Việt Nam ở đâu trong bảng xếp hạng khoảng cách giới?

Ngày 16-12, Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) vừa công bố báo cáo khoảng cách giới toàn cầu, thống kê về sự tương quan quyền lợi giữa nam giới và nữ giới ở 153 quốc gia trên thế giới.

Trong báo cáo năm nay, WEF nhận định cần chưa tới 100 năm để xóa bỏ hoàn toàn khoảng cách giới trên toàn cầu, ít hơn con số 108 năm như dự báo năm 2018. 

Hình ảnh minh họa trong báo cáo khoảng cách giới toàn cầu 2020 của WEF. Ảnh: WEF

Báo cáo thống kê 14 tiêu chí thuộc bốn nhóm: Cơ hội và sự tham gia vào các hoạt động kinh tế, Trình độ học vấn, Sức khỏe và sự sống còn, và Sự trao quyền chính trị; trên thang điểm từ 0,000 (khoảng cách giới lớn nhất) tới 1,000 (khoảng cách giới nhỏ nhất).

Báo cáo cho thấy trung bình trên 153 quốc gia được thống kê, chỉ số khoảng cách giới đang ở mức 0,686 - tức còn 31,4% sự bất bình đẳng giới vẫn tồn tại và cần tiếp tục được thu hẹp. Trong đó, việc trao quyền lực chính trị cho phụ nữ vẫn là nhóm vấn đề nghiêm trọng nhất.

Lần thứ 11 liên tiếp, Iceland đứng đầu danh sách xếp hạng của WEF với chỉ số khoảng cách giới đã cải thiện được thêm 1,8 điểm phần trăm.

10 vị trí đầu tiên trong bảng xếp hạng thể hiện sự tiến bộ vượt trội của các xã hội Bắc Âu và Tây Âu với sự có mặt của Na Uy, Phần Lan, Thụy Điển, Ireland, Tây Ban Nha và Đức. Trong đó, Tây Ban Nha là nước có chỉ số được cải thiện nhiều thứ hai trong hai năm qua (tăng 4,8 điểm phần trăm).

Các vị trí còn lại trong top 10 là Nicaragua (khu vực Nam Mỹ - Caribbean, hạng 5), New Zealand (khu vực Đông Á - Thái Bình Dương, hạng 6) và Rwanda (khu vực châu Phi - hạ Sahara, hạng 9).

Ngoài Tây Ban Nha, các quốc gia khác trong nhóm bảy quốc gia công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) lần lượt chiếm các vị trí: Pháp (hạng 15), Canada (hạng 19), Anh (hạng 21), Mỹ (hạng 53), Ý (hạng 76) và Nhật Bản (hạng 121).

Chỉ số thống kê về khoảng cách giới của Nhật Bản đã giảm 1 điểm phần trăm so với báo cáo năm 2018. Tỉ lệ lãnh đạo là nữ giới ở nước này chỉ chiếm 15%, trong khi thu nhập của nữ giới cũng chỉ bằng 1/2 so với nam giới.

Thứ hạng lần lượt của một số nước lớn khác là Úc (hạng 44), Nga (hạng 81), Trung Quốc (hạng 106), Hàn Quốc (hạng 108), Ấn Độ (hạng 112).

Những thứ hạng cuối cùng trong danh sách là các quốc gia Trung Đông vẫn còn chìm trong nội chiến kéo dài: Syria (hạng 150), Iraq (hạng 152), Yemen (hạng 153) và quốc gia Nam Á Pakistan (hạng 151).

WEF nhận định khu vực Tây Âu và Bắc Âu, khu vực Bắc Mỹ và khu vực Nam Mỹ - Caribbean là ba khu vực đã thu hẹp đáng kể nhất khoảng cách giới; trong khi khu vực Nam Á và khu vực Trung Đông - Bắc Phi còn phải làm nhiều hơn nữa để tạo nên sự bình đẳng giữa nam giới và nữ giới.

Ở Đông Nam Á, Philippines là quốc gia có thứ hạng cao nhất, hạng 16 - tụt tám bậc so với báo cáo năm 2018. Kế đến là Lào (hạng 43), Singapore (hạng 54), Thái Lan (hạng 75), Indonesia (hạng 85), Việt Nam (hạng 87), Campuchia (hạng 89), Brunei (hạng 95), Malaysia (hạng 104), Myanmar (hạng 114) và Đông Timor (hạng 117).

Trong phần nhận xét về Việt Nam, WEF nhận định dù chỉ số của Việt Nam đã tăng 0,1 điểm phần trăm nhưng mức tăng này lại thấp hơn so với một số quốc gia xếp dưới trong bảng xếp hạng năm 2018 như Ethiopia - tăng 4,9 điểm phần trăm - khiến thứ hạng của Việt Nam tụt 10 bậc.

WEF ghi nhận Việt Nam đã cải thiện được chỉ số về Cơ hội và sự tham gia vào các hoạt động kinh tế của nữ giới. Đặc biệt, khoảng 45% thu nhập trong nền kinh tế Việt Nam thuộc về phụ nữ, đây là mức cao nhất trong thống kê năm nay.

Tuy nhiên, Việt Nam còn phải làm rất nhiều để cải thiện sự mất cân bằng giới tính khi sinh. Tỉ lệ giới tính khi sinh ở Việt Nam là 89 bé gái trên 100 bé trai, ở mức thấp nhất thế giới. 

Video đang xem nhiều

Đọc thêm