Xếp mai, đào, quất trên xe máy thế nào để không vi phạm luật giao thông?

(PLO)- Nếu người điều khiển xe máy chở đào, quất mà chiều cao, chiều ngang hai bên của cây đào, cây quất vượt quá giới hạn quy định như trên thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định. 

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Trước hết, khi chở đào, quất, cành mai và một số loại hàng hóa khác được chuyên chở bằng xe máy lưu thông trên đường khiến nhiều người cũng lo sợ về vấn đề va quẹt.

Một số bạn đọc thắc mắc người điều khiển xe phải tuân thủ các quy định về xếp hàng hóa trên xe như thế nào?

Dùng xe máy chở đào, quất hay chậu mai cần phải xếp gọn gàng.
Dùng xe máy chở đào, quất hay chậu mai cần phải xếp gọn gàng. (Ảnh minh họa)

Liên quan đến vấn đề này, Luật sư Võ Đan Mạch, Đoàn Luật sư TP.HCM phân tích như sau:

Một là, đào, quất hay cành mai xếp trên xe phải gọn gàng, chằng buộc chắc chắn, không để rơi dọc đường, không kéo lê trên mặt đường và không cản trở việc điều khiển xe (khoản 1 Điều 20 Luật Giao thông đường bộ năm 2008).

Hai là, khi xếp đào, quất vượt phía trước và phía sau xe thì ban ngày phải có cờ báo hiệu màu đỏ, ban đêm hoặc khi trời tối phải có đèn đỏ báo hiệu (khoản 2 Điều 20 Luật Giao thông đường bộ năm 2008).

Ba là, không được xếp đào, quất vượt quá bề rộng giá đèo hàng theo thiết kế của nhà sản xuất về mỗi bên 0,3 mét, vượt quá phía sau giá đèo hàng là 0,5 mét. Chiều cao xếp đào, quất tính từ mặt đường xe chạy không vượt quá 1,5 mét (khoản 4 Điều 19 Thông tư 46/2015 của Bộ GTVT). Trong đó, giá đèo hàng theo thiết kế của nhà sản xuất trên xe mô tô, xe gắn máy được hiểu là một loại baga chở hàng, được tính từ mép hai bên hông và mép sau của baga.

"Nếu người điều khiển xe gắn máy chở đào, quất mà chiều cao, chiều ngang hai bên của cây đào, cây quất vượt quá giới hạn quy định như trên thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật"- luật sư Mạch cho hay.

Theo Luật sư Mạch, tại điểm k khoản 3 Điều 6 Nghị định 100/2019 quy định phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng đối với người điều khiển xe hoặc chở người ngồi trên xe mang vác vật cồng kềnh, xếp hàng hóa trên xe vượt quá giới hạn quy định.

"Ngoài ra, khi thực hiện hành vi trên mà gây tai nạn giao thông, người điều khiển xe gắn máy còn có thể bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 02 đến 04 tháng (điểm c khoản 10 Điều 6 Nghị định 100/2019), phải bồi thường thiệt hại cho người bị tai nạn theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015 (nếu có)"- luật sư Mạch nhấn mạnh.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm