Ngày 7-4, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo toàn thế giới đang thiếu gần 6 triệu y tá trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19, đài CNA đưa tin.
WHO đã phối hợp với các đối tác là tổ chức Nursing Now và Hội đồng Y tá thế giới (ICN) và thống kê toàn thế giới đang có khoảng 28 triệu y tá.
Với số liệu này, thế giới đang thiếu khoảng 5,9 triệu y tá, chủ yếu ở các nước nghèo châu Phi, Đông Nam Á, Trung Đông và một số nước Nam Mỹ - báo cáo chung của ba tổ chức trên cho biết.
Một y tá ở Lombardy, Ý. Ảnh: AFP
Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nói rằng "y tá là bộ xương sống trong bất kỳ hệ thống y tế nào", kêu gọi các nước hỗ trợ và bảo vệ cho những nhân viên y tế này.
Nguy cơ cho đội ngũ y tá trên thế giới
Giám đốc điều hành ICN - ông Howard Catton cho biết các tỉ lệ nhiễm bệnh và tử vong cũng như những sai sót trong quá trình điều trị bệnh nhân nhiễm COVID-19 "đều cao hơn ở những nơi có quá ít y tá".
Ông cũng cho rằng việc thiếu y tá còn gây ảnh hưởng xấu đến chính đội ngũ y tá đang ở tuyến đầu chống dịch, khi áp lực công việc tăng khiến họ kiệt sức.
Bà Mary Watkins - đại diện tổ chức Nursing Now - kêu gọi các nước đầu tư khẩn cấp để tăng cường xét nghiệm COVID-19 cho các y tá cũng như các nhân viên y tế nói chung.
"Chúng ta có một tỉ lệ cao các nhân viên y tế không làm việc vì họ lo ngại mình có thể bị nhiễm bệnh, họ không thể chứng minh được mình không bị nhiễm bệnh hoặc mình từng nhiễm nhưng đã khỏi bệnh" - bà Watkins nói.
Ông Catton cũng cảnh báo về tình trạng hành hung nhân viên y tế. Ông gọi đó là các hành động "đáng trách và hoàn toàn không thể chấp nhận được", mà nguyên nhân phần lớn là do người dân không hiểu cho công việc của các y, bác sĩ trong khi các nước còn nhiều lỗ hổng trong việc bảo vệ nhân viên y tế.
Mất cân đối trong chính đội ngũ y tá thế giới
Bà Watkins cảnh báo việc xuất khẩu lao động là y tá từ nước nghèo hơn sang các nước giàu hơn đang làm trầm trọng thêm vấn đề ở các nước nghèo.
Một y tá làm việc trong phòng điều trị tích cực ở Dresden, Đức. Ảnh: AP
Bà cũng cho biết khả năng tiếp cận chăm sóc y tế của người dân cũng không đồng đều: "Hiện nay, 80% y tá của thế giới đang phục vụ cho 50% dân số toàn cầu".
Ngoài ra, bà Watkins kêu gọi nước nên đào tạo và tuyển dụng thêm các y tá nam khi nữ giới đang chiếm tỉ lệ áp đảo trong ngành này. Bà coi đó là một cách giúp cải thiện chế độ đãi ngộ đối với các y tá.
"Có bằng chứng rõ ràng là khi có nhiều nam giới tham gia bất kỳ ngành nghề nào trên thế giới, mức lương, thời hạn hợp đồng và điều kiện làm việc sẽ được cải thiện" - bà Watkins nói.
Phần mình, dù hoan nghênh các quốc gia đang có nhiều tiến bộ trong việc đề cao vai trò của y tá nhưng ông Catton cũng kêu gọi các nước tiếp tục có hành động thay đổi hơn nữa nhận thức của người dân để y tá trở thành một nghề hấp dẫn hơn.
Lời cảnh báo của WHO và các đối tác được đưa ra khi nhiều nước đang tung mọi nguồn lực để khống chế đại dịch COVID-19. Nhiều nước bị đặt trong tình trạng báo động vì thiếu hụt cả nhân lực và vật lực trong hệ thống y tế.
Hiện nay, dịch bệnh đã lây lan ra 209 quốc gia và vùng lãnh thổ, khiến ít nhất 1.352.173 người nhiễm bệnh và 75.294 người tử vong, theo chuyên trang theo dõi số liệu Worldometer.