WHO: Thế giới phải chuẩn bị tốt hơn cho đại dịch tiếp theo

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho rằng thế giới phải luôn chuẩn bị sẵn sàng để đối phó với bất kỳ đại dịch nào tương tự COVID-19 có thể xảy đến trong tương lai, hãng tin Reuters cho hay.

Trong buổi họp báo hôm 7-9, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cảnh báo rằng COVID-19 "sẽ không phải đại dịch cuối cùng. Lịch sử dạy chúng ta rằng các đợt bùng phát dịch và đại dịch là một thực tế không thể tránh khỏi".

Do đó, "khi đại dịch tiếp theo xảy đến, thế giới phải sẵn sàng và sẵn sàng hơn nữa" so với những gì các nước đã và đang làm trước đại dịch COVID-19 - ông Tedros nói. 

Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus. Ảnh: REUTERS

Tổng Giám đốc WHO cho rằng "COVID-19 đang dạy chúng ta nhiều bài học". Trong đó, được chăm sóc sức khỏe phải là một quyền của người dân và dịch vụ này cần "vừa túi tiền" của người dân. Vai trò của hệ thống y tế công cộng cần được coi trọng.

"Y tế công cộng là nền tảng của sự ổn định xã hội, kinh tế và chính trị. Điều này đồng nghĩa với việc cần đầu tư vào các hệ thống cho toàn dân để ngăn ngừa, phát hiện và ứng phó với các đại dịch" - ông Tedros nói.

Ông Tedros lưu ý rằng trong nhiều năm qua, các quốc gia đã đầu tư cải tiến công nghệ y dược nhưng "quá nhiều nước đã phớt lờ hệ thông y tế công cộng cơ bản của họ".

Ông Tedros tán dương thông báo mới đây của Thủ tướng Đức Angela Merkel về việc từ nay đến năm 2026, Berlin sẽ chi 4 tỉ EURO để tăng cường hệ thống y tế công cộng. WHO kêu gọi các nước học theo hình mẫu này.

Ông Tedros cũng nhấn mạnh vai trò của các biện pháp phòng dịch đúng đắn, kịp thời và xuyên suốt giúp giảm thiệt hại do COVID-19 gây ra. Những ví dụ được ông nhắc tới là Ý, Mông Cổ, Mauritius, Uruguay, Pakistan, Cambodia, Nhật Bản, New Zealand, Hàn Quốc, Việt Nam...

Tổng Giám đốc Tedros cũng cho biết từ ngày 8-9, Điều lệ Y tế Thế giới (IHR) sẽ được Ủy ban Thẩm định của WHO đánh giá lại. Các chuyên gia sẽ xem xét vai trò của IHR trong đại dịch COVID-19 và đề xuất những sửa đổi cần thiết để hoàn thiện tài liệu quan trọng này.

Cũng trong ngày 7-9, ông Bruce Aylward - một cố vấn cấp cao của Tổng Giám đốc WHO - thông báo về việc Ấn Độ đang đàm phán tham gia chương trình vaccine ngừa COVID-19 mang tên COVAX do WHO tham gia điều phối.

"Giống như mọi quốc gia khác trên thế giới, Ấn Độ chắc chắn đủ điều kiện để trở thành một phần của COVAX. Chúng tôi hoan nghênh sự tham gia của Ấn Độ. Ấn Độ đã có nhiều kinh nghiệm về vaccine" - ông Aylward nói.

COVAX là sáng kiến do WHO phối hợp với Liên minh Vaccine và tiêm chủng toàn cầu (GAVI) và Liên minh Đổi mới sáng tạo Sẵn sàng cho dịch bệnh (CEPI) điều phối. Chương trình này nhằm hỗ trợ phát triển và sản xuất vaccine ngừa COVID-19.

Theo thông báo mới nhất của WHO, 172 quốc gia đã tham gia sáng kiến này. Tuy nhiên, nhiều nước lớn, trong đó có Mỹ, đã tuyên bố không tham gia COVAX.

Tính tới 6 giờ 30 phút sáng 8-9 (theo giờ Việt Nam), thế giới đã phát hiện gần 27.476.400 ca nhiễm COVID-19. Trong đó, hơn 896.360 trường hợp đã tử vong, theo chuyên trang thống kê Worldometer

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm