Xây dựng luật: Cần loại bỏ nguy cơ tham nhũng chính sách

Ngày 26-3, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 11, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đã thảo luận tại hội trường về các báo cáo của QH. Hầu hết ý kiến đều đánh giá cao những thành tựu đã đạt được của QH trong nhiệm kỳ qua. Tuy nhiên, không ít ĐBQH cho rằng: Trong các công tác lập pháp, giám sát... đều có những bài học rút ra cho nhiệm kỳ sau.

Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai - Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội phát biểu
tại phiên thảo luận. Ảnh: QH

Đảm bảo liêm chính để tránh tạo các luật “khuyết tật”

ĐB Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) cho rằng còn tình trạng dự án luật không phù hợp với chính sách.

“Có dự án luật gây bức xúc cho dư luận, có dự án luật chưa đánh giá đầy đủ sâu sắc tác động đến kinh tế - xã hội, tình hình trong nước, quốc tế, không lường trước hậu quả trước mắt và lâu dài. Ví dụ như quy định đưa phạm nhân ra lao động bên ngoài trại giam; bổ sung lực lượng công an cơ sở hàng triệu người, không tính đến những khó khăn, tính khả thi của dự thảo luật…” - ĐB Nhưỡng nêu.

ĐB Nhưỡng cũng đề cập đến công tác thẩm tra, thẩm định các dự án luật còn nhiều sơ hở. “Một số dự án được đưa ra để lọt lưới chính sách, có dấu hiệu “lobby” (vận động hành lang - PV), không lành mạnh, lợi ích nhóm trong xây dựng pháp luật” - ĐB Nhưỡng nói. Thậm chí, với ĐBQH, ĐB Nhưỡng còn cho rằng “còn có trường hợp dĩ hòa vi quý để bấm nút thông qua luật một cách cảm tính, chưa thực sự dành tâm huyết nghiên cứu, thể hiện quan điểm trách nhiệm xây dựng luật pháp”.

ĐB Nguyễn Mai Bộ (An Giang) đặt vấn đề về câu chuyện liêm chính trong xây dựng pháp luật. Theo ĐB này, liêm chính trong công tác xây dựng pháp luật rất cần thiết vì liêm chính sẽ giúp xây dựng được những văn bản pháp luật khách quan, toàn diện, thúc đẩy quan hệ xã hội ngày càng tốt hơn.

“Nếu không có sự liêm chính và đặc biệt tính liêm chính trong quá trình soạn thảo, thẩm tra dự án luật thì sẽ tạo ra những văn bản pháp luật rất nhiều khuyết tật” - ĐB Nguyễn Mai Bộ nói.

Theo ĐB Nguyễn Mai Bộ, ba khuyết tật cụ thể là: Mâu thuẫn, chồng chéo với các văn bản pháp luật đã ban hành trước đó; pháp luật trở thành công cụ để cơ quan soạn thảo hoặc là hiện thực hóa lợi ích của bộ, ngành mình (trong đó có lợi ích xung đột với lợi ích của nhân dân), hoặc là công cụ để chiếm quyền bộ, ngành khác; vòng đời của các văn bản pháp luật đó rất ngắn, làm tốn thời gian, kinh phí để thay thế.

Cảnh báo nguy cơ “tham nhũng chính sách”

ĐB Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) thì cảnh báo tình trạng “tham nhũng chính sách”.

“Nếu rà soát thật kỹ, lật đi lật lại tất cả quy định và đặt chúng trong mối quan hệ tổ chức thực hiện thì có thể nhận thấy có những quy định nếu như không giám sát chặt chẽ quá trình tổ chức thực hiện thì rất có thể dẫn đến nguy cơ tham nhũng chính sách” - ĐB Mai nói.

Theo ĐB Mai, tham nhũng chính sách có thể hiểu là việc cố tình đưa vào các đạo luật, những quy định khi thực hiện sẽ đem lại lợi ích không chính đáng cho một số tổ chức, cá nhân nhất định. Hành vi này đặc biệt nguy hiểm vì nó tạo ra khung pháp lý bảo vệ cho hành vi tham nhũng.

ĐB Mai phân tích: “Ủy ban Thường vụ QH đã ban hành nghị quyết đề nghị rà soát và loại bỏ tất cả những quỹ hoạt động không hiệu quả. Tuy nhiên, hiện nay, bên cạnh những quỹ hoạt động hiệu quả thì vẫn tồn tại hơn 40 quỹ tài chính ngoài ngân sách, trong đó có những quỹ gây lãng phí rất lớn. Điều đáng băn khoăn là trong 72 đạo luật được QH khóa XIV thông qua thì vẫn có đến 1/4 số đạo luật chứa quy định thành lập và duy trì các quỹ tài chính ngoài ngân sách”.

 

Giám sát chặt thì hoạt động tư pháp minh bạch, bớt oan sai

Công tác giám sát theo báo cáo của QH đã có nhiều kết quả tích cực. Đa số ĐBQH cũng thừa nhận điều này. Tuy vậy, câu hỏi cử tri đặt ra là công tác giám sát chuyên đề liệu đã đi đến cùng hay chưa.

ĐB Nguyễn Tuấn Anh (Long An) đưa ra hai ví dụ. Ủy ban Thường vụ QH ban hành nghị quyết yêu cầu hết năm 2019 phải triển khai đồng bộ việc thu phí dịch vụ không dừng đối với tất cả tuyến quốc lộ đầu tư theo hình thức BOT. Tháng 6-2018, nhiều ĐBQH sau khi đi giám sát đã có ý kiến về việc này triển khai vẫn… chậm. “Tuy nhiên, đến nay việc triển khai không chỉ chậm mà còn chưa đồng bộ như nghị quyết của Ủy ban Thường vụ QH yêu cầu” - ĐB Tuấn Anh nêu.

Tương tự, Nghị quyết 43/2017 của QH giao nhiệm vụ đến hết năm 2018 thì kiện toàn cơ bản bộ máy quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm các cấp. “Nhưng đến khi xảy ra một vụ việc, như vụ patê Minh Chay năm 2020 thì dư luận xã hội bức xúc là không rõ cơ quan nào chịu trách nhiệm giải quyết” - ĐB Tuấn Anh nêu.

ĐB Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) nhắc lại yêu cầu phải tăng cường giám sát, đặc biệt chú trọng hậu giám sát mà Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu ngay từ kỳ họp đầu tiên. ĐB Nhưỡng nhận định cả nhiệm kỳ QH đã thường xuyên quan tâm đến chức năng giám sát, thực hiện giám sát trên nhiều lĩnh vực quan trọng.

ĐB Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) thì nhận định giám sát của QH đã góp phần tăng cường sự công khai, minh bạch của lĩnh vực tư pháp. Bà Thủy nói trước đây các báo cáo tư pháp đều đóng dấu mật, gây khó cho các ủy ban của QH. Sau này thì bỏ dấu mật. Những số liệu nào cần mật thì đưa vào phụ lục.

Điều đó giúp cho các báo cáo được công khai, minh bạch và thúc đẩy các ĐBQH hoạt động chất lượng hơn, trách nhiệm hơn.

“Đặc biệt là đã tạo ra áp lực về các cơ quan tư pháp phải luôn phấn đấu để hoàn thành tốt hơn nữa nhiệm vụ được giao” - ĐB Thủy nói.

Theo ĐB Thủy, trong điều kiện số lượng án tăng mạnh so với nhiệm kỳ trước và biên chế phải giảm so với yêu cầu chung, đây là áp lực rất lớn đối với các cơ quan tư pháp. Tuy nhiên, đây cũng là đòi hỏi của nhân dân về một nền tư pháp hoạt động ngày càng hiệu quả hơn.

Ngoài ra, theo ĐB Mai, các quy định liên quan đến quản lý đất đai như bồi thường giải phóng mặt bằng, định giá đất, đấu giá quyền sử dụng đất, thực hiện ưu đãi về quy trình thủ tục, về phân cấp phân quyền các dự án, những mảnh đất có thể phát sinh nguy cơ tham nhũng chính sách.

ĐB Ngô Trung Thành (Đắk Lắk) nói rằng: Tham nhũng chính sách cần phải được phát hiện và loại bỏ. Tuy vậy, ông Thành nói với quy trình xem xét cho ý kiến thông qua luật tại QH như hiện nay thì nhiều điều khoản “cài, cắm” trong các dự án luật đã được chỉnh lý hoặc thậm chí là được loại bỏ.

“Có những nội dung dự án luật QH đã quyết định cần được để lại để nghiên cứu, chuẩn bị thêm. Có không ít nội dung mới được bổ sung vào các dự án luật theo ý kiến của các vị ĐBQH. Tất cả những điều đó, tôi tin rằng không có chỗ cho tham nhũng chính sách xảy ra trong các đạo luật” - ông Thành nói.

Cuối buổi thảo luận, ĐB Vũ Thị Lưu Mai nói lại: “Tôi nghĩ rằng có rất nhiều quy định nếu như không giám sát chặt chẽ sẽ dẫn đến nguy cơ tham nhũng chính sách. Tôi cũng muốn nói rằng chúng ta nên tỉnh táo nhìn nhận những vấn đề làm chưa tròn, thay vì chỉ nói về thành tích không thôi thì có lẽ sẽ là phiến diện”.•

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm