Số ca tử vong vì virus Vũ Hán không ngừng tăng. Theo số liệu mà hãng tin Reuters dẫn từ ông Lý Bình - Phó Chủ tịch Ủy ban Sức khỏe Quốc gia Trung Quốc công bố sáng nay, 22-1 thì đã có ít nhất chín người chết vì virus này.
Việc số người chết tăng nhanh này rất đáng ngại khi chỉ tối 21-1, Trung Quốc công bố có sáu người chết. Sáu nạn nhân đều ở TP Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc (Trung Quốc) - nơi được cho là điểm xuất phát của virus này.
Ông Lý Bình - Phó Chủ tịch Ủy ban Sức khỏe Quốc gia Trung Quốc công bố chín người chết vì virus Vũ Hán, sáng 22-1. Ảnh: TWITTER
Dịch đã lan ra 14 tỉnh ở Trung Quốc với tổng cộng 440 ca nhiễm, theo thông báo của Ủy ban Sức khỏe Quốc gia. Số ca nhiễm tăng gần 120 ca so với thông báo tối 21-1.
Tuy nhiên, một nghiên cứu của Trường ĐH Hong Kong (HKU) cho rằng dịch còn nghiêm trọng hơn nhiều so với con số thông báo chính thức. ĐH Hong Kong sử dụng dữ liệu đi lại để tính toán mức độ lây lan và ước tính có tới 1.343 người bị nhiễm ở Vũ Hán. Chưa hết dịch đã lan tới 20 TP khác của Trung Quốc, với tổng cộng 116 người nhiễm.
Ngày 20-2, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chỉ đạo phải có “các nỗ lực quyết liệt kìm hãm đà lây lan” virus Vũ Hán. Chính quyền TP Vũ Hán đang rất nỗ lực khống chế dịch với hàng loạt biện pháp, như tăng tầm soát ở sân bay, tăng triển khai đo nhiệt độ người ở các nơi công cộng, hủy mọi sự kiện mừng năm mới. Các công ty du lịch bị cấm đưa người ra khỏi Vũ Hán.
Tầm soát thân nhiệt hành khách ở sân bay quốc tế Kuala Lumpur (Malaysia) ngày 21-1. Ảnh: SCMP
Ngoài lãnh thổ Trung Quốc, virus Vũ Hán đã lan sang Thái Lan (2 ca nhiễm), Nhật (1 ca nhiễm), Hàn Quốc (1 ca nhiễm) và mới nhất là Mỹ với 1 ca nhiễm. Tất cả đều từ Vũ Hán qua.
Mỹ đã bắt tay vào nghiên cứu vaccine điều trị nhưng tiến trình có thể phải mất cả năm.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) dự kiến họp khẩn vào ngày 22-1 cân nhắc tuyên bố tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu. Đến thời điểm này WHO vẫn chưa ra cảnh báo hạn chế thương mại hay đi lại. Nhưng các biện pháp này có thể sẽ được bàn trong phiên họp ngày 22-1.