Cùng thời điểm Trâm gặt hái HCV là đơn kiện của gia đình em đến Trung tâm Bơi lội Yết Kiêu, đơn vị chủ quản nơi Phương Trâm có thời gian ăn tập.
Những ngày qua, các phương tiện truyền thông đề cập rất nhiều về cô gái vàng tuổi 14 Nguyễn Diệp Phương Trâm. Đây đích thực là một tài năng đầy triển vọng của bơi lội Việt Nam và thậm chí có lúc được gọi là “Ánh Viên 2”. Phương Trâm được chú ý nhiều không chỉ vì thành tích vượt trội mà những vụ lùm xùm của em với đơn vị chủ quan: Trung tâm Thể thao dưới nước Yết Kiêu (TTTTDN Yết Kiêu).
Ra tòa…
Ngày 16-7, luật sư đại diện gia đình Nguyễn Diệp Phương Trâm đã chính thức khởi kiện TTTTDN Yết Kiêu ra TAND quận 1 quanh việc xin chấm dứt hợp đồng cho Phương Trâm. Vụ kiện này nhắm đến việc TTTTDN Yết Kiêu đòi phía gia đình bồi thường chi phí đào tạo lên đến 961 triệu đồng nhưng đã không cung cấp cho gia đình những chứng từ chứng minh cho chi phí đào tạo để làm cơ sở cho việc bồi thường.
Gia đình Phương Trâm xin cho em được chấm dứt hợp đồng đào tạo để đi du học nhưng phía TTTTDN Yết Kiêu buộc phải ký cam kết không được đầu quân cho đơn vị nào tính đến tháng 6-2019, ứng với hợp đồng đào tạo năm năm được ký từ 1-7-2014. Và trung tâm cũng không đòi bồi hoàn một đồng nào nếu gia đình Phương Trâm xác định là đi du học thực sự và không đầu quân cho đơn vị khác.
Gia đình Phương Trâm cho rằng đây là quy định bất hợp lý và không đồng ý với cam kết trên. Vì vậy phía TTTTDN Yết Kiêu buộc gia đình Phương Trâm phải bồi thường tiền đào tạo và vụ việc đang ngày một phức tạp dù đã có cuộc làm việc giữa hai bên và cả lãnh đạo Sở Văn hóa-Thể thao TP.HCM.
Phương Trâm thi đấu cho đội tuyển bơi Việt Nam ở tuổi 14 vào chung kết nội dung 50 m bướm. Ảnh: CTV
“Giữ” hay “giam”?
Chính vì vụ lùm xùm trên mà vào giải bơi trẻ toàn quốc đang diễn ra, tay bơi 14 tuổi Phương Trâm không khoác áo TP.HCM mà đăng ký dưới tên Trung tâm Huấn luyện Quốc gia. Và bất chấp những ảnh hưởng quanh vụ kiện cáo trên, Phương Trâm vẫn xuống nước và vẫn cho thấy mình là tay bơi hàng đầu ở lứa tuổi khi chỉ hai ngày đầu đã mang về ba huy chương các nội dung 100 m tự do, 200 m hỗn hợp cá nhân và 200 m ngửa.
Tại giải này Phương Trâm đăng ký đến 17 nội dung và cho thấy rất giống với bản sao của đàn chị Ánh Viên.
Không phủ nhận Phương Trâm là một tài năng nếu biết khai thác đúng mức bởi Trâm mới ở tuổi 14 mà đã cho thấy có nhiều tố chất phát triển rất tốt. Tuy nhiên, việc “giữ” hay “giam” cộng với việc phía gia đình bất mãn với cách quản lý VĐV của đơn vị chủ quản khiến sự việc đã đi quá xa với mục đích phát triển tài năng.
Cũng cần phải quay lại với hoàn cảnh ban đầu đó là tại sao TTTTDN Yết Kiêu để phía gia đình bất mãn và mất niềm tin với cơ quan quản lý bởi sự đối xử bất công, không tạo những điều kiện tốt nhất để Phương Trâm phát triển. Cụ thể là Phương Trâm được xác định là tài năng nhưng lại không được tạo điều kiện đi tập huấn nước ngoài như nhiều tuyển thủ khác. Dù đã được giải thích nhưng phía gia đình Phương Trâm cho rằng con mình bị “đì” từ lứa tuổi 11-12 và sự không công bằng này có thể kéo theo nhiều ảnh hưởng khác đè nặng lên lứa tuổi 14 đang rất cần có những điều kiện tốt nhất để phát triển.
Mọi chuyện khởi đi từ câu chuyện niềm tin và tiếp theo là cách giải quyết.
Đến nay thì gia đình Phương Trâm quyết “ăn thua đủ” nghĩa là bằng mọi giá phải cho con thanh lý hợp đồng và chấp nhận bồi hoàn (tất nhiên trên cơ sở những chứng từ cụ thể).
Và cũng từ vụ kiện này chắc chắn ngành thể thao TP.HCM còn có nhiều bài học từ công tác quản lý quanh việc dùng và sử dụng nhân tài. Nguy hiểm cho ngành thể thao TP.HCM là càng “giữ” VĐV nhưng lại làm mất niềm tin từ phía gia đình thì lại càng bị hiểu là “giam” VĐV, giam tài năng. Và điều này chắc chắn ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của một tay bơi ở tuổi 14 đã phải là nhân vật chính của một vụ kiện không hay ho gì.