Tân Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc VPF Trần Anh Tú cho rằng việc ngưng hợp đồng với Next Media do nhận thấy có những bất ổn về mặt pháp lý, ảnh hưởng đến quyền lợi lâu dài của VPF. Ông còn rất lấy làm tiếc ban giám đốc VPF cũ từng ký hợp đồng với Next Media đến năm 2020 trong khi bộ sậu VPF mới chỉ được giao quyền tổ chức V-League mỗi năm 2018.
Chính vì thế, ngay trước giờ khởi tranh V-League, Công ty VPF đã gửi công văn chấm dứt hợp đồng với lý do: “Việc hạch toán, chia lợi nhuận là một trong những mục đích quan trọng mà hai bên tiến hành việc ký kết hợp đồng trên. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện hợp đồng đến nay, phía Công ty Next Media đã không thực hiện đúng theo các điều khoản đã cam kết, việc này gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của VPF”.
Sau khi sự việc xảy ra, nguyên Chủ tịch VPF Võ Quốc Thắng chia sẻ: “Nếu có xảy ra kiện tụng thì sẽ là việc rất đáng buồn sau những hợp tác thành công giữa hai bên (VPF và Next Media). Tôi chỉ mong HĐQT mới có một cuộc gọi hay một tin nhắn để trao đổi cùng HĐQT cũ để cùng có hướng giải quyết. Việc ký hợp đồng giữa VPF với Next Media là dựa vào nghị quyết của HĐQT VPF chứ không vì lợi ích cá nhân của ai cả. Nếu có một cuộc gặp gỡ giữa HĐQT mới và HĐQT cũ để tháo gỡ những vấn đề khúc mắc, tôi nghĩ khi đó thông tin sẽ được minh bạch hơn”.
VPF nhiệm kỳ mới đã phủ nhận rất nhiều điều tích cực từ nhiệm kỳ cũ, trong đó đơn phương chấm dứt hợp đồng với đơn vị đưa hệ thống các trận trực tiếp vào quy củ, đồng bộ, bảo đảm 100% trận được trực tiếp. Ảnh: QUANG THẮNG
Như vậy, cuộc chiến pháp lý giữa êkíp VPF mới và đối tác cũ Next Media chưa có kết quả cuối cùng nhưng có một điều chắc chắn là V-League 2018 không thể có truyền hình trực tiếp 100% như mùa bóng năm ngoái. Giả sử VPF có giành lại thương quyền thì chính họ cũng chưa tìm ra đối tác mới để đảm đương việc truyền hình hoặc qua mạng Internet một cách tốt nhất đến người xem như VPF cũ từng làm.
Không bàn đến chuyện đúng sai giữa các bên, trước mắt giới hâm mộ bóng đá Việt Nam không còn thoải mái dõi theo đội bóng yêu thích của mình một cách đầy đủ nhất. Nó đưa V-League trở lại thời kỳ sơ khai trong vòng bí mật, thiếu tác dụng lan tỏa và quảng bá thương hiệu.
Bên cạnh đó, sự minh bạch của những trận đấu V-League không có truyền hình cũng bị đặt nhiều dấu hỏi ngờ vực trong bối cảnh sự chuyên nghiệp và sòng phẳng của các giám sát, trọng tài là không cao.
Không ai ngờ điểm sáng truyền hình trực tiếp 100% trận đấu V-League như đội ngũ VPF cũ từng làm giờ thành điểm tối.
Chờ thời gian trả lời VPF từng đề xuất lên VFF thành lập các tiểu ban trọng tài và tiểu ban kỷ luật thuộc ban điều hành V-League cho dễ kiểm soát lẫn giải quyết mọi sự rắc rối nhưng bất thành. Chủ tịch VPF Trần Anh Tú nói điều này là trái với tinh thần FIFA và điều lệ VFF nên các ban chức năng này vẫn thuộc quyền quản lý của VFF. Thay đổi lớn nhất ở mùa giải mới là việc VPF thành lập ban điều hành V-League chứ không phải ban tổ chức, mà theo ông Tú là nhằm tập trung quyền lực và tiết kiệm chi phí. VPF mong mỏi nâng tầm V-League sạch, đẹp và hấp dẫn người xem hơn thì vẫn phải chờ. |