WHO cảnh báo nguy cơ COVID-19 tăng mạnh ở Đông Âu

Số liệu từ ĐH Johns Hopkins cho biết hiện nay Nga là quốc gia có số ca nhiễm COVID-19 cao thứ năm trên thế giới với hơn 187.800 ca bệnh, vượt qua cả Đức và Pháp, đài CNBC đưa tin. 

Với vị trí địa lý đặc biệt của mình, Nga có thể trở thành “điểm nối” nguy hiểm của virus SARS-CoV-2 giữa Tây Âu và Đông Âu. 

Tình trạng khẩn cấp ở Nga

Trong khi dịch bệnh phía Tây Âu bắt đầu có dấu hiệu thuyên giảm, nhiều nước dỡ bỏ dần phong tỏa thì Nga lại trở thành điểm nóng mới ở châu Âu.

Theo nhận định hôm 8-5 của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), điều này nhiều khả năng sẽ dẫn đến hậu quả Đông Âu là điểm nóng tiếp theo của COVID-19. Theo số liệu cập nhật, tính đến nay một số nước tại Đông Âu ghi nhận số ca nhiễm bệnh cũng khá cáo. Đơn cử như Ba Lan với 15.366 ca nhiễm, Romania 14.811 ca còn Hungary cũng đã có 3.178 ca bệnh.

Đến nay Nga đã thực hiện xét nghiệm cho khoảng gần 430.000 người, ghi nhận tỉ lệ dương tính với virus SARS-CoV-2 là khoảng 3,6%. Tỉ lệ này khá thấp so với nhiều nước khác. 

Hai nhân viên làm nhiệm vụ kiểm dịch tại biên giới Ba Lan và Cộng hòa Czech. Ảnh: AA

Tuy nhiên, với ca nhiễm mới và tử vong ngày càng tăng, một nửa trong tổng số bệnh nhân là ở Moscow, báo The Moscow Times cho biết thị trưởng thành phố, ông Sergei Sobyanin đã gia hạn thời gian phong tỏa thành phố đến cuối tháng 5. Trong khi đó, nhiều nước Tây Âu như Tây Ban Nha, Pháp, Đức đã bắt đầu nới lỏng một số lệnh phong tỏa. 

BS Mike Ryan, giám đốc điều hành chương trình khẩn cấp của WHO, cho biết: “Nga đang đi vào giai đoạn mới của dịch bệnh và cần rút kinh nghiệm từ các nước châu Á, Bắc Mỹ và Tây Âu để ứng phó thích hợp”.

BS Ryan cho rằng tuy tỉ lệ ca dương tính trên tổng số người được xét nghiệm không cao nhưng COVID-19 đã thật sự tác động rất mạnh đến Nga. Đặc biệt, số ca tử vong đang ngày càng tăng cao. Tính đến nay, đã có khoảng 1.723 bệnh nhân tử vong vì đại dịch này.

Nước này hiện đang thực hiện nhiều biện pháp cách ly xã hội và kiểm dịch quy mô lớn. Song song đó, tại các phòng thí nghiệm trên toàn quốc, công cuộc thử nghiệm vaccine và thuốc chữa bệnh cũng đang được tiến hành khẩn trương. 

Trong nhiều tuần qua, chính phủ của Tổng thống Vladimir Putin đã liên tục thúc đẩy những biện pháp phòng chống dịch. Giới chức Nga đã sớm nhận ra cần một chiến lược nghiêm ngặt trên diện rộng mới có thể ngăn chặn được dịch bệnh lây lan thêm. 

Chặt đứt chuỗi di chuyển của virus

Người dân Nga đeo khẩu trang khi đến nơi công cộng. Ảnh: GETTY IMAGES

Theo báo The Guardian, nhiều nước đã đưa ra khái niệm hệ số R để đo lường mức độ lây nhiễm virus trong cộng đồng. Đây là một chỉ số dùng để đánh giá khả năng lây lan của bệnh, thể hiện số lượng người trung bình sẽ bị truyền nhiễm từ một người bệnh ban đầu. 

“Mức độ tấn công của virus sẽ phụ thuộc rất lớn vào cách quốc gia đó và mỗi người dân hành động. Hãy nhìn vào mật độ dân số, cách họ sống và tương tác để biết được tình hình, điều này thấy rõ ở rất nhiều quốc gia” - ông Ryan nhấn mạnh.

Theo TS Maria Van Kerkhove, nhà nghiên cứu hàng đầu của WHO về COVID-19, nếu chỉ số R lớn hơn 1 thì bệnh dịch sẽ lây lan theo cấp số nhân, nếu giữ được R nhỏ hơn 1 thì virus sẽ nhanh chóng bị loại bỏ toàn bộ. Đây chính là điểm mấu chốt để chống dịch. 

Bà cho rằng đây là lần đầu tiên để ứng phó với một căn bệnh, cả thế giới phải đồng thời áp dụng các biện pháp: Tìm ra người bệnh, cách ly tức thì để kiểm tra và điều trị, khoanh vùng tất cả đối tượng có tiếp xúc gần, có nguy cơ lây nhiễm để cách ly theo dõi. Tuyên truyền liên tục và đặt ra quy định những việc cần làm cho cộng đồng để phòng dịch.

Các quan chức WHO nhấn mạnh nếu các nước đều thực hiện đồng bộ việc đóng cửa những doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh không thiết yếu, hạn chế tối đa đám đông tụ tập, cách ly chặt chẽ nguồn lây thì virus sẽ không thể phát tán trong cộng đồng. 

Chặt đứt đường di chuyển của virus là cách duy nhất để đẩy lùi căn bệnh này. Bài học từ Singapore sau khi đã kiểm soát được dịch bệnh lại lơ là phòng bị, khiến virus bùng phát trở lại ở những khu đông dân. 

Bà Maria Van Kerkhove còn đưa ra cảnh báo về các viện dưỡng dưỡng lão, nhà tù... sẽ là nơi virus dễ lây lan nhất bởi không gian sống nhỏ với quá nhiều người ở cùng một chỗ. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới