Ngày 15-2, Tổng Lãnh sự Mỹ Susan Burns đã tổ chức cuộc họp báo nhằm chia sẻ về những ưu tiên trong nhiệm kỳ, quan hệ Việt Nam - Mỹ cũng như những cảm nhận của bà về Việt Nam nói chung, TP.HCM nói riêng.
Đã từng phụ trách công tác về quan hệ Việt-Mỹ ở thủ đô Washington D.C trước khi nhận nhiệm vụ Tổng Lãnh sự tại TP.HCM, bà Burns cảm thấy ấn tượng với lịch sử và tính chất lịch sử của mối quan hệ song phương này.
Bà bày tỏ vinh dự khi chứng kiến cột mốc quan trọng là năm kỷ niệm 10 năm thiết lập Quan hệ đối tác toàn diện giữa Việt Nam và Mỹ dưới cương vị là Tổng Lãnh sự và khẳng định “đây sẽ là một năm bận rộn và bùng nổ”.
Bà chia sẻ rằng mình và những người đồng nghiệp, trong đó có Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Marc E. Knapper và những người làm việc ở Washington, cảm nhận rất rõ sự hợp tác sâu rộng giữa hai nước và bản chất mối quan hệ song phương này thực sự ở tầm chiến lược. Tổng Lãnh sự cũng hy vọng quan hệ hai nước sẽ được nâng cấp lên thành Đối tác Chiến lược trong năm nay.
Theo bà Burns, hợp tác kinh tế, thương mại giữa Việt Nam và Mỹ ngày càng phát triển và đóng vai trò quan trọng. Năm 2021, thương mại hai chiều đạt 113 tỉ USD. Mỹ là một trong những thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam và Việt Nam là thị trường đang phát triển, có tiềm năng lớn cho các sản phẩm Mỹ.
Tổng lãnh sự Mỹ tại TP.HCM Susan Burns (phải) trong cuộc họp báo ngày 15-2. Ảnh: TỔNG LÃNH SỰ QUÁN MỸ |
Tổng Lãnh sự Burns nói: “Ở TP.HCM nói riêng, hợp tác về kinh tế, thương mại là một điều quan trọng. Ngày càng nhiều doanh nghiệp Mỹ đầu tư và mở rộng hoạt động ở đây… Chúng ta đang muốn xây dựng chuỗi cung ứng đa dạng và bền vững hơn và mọi người đều nhận thấy Việt Nam là một mắt xích quan trọng”.
Theo bà Burns, Mỹ ngày càng thể hiện cam kết sâu sắc với khu vực Đông Nam Á nói riêng, khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương nói chung. Chẳng hạn như Mỹ và ASEAN đã quyết định nâng cấp quan hệ thành Đối tác chiến lược toàn diện và Mỹ đưa ra chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương hồi đầu 2022.
Chiến lược này bao trùm nhiều lĩnh vực hợp tác giữa Mỹ và các nước trong khu vực từ an ninh, kinh tế, chuỗi cung ứng toàn cầu đến năng lượng xanh,...Trong đó, đáng chú ý là Mỹ đưa ra Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (IPEF). Ý tưởng này vẫn đang tiếp tục phát triển và Việt Nam là một quốc gia tích cực trong việc kiến tạo nên khuôn khổ đó, theo Tổng lãnh sự Mỹ.
Về năng lượng xanh, Mỹ đánh giá cao cam kết của Việt Nam rằng sẽ giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 tại Hội nghị Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26). Mỹ mong muốn sẽ cùng hợp tác với Việt Nam phát triển năng lượng tái tạo để ngăn biến đổi khí hậu.
Trong cuộc gặp, bà Tổng lãnh sự cho rằng mối quan hệ giữa người dân hai nước là điều quan trọng, đồng thời bày tỏ mong muốn thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ này trong tương lai, đặc biệt là trong giới học sinh, sinh viên Việt - Mỹ.
Trả lời câu hỏi của báo Pháp Luật TP.HCM rằng phía Mỹ đánh giá thế nào về các hoạt động phòng chống tham nhũng hiện nay và liệu các hoạt động này có ảnh hưởng đến doanh nghiệp Mỹ hay không, bà Burns cho biết một trong những trụ cột của IPEF là phòng chống tham nhũng.
Bà khẳng định phía Mỹ tôn trọng những nỗ lực của Việt Nam trong việc phòng chống tham nhũng nói riêng và quyết định của Việt Nam về các vấn đề nội bộ nói chung.
Bà Burns nói: “Từ góc độ quốc tế, phòng chống tham nhũng là điều quan trọng nếu muốn phát triển kinh tế… Mọi người cần được cạnh tranh công bằng, đấu thầu minh bạch”.
Bà cho rằng các công ty Mỹ có thể mang đến sự minh bạch, trách nhiệm giải trình đóng góp vào môi trường kinh doanh. Dù không đưa ra cụ thể quan điểm của các công ty Mỹ về chiến dịch chống tham nhũng của Việt Nam nhưng bà nghĩ tất cả mọi người đều trân trọng nếu môi trường kinh doanh mở, công bằng và dễ dàng mở rộng.