tĩnh, không tham gia vào các cuộc biểu tình.

Ở một số doanh nghiệp, CĐ của các khu công nghiệp phối hợp CĐ cơ sở lựa chọn một số đoàn viên, lực lượng nòng cốt để tham gia bảo vệ. 

Chiều 14-5, công nhân Công ty Esquel ở Bình Dương treo khẩu hiệu phản đối việc đập phá của các đối tượng quá khích - Ảnh: Như Phú
Chiều 14-5, công nhân Công ty Esquel ở Bình Dương treo khẩu hiệu phản đối việc đập phá của các đối tượng quá khích - Ảnh: Như Phú

Hiện rất nhiều công nhân ở các KCN treo băng-rôn, “Bảo vệ chủ quyền nhà nước chính là bảo vệ việc làm”. CĐ cùng lực lượng mặt trận đi vào một số khu nhà trọ vận động ai đã lấy tài sản thì trả lại cho DN.

Giải quyết những vấn đề mới phát sinh

Trong ngày 15-5, có một số vấn đề mới phát sinh. Đến kỳ trả lương cho công nhân song một số chủ DN Trung Quốc sợ quá đã bỏ trốn. Ở một số khu nhà trọ, thấy công nhân mất việc thì chủ trọ cũng đòi tiền, không có tiền thì không cho thuê nữa. Trong khi đó, công nhân không làm thủ tục để hưởng trợ cấp thất nghiệp được vì hồ sơ cũng bị đốt theo.

Về phía CĐ, đối với các chủ nhà máy vắng mặt, cán bộ CĐ kiên trì vận động công nhân yên tâm. Chính quyền cũng đang làm việc với các DN để trở lại làm việc bình thường. Đối với các nhà máy khó có khả năng phục hồi và một số nơi công nhân cùng với chủ dọn dẹp lại mặt bằng nhà máy. Việc làm thủ tục để hưởng bảo hiểm thất nghiệp đang phối hợp cơ quan bảo hiểm xã hội thực hiện vì trước kia có đóng thì có danh sách.

Các LĐLĐ đã báo cáo cấp uỷ để báo cáo với mặt trận, các tổ chức xã hội vận động cho công nhân nợ tiền nhà trọ.

Hôm qua 15-5, UBND TP HCM đã mời tất cả các đại diện ở các Đại sứ quán, các hiệp hội DN nước ngoài để thông báo và trấn an việc chính quyền sẽ đảm bảo an ninh trật tự để họ duy trì sản xuất trở lại.

Từ các hoạt động trên, ở TP HCM chỉ có một số ít DN bị thiệt hại, ở Bà Rịa - Vũng Tàu không có DN bị thiệt hại; Hải Phòng cũng không có thiệt hại lớn.

Hiện nay tình hình phản đối Trung Quốc xâm phạm chủ quyền Việt Nam lan ra một số địa phương song diễn ra trong hoà bình như ở Bà Rịa-Vũng Tàu, Tây Ninh, Hải Phòng, Bắc Giang, Thái Bình, Vĩnh Phúc…

Chủ tịch Tổng LĐLĐ VN Đặng Ngọc Tùng khẳng định: Kẻ xấu lợi dụng lòng yêu nước của nhân dân Việt Nam, đặc biệt trong công nhân để kích động, xúi giục để tạo ra bạo loạn ở trong nước để phá hoại. Những kẻ gây rối có tổ chức, là những phần tử “đầu xanh, đầu đỏ”. Chúng đến công ty Trung Quốc, đầu tiên chúng yêu cầu chỉ để công nhân phản đối, chúng tranh thủ vào ban đêm để dễ lợi dụng đập phá. Cho nên đây là những hành động rất nguy hiểm. Tổng LĐLĐ VN lên án những hành động này.

Theo Nguyễn Quyết (NLĐO)
Phản ứng của Trung Quốc
Như PLO đã đưa tin, Bản tin Tân Hoa Xã phát lúc 13 giờ chiều 15-5, Trung Quốc đã lên tiếng về việc các công nhân tuần hành trước các nhà máy Trung Quốc ở một số địa phương tại Việt Nam. 

Theo đó, phía Trung Quốc cho biết những cuộc biểu tình này đã khiến cho những doanh nghiệp Trung Quốc tại Việt Nam vô cùng lo lắng. Trung Quốc cho rằng theo luật pháp quốc tế, Việt Nam phải đảm bảo được sự an toàn và quyền lợi chính đáng của cá nhân cũng như tổ chức Trung Quốc trong phạm vi đất nước mình. 

Trước đó, ngày 13 và 14-5, ở một số địa phương, nhiều công nhân tại các khu kinh tế, khu công nghiệp đã xuống đường tuần hành để phản đối việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng biển Việt Nam. Tuy nhiên một số kẻ xấu đã lợi dụng việc tuần hành này để gây rối và đập phá tài sản của một số DN trên địa bàn, có nơi xảy ra xô xát.

Những hành vi quá khích, vi phạm pháp luật nói trên đã bị tuyệt đại đa số người dân VN lên án, phê phán. Các cơ quan chức năng của Việt Nam cũng đã có nhiều biện pháp để ổn định tình hình, bắt giữ những người vi phạm pháp luật và đang tiếp tục đấu tranh làm rõ.

Đến chiều 15-5, công an Bình Dương đã khởi tố vụ án, bắt hơn 800 đối tượng trong vụ gây rối ở khu công nghiệp Bình Dương. Cũng trong chiều cùng ngày, công an Hà Tĩnh cũng khởi tố vụ án, bắt giữ 76 đối tượng trong vụ xô xát tại khu kinh tế Vũng Áng.

Ngay trong ngày 15-5, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam cũng đã có công điệnchỉ đạo Bộ Công an, các bộ, các cơ quan của Trung ương và Lãnh đạo các tỉnh, thành phố trong cả nước, theo chức năng, nhiệm vụ quyền hạn được giao, lãnh đạo chỉ đạo và thực hiện đồng bộ bốn biện pháp cụ thể. Nhiệm vụ đặt ra là kiên quyết ngăn chặn, không để xảy ra và xử lý nghiêm khắc những người có hành vi kích động, manh động, vi phạm pháp luật. Bảo đảm an ninh trật tự và an toàn tuyệt đối tính mạng, tài sản của mọi người, mọi doanh nghiệp. Bảo đảm sản xuất kinh doanh bình thường của các doanh nghiệp nhất là doanh nghiệp của nhà đầu tư nước ngoài.

PV

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm