Trước đó, chủ nhân thực sự của hai tấm hộ chiếu trên đã lên tiếng sau khi có tên mình xuất hiện trong danh sách hành khách trên chuyên bay xấu số. Một người Áo có tên Christian Kozel khẳng định bị mất hộ chiếu tại Thái Lan năm 2012, còn người kia là công dân Ý Luigi Maraldi, 37 tuổi, cho biết vừa mất hộ chiếu năm ngoái cũng tại Thái Lan.
Các chuyên gia về khủng bố phân tích việc 2 người mang hộ chiếu ăn cắp cùng lên một chuyến bay là rất hiếm khi xảy ra.
Đài BBC cho biết cả hai người sử dụng hộ chiếu đánh cắp này, một của công dân Ý, một của công dân Áo, đã mua vé cùng lúc, và có cùng hành trình bay tiếp từ Bắc Kinh tới châu Âu trong ngày 8/3.
Vé của họ được mua thông qua China Southern Airlines, công ty cùng bán vé cho chuyến bay MH370 với Malaysia Airlines. Số vé của hai người này liền kề nhau.
Đến nay, toàn bộ danh sách 239 người có mặt trên máy bay theo cung cấp của công ty hàng không đang được điều tra toàn diện với sự phối hợp giữa giới chức Malaysia và Cục điều tra liên bang Mỹ (FBI). Trong số này có 5 trẻ em, từ 2 – 4 tuổi, hai trong số này đến từ Mỹ và 3 em còn lại người Trung Quốc. Ngoài ra còn có hai em 14 và 17 tuổi người Pháp. Người lớn tuổi nhất trên chuyến bay là một công dân Trung Quốc 79 tuổi.
Khi các thông tin về hành khách lên máy bay với hộ chiếu đánh cắp được công bố, đã có những lo ngại về khả năng xảy ra tấn công khủng bố trên chiếc Boeing 777. Bản thân phía cơ quan chức năng Malaysia đến nay cũng không loại trừ trường hợp này.
Hiện trên các trang mạng xã hội đang lan truyền thông tin về một bức thư, của tác giả tự xưng là 'Người lãnh đạo nhóm cảm tử Trung Quốc', tuyên bố tổ chức này đứng sau vụ máy bay của hãng hàng không Malaysia Airlines mất tích nhằm trả thù cho người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương.
PV Tổng hợp