Vô canh, vô cư vì thủy điện

Sống ngay bên cạnh nhà máy thủy điện Sông Ba Hạ, hàng trăm hộ dân ở huyện Sơn Hòa (Phú Yên) đang lâm vào cảnh điêu đứng do không có đất sản xuất và phải ở trong những túp lều tạm bợ do chưa dựng lại được nhà cửa.

Phải liên tục dỡ nhà

Giữa cái nắng như đổ lửa, cả gia đình ông Y Moa (ở buôn Xây Dựng, xã Suối Trai, huyện Sơn Hòa) với tám con người phải chui vào ở trong hai mái tôn che tạm nằm sát mặt đất đang phừng phừng bốc hơi nóng. Hai mái tôn này được tận dụng từ mái nhà cũ bị dỡ đi dỡ lại nhiều lần. Bà H’Chát, vợ ông Y Moa, than: “Năm 2004, nhà tôi đã dỡ đi để giao đất làm thủy điện. Vừa dựng lại được căn nhà thì năm ngoái thủy điện tích nước, nước dâng ngập nửa nhà nên phải tiếp tục dỡ nhà, chờ chính quyền nâng nền khu tái định cư. Hồi trước nhà tôi có 2 ha đất sản xuất, hằng ngày đủ cái ăn. Từ ngày giao đất cho thủy điện, cả nhà không biết làm gì”.

Nhiều gia đình khác ở buôn Xây Dựng cũng đang trong hoàn cảnh tương tự gia đình Y Moa. Năm 2004, hơn 170 gia đình ở buôn Xây Dựng phải di dời đến khu tái định cư để nhường đất cho thủy điện Sông Ba Hạ. Họ cũng lâm vào cảnh dỡ bỏ nhà cửa hai lần. Hơn một năm nay, nhiều gia đình vẫn chưa dựng lại được nhà cửa. Ông Ma Hon tuy vừa dựng lại được căn nhà sàn nhưng vẫn tỏ ra lo lắng: “Nếu mùa mưa này nước hồ thủy điện lại dâng lên thì không biết chạy đi đâu”. Họ lo là phải bởi đang mùa nước kiệt nhưng nước lòng hồ thủy điện vẫn nằm ngay dưới chân họ đang ở.

Vô canh, vô cư vì thủy điện ảnh 1

Tám người trong gia đình ông Y Moa - bà H’Chát ở buôn Xây Dựng, xã Suối Trai, huyện Sơn Hòa (Phú Yên) phải ở tạm trong căn lều dựng bằng hai tấm tôn. Ảnh: TẤN LỘC

Quẫn kế sinh nhai

Đã sáu năm từ khi nhà nước thu hồi đất để làm công trình thủy điện, hàng trăm hộ dân xã Suối Trai chuyển đến các khu tái định cư mới vẫn chưa có mảnh đất mưu sinh. Xung quanh các khu tái định cư này lại là rừng đặc dụng Krông Trai, cấm khai thác. Bà Mí Nhi, ở buôn Xây Dựng, kể: “Trước đây nhà tôi có 5 ha ruộng, 7 ha rẫy, trong nhà không bao giờ thiếu gạo, thiếu bắp. Từ ngày không còn đất sản xuất, chồng và mấy đứa con lớn hằng ngày đến xã khác làm thuê. Tôi và mấy đứa nhỏ ra suối bắt cá để kiếm cái ăn”. Nhà ông Ma Bon trước đây có gần chín sào ruộng lúa, hơn 5 ha rẫy, cả nhà làm quần quật suốt mà vẫn không hết việc, lúa bắp đầy nhà. Mấy năm nay cả nhà Ma Bon sáu người phải ngồi không. Nay đã 62 tuổi, không còn đủ sức đi làm thuê, hằng ngày ông Ma Bon xuống hồ thủy điện đánh cá. Vợ ông Ma Bon đào xới mảnh đất ngay dưới chân nhà, lấy nước giếng tưới làm thành mảnh ruộng trồng lúa mấy chục mét vuông.

Ông Nguyễn Quốc Hoàn, Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Hòa, thừa nhận: Đời sống người dân xung quanh công trình thủy điện Sông Ba Hạ lâm vào khó khăn từ khi có công trình này. Nhà máy thủy điện này đã phát điện từ tháng 6-2009 nhưng đến nay nhiều gia đình vẫn chưa được ổn định chỗ ở do phải nâng nền khu tái định cư để vượt cao trình tích nước của hồ thủy điện. Chỉ riêng xã Suối Trai có đến gần 100 hộ bị mất đất sản xuất hoàn toàn, chưa cấp lại. Theo ông Hoàn, khi thu hồi đất sản xuất của dân, thay vì bồi thường bằng tiền, Ban Quản lý công trình thủy điện Sông Ba Hạ và huyện Sơn Hòa thống nhất phối hợp san bằng, cải tạo đất thành đồng ruộng, sau đó giao lại cho dân. Tuy nhiên, đến nay việc triển khai các khu đất này quá chậm.

Phá rừng vì bức bách?

Ông Nguyễn Bá Chánh, cán bộ Trạm kiểm lâm Thống Nhất (thuộc Ban Quản lý rừng đặc dụng Krông Trai), bức xúc: “Trước đây, khu vực xã Suối Trai rất ít xảy ra các vụ phá rừng. Từ ngày không có đất sản xuất, dân phá rừng rất dữ. Chúng tôi không thể nào quản xuể”.

Theo ông Chánh, do bức bách không có đất sản xuất, ngày càng có nhiều người dân tràn vào các khu vực rừng cấm đốt phá để làm rẫy. Ông Trương Hiếu Hoàng, Trưởng Ban Quản lý rừng đặc dụng Krông Trai, ước tính: Từ đầu năm đến nay đã xảy ra 70 vụ phá rừng làm rẫy với tổng diện tích gần 300.000 m2 thuộc khu vực rừng cấm. Chỉ riêng trong tháng 4 có đến 24 vụ, diện tích bị phá chiếm gần 50% từ đầu năm đến nay. Mới đây, ông Ma Cam và bà H’Trai (cùng ở buôn Xây Dựng) đã bị tòa án phạt lần lượt năm năm, ba năm tù do đã phá hơn 17.000 m2 rừng.

Ông Nguyễn Quốc Hoàn, Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Hòa, cũng cho rằng trong số các nguyên nhân khiến nạn phá rừng làm rẫy gia tăng gần đây ở huyện Sơn Hòa có nguyên nhân do người dân thiếu đất sản xuất. “Huyện đã yêu cầu chính quyền các địa phương xung quanh công trình thủy điện Sông Ba Hạ hỗ trợ các gia đình dựng lại nhà cửa để ổn định tái định cư trước mùa mưa năm nay. Huyện cũng đang phối hợp với Công ty Cổ phần Thủy điện Sông Ba Hạ làm các khu tái định canh, bồi thường đất sản xuất cho nhân dân kịp vào cuối năm”.

Yêu cầu lãnh đạo huyện giải quyết

Lãnh đạo tỉnh Phú Yên đã nghe phản ánh các bức xúc xung quanh việc tái định cư cho dân sau khi công trình thủy điện Sông Ba Hạ được xây. Tôi đã yêu cầu lãnh đạo huyện Sơn Hòa và Công ty Cổ phần Thủy điện Sông Ba Hạ phải tập trung giải quyết, bằng mọi cách phải đảm bảo ổn định tái định cư, tái định canh cho nhân dân trong năm nay.

Ông PHẠM ĐÌNH CỰ, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên

Sẽ giao đất cho dân trong quý III

Việc chậm cải tạo mặt bằng thành đồng ruộng để cấp đất cho dân là do khi triển khai, chúng tôi gặp nhiều vướng mắc về thủ tục. Hiện nay cùng với việc san ủi các khu đất sản xuất, chúng tôi đang đầu tư xây dựng hai công trình thủy lợi tại xã Suối Trai và xã Krông Pa cung cấp nước tưới cho các khu tái định canh và sẽ cam kết giao đất sản xuất cho dân trong quý III năm nay.

Ông ĐẶNG VĂN TUẦN, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Thủy điện Sông Ba Hạ

TẤN LỘC

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm