Vụ 76 container hạt điều suýt bị chiếm đoạt: Hai Thủ tướng vào cuộc thúc đẩy

(PLO)-  Thông tin này được ông Bạch Khánh Nhựt, Hiệp hội Điều Việt Nam và Tham tán công sứ Việt Nam tại Italia đưa ra. 
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chiều 23-8, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Cục Xuất Nhập khẩu, Bộ Công Thương tổ chức Hội thảo “Phòng ngừa tranh chấp, lừa đảo trong thương mại quốc tế”. Hội thảo lấy sự kiện 76 container hạt điều của 5 doanh nghiệp suýt bị chiếm đoạt khi xuất khẩu sang Italia làm ví dụ điển hình.

Ông Bạch Khánh Nhựt, Hiệp hội Điều Việt Nam đính chính số lượng container hạt điều “gặp tai nạn” khi xuất khẩu sang Italia là 76 chứ không phải 100 như các thông tin trước đây. Theo ông Nhựt, đến nay, vụ việc đã được xử lý thành công. Các doanh nghiệp xuất khẩu điều không mất container hạt điều nào vào tay những kẻ lừa đảo.

Ông Nhựt cho hay: trong vụ việc này, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã rất quyết liệt chỉ đạo các bộ, ngành vào cuộc. Đại sứ quán, thương vụ Việt Nam tại Italia cũng sát sao với vụ việc. Vì vậy, các cơ quan công quyền của Italia cũng thấy được sự nghiêm trọng của vấn đề và thúc đẩy an ninh Italia vào cuộc.

Vụ việc sau đó được đưa ra xét xử và những kẻ lừa đảo đã được đưa ra trước vành móng ngựa.

Ngày 20-4 vừa qua, khi điện đàm với Thủ tướng Italia Mario Draghi, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã cảm ơn Italia phối hợp tích cực xử lý vụ việc một số doanh nghiệp xuất khẩu hạt điều Việt Nam nguy cơ bị lừa đảo. Thủ tướng Italia Mario Draghi khẳng định, Italia rất quan tâm đến vụ việc này, đã chỉ đạo cơ quan chức năng ngăn chặn không giao hàng cho bên thứ 3 và tiếp tục điều tra, đưa vụ việc ra xét xử.

Ông Bạch Khánh Nhựt, Hiệp hội Điều Việt Nam thông tin về vụ 76 container hạt điều bị lừa đảo xuất khẩu sang Italia. Ảnh: CHÂN LUẬN

Ông Bạch Khánh Nhựt, Hiệp hội Điều Việt Nam thông tin về vụ 76 container hạt điều bị lừa đảo xuất khẩu sang Italia. Ảnh: CHÂN LUẬN

Thông tin chi tiết hơn về vụ việc, ông Nhựt cho hay: ngay khi vụ việc xảy ra hồi đầu tháng 3-2022, Hiệp hội Điều Việt Nam đã hỏa tốc gửi công văn đến Đại sứ quán Việt Nam tại Italia để nhờ giúp đỡ. Trong những ngày sau đó, liên tiếp nhiều biện pháp, giải pháp được đưa ra. Hiệp hội đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan nhà nước để xử lý vụ việc.

Ngày 14-3, Văn phòng Chính phủ có công văn truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Phạm Minh Chính, yêu cầu các cơ quan, bộ, ngành theo chức năng phải hối hợp xử lý vụ việc.

Theo ông Nhựt, 5 doanh nghiệp bị lừa đảo nói trên quá tin vào công ty môi giới vì đã có thời gian làm việc với nhau 15 năm nay. Từ đó, các doanh nghiệp không kiểm tra thông tin đối tác. Mặt khác, thời gian đó, do ảnh hưởng của dịch bệnh, doanh nghiệp nhận được đơn hàng như thế là rất mừng. Có doanh nghiệp nhận được đơn hàng vào dịp Tết Nguyên đán đã… không ăn tết, huy động nhân công làm việc ngay để còn kịp giao hàng. Vì nếu không chớp cơ hội đó thì rất khó có đơn hàng nào như vậy.

Ông Nguyễn Đức Thanh, Tham tán công sứ Việt Nam tại Italia tham dự hội thảo trực tuyến từ Rome cho hay: khi sự việc xảy ra, các doanh nghiệp ở Việt Nam đã nhờ thương vụ Việt Nam tại Italia giúp đỡ. Dù nhân lực, vật lực ít, nhưng thương vụ vẫn đi kiểm tra giúp các doanh nghiệp.

Sự thật là, kiểm tra các địa chỉ của “doanh nghiệp” nhập khẩu tại Italia, thương vụ Việt Nam tại Italia mới thấy các địa chỉ đó chỉ là nhà dân thường, thậm chí là các ngôi nhà bỏ hoang giữa cánh đồng, có những địa chỉ ở “vùng sâu vùng xa” của Italia.

Ông Thanh khuyến nghị các doanh nghiệp nhiều vấn đề. Trong đó, đáng chú ý có những giải pháp tránh lừa đảo thương mại quốc tế rất đơn giản. Chẳng hạn như cần phải gọi video cho đối tác để xem nhà máy, cơ sở của họ. Hoặc bỏ vài chục USD mua báo cáo tài chính của đối tác. Nếu có bạn bè ở gần đó thì nhờ họ đi kiểm tra trực tiếp.

Đặc biệt, nếu nhờ dịch vụ hay các công ty môi giới thì ngoài việc chi hoa hồng cần phải đề nghị công ty môi giới cho giao dịch trực tiếp với đối tác. Cùng với đó, kể cả khi giao dịch bình thường với đối tác nước ngoài, các doanh nghiệp hoàn toàn có thể nhờ thương vụ, đại sứ quán Việt Nam ở các nước giúp đỡ.

Doanh nghiệp Việt ít có biện pháp phòng ngừa lừa đảo

Ông Nguyễn Minh Đức, Ban Pháp chế VCCI cho hay: theo các số liệu nghiên cứu, doanh nghiệp Việt Nam gặp tình trạng lừa đảo cao hơn so với thế giới. Tội phạm lừa đảo từ bên ngoài đối với doanh nghiệp Việt Nam thường là khách hàng, trung gian, đại lý chứ không nhiều doanh nghiệp bị hacker hay băng nhóm tội phạm.

Ông Nguyễn Minh Đức, Ban Pháp chế VCCI: "Doanh nghiệp Việt Nam chưa chú trọng đủ phòng ngừa tranh chấp, lừa đảo trong thương mại quốc tế. Ảnh: CHÂN LUẬN

Ông Nguyễn Minh Đức, Ban Pháp chế VCCI: "Doanh nghiệp Việt Nam chưa chú trọng đủ phòng ngừa tranh chấp, lừa đảo trong thương mại quốc tế. Ảnh: CHÂN LUẬN

“Khi hỏi kỹ hơn các doanh nghiệp Việt Nam về các biện pháp phòng ngừa, thì câu trả lời đáng quan ngại là các biên pháp chống lừa đảo của Việt Nam ít hơn so với thế giới”, ông Đức nói và khẳng định doanh nghiệp Việt Nam còn chưa chú trọng đủ điều này.

Ngoài ra, theo ông Đức, khi bị lừa đảo thương mại, không có nhiều doanh nghiệp Việt Nam thông báo cho cơ quan nhà nước vì sợ lộ thông tin.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm