Xu hướng từ chối việc nặng lương cao

(PLO)- Ít áp lực, phù hợp với sở thích, có nhiều thời gian nghỉ ngơi đang là tiêu chí ưu tiên hàng đầu khi tìm việc làm của lao động trẻ.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Nhiều người lao động (NLĐ) trẻ hiện nay có xu hướng chọn công việc theo sở thích, ít áp lực, không tăng ca để dành nhiều thời gian cho bản thân và gia đình. Họ sẵn sàng từ chối mức lương cao, chấp nhận sống tối giản.

Chọn nhảy việc vì hạnh phúc

Chị Hải Yến (26 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh, TP.HCM) tốt nghiệp loại giỏi chuyên ngành du lịch tại một trường có tiếng ở TP.HCM. Sau hai năm gắn bó với nghề hướng dẫn viên du lịch, chị Yến quyết định nghỉ việc, rẽ hướng sang việc làm kinh doanh tự do với mức lương bằng nửa mức lương trước đó.

lao động
Công việc trước đó áp lực cộng với sức khỏe đi xuống là lý do khiến chị Hải Yến quyết định đổi việc. Ảnh: NVCC

Mặc dù trở thành hướng dẫn viên du lịch từng là ước mơ của chị Yến nhưng tính chất công việc này khá áp lực. Chị chia sẻ công việc thường xuyên phải tăng ca, đi xa, đi sớm về khuya khiến sức khỏe của chị ngày càng yếu nên chị phải đổi việc. Quyết định này của chị vấp phải sự phản đối lớn từ gia đình và bạn bè.

“Nhưng tôi quan niệm mình chỉ sống một lần duy nhất nên ưu tiên những gì đem lại niềm vui, hạnh phúc cho mình. Con người sinh ra vốn để hạnh phúc. Tiền tài, danh vọng ai cũng muốn nhưng nếu điều đó quá sức với bản thân thì tại sao mình không lựa chọn sống nhẹ nhàng hơn” - chị Yến nói.

37.235 là số người có nhu cầu tìm kiếm việc làm ở nhiều ngành nghề. Trong đó có đến 11.740 người, chiếm 31,53% tổng nhu cầu tìm kiếm việc làm tập trung ở các nhóm công việc đòi hỏi ít chuyên môn, áp lực công việc thấp.

(Theo báo cáo trong quý I-2024 của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM)

Từng là nhân viên lập trình tại một công ty công nghệ nổi tiếng với mức lương được tính bằng USD, chị LNTN (28 tuổi) nhảy việc vì không muốn bản thân bị “giam” trong môi trường công sở.

Hơn ba năm nghỉ việc, chị N cho biết bản thân đang làm công việc tự do. Mức lương thấp hơn so với trước đây nhưng chị N cảm thấy nhẹ nhàng, không áp lực, không phải đối diện với các buổi họp căng thẳng hay tăng ca đến tận khuya.

Theo chị N, để không phải bỡ ngỡ khi nhảy việc, bản thân người chuyển việc phải chuẩn bị cả về vật chất lẫn tinh thần. Vật chất ở đây cụ thể là tiền đề phòng nếu bản thân không may chưa tìm được việc mới. Tinh thần có nghĩa là bản thân người chuyển việc phải tìm hiểu kỹ về công việc mới mà bản thân mong muốn, chuẩn bị các bước đệm để tăng cơ hội việc làm sau khi chuyển việc.

Còn chị NTDQ (25 tuổi, ngụ quận Tân Bình, TP.HCM) cho biết vài tháng trước chị đã kết thúc hợp đồng lao động với một công ty thời trang nước ngoài có mức lương cao gấp ba lần để chuyển sang làm nhân viên lễ tân cho một công ty nhỏ trong nước.

“Nhìn lại chặng đường ba năm qua với áp lực tăng ca, chạy doanh số hằng tháng cùng những rắc rối trong môi trường làm việc, tôi cảm giác mình ngày càng dễ cáu, hay gắt gỏng và có những hành động cũng như lời nói tiêu cực làm tổn thương người khác. Tôi nhận ra mình bất ổn, tinh thần suy kiệt nên quyết định chuyển sang việc làm có lương thấp hơn để đỡ căng thẳng” - chị Q tâm sự.

Liệu có lợi bất cập hại?

Chia sẻ về vấn đề này, ông Trần Anh Tuấn, chuyên gia dự báo nguồn nhân lực, Phó Chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp TP.HCM, nhận định: “Dù trước đây hay bây giờ, kể cả nam và nữ trong quá trình lao động nếu biết cân bằng thời gian giữa làm việc và chăm lo đời sống cá nhân thì mới thật sự hạnh phúc và bền vững. Tuy nhiên, tính bền vững còn nằm ở chỗ mỗi cá nhân cần liên tục phát triển chứ không đơn thuần là sự lựa chọn lương thấp hay cao, công việc áp lực hay không”.

Theo ThS Nguyễn Trọng Luân, chuyên gia về marketing, đây vừa là thách thức vừa là cơ hội. Nhất là sau đại dịch, sự nghiệp đã trở nên ít quan trọng hơn đối với lao động trẻ.

“Nhìn bề mặt, xu hướng nhảy việc, từ chối việc nặng lương cao có vẻ như bất lợi, thậm chí khiến nhiều nhà tuyển dụng e ngại, thiếu niềm tin vào sự cam kết của ứng viên, là những lao động trẻ, nhưng xét về lâu dài lại có thể mang đến hiệu quả về năng suất lao động.

Thay vì cạnh tranh để thành công, luôn đầu tắt mặt tối, bận rộn nhưng không rõ lý do thì khi làm việc trong tâm thế nhẹ nhàng, điềm tĩnh, với niềm yêu thích thì dù là đang làm việc gì thì các lao động trẻ cũng sẽ thăng hoa và sáng tạo hơn” - ThS Luân.

Ths Nguyễn Trọng Luân.jpeg
Ths Nguyễn Trọng Luân Ảnh: NVCC

Tuy nhiên, cũng theo Ths Luân, để tránh việc “hùa” theo xu hướng, các lao động trẻ cần cân nhắc kỹ lưỡng trước khi đưa ra quyết định.

Đừng vội nhảy việc theo cảm tính

P12_ngay-viec_h2.jpg

Mặc dù tình trạng thất nghiệp vẫn còn ở mức cao nhưng nhảy việc vẫn là thực trạng phổ biến hiện nay, đặc biệt trong giới trẻ, sinh viên mới tốt nghiệp. Nếu chuyển việc chỉ theo cảm tính hoặc chỉ căn cứ đơn thuần vào thu nhập thì sự thiệt hại trước tiên thuộc về NLĐ.

Để có công việc phù hợp với bối cảnh thị trường lao động hiện nay, NLĐ trẻ cần chú ý đến các tổ chức, doanh nghiệp trước công cuộc chuyển đổi số. Từ đó, thấu hiểu xu thế toàn cầu và nâng tầm tư duy, chủ động học tập thường xuyên để phát triển năng lực thực hành nghề nghiệp.

Đồng thời nắm bắt các xu hướng làm việc mới ngày càng đa dạng, ứng dụng AI vào công việc để luôn thích ứng với những biến đổi nhanh của xã hội trong thời kỳ hội nhập và công nghệ, nâng cao năng suất lao động, phát triển việc làm.

Ông TRẦN ANH TUẤN, chuyên gia

dự báo nguồn nhân lực, Phó Chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp TP.HCM

NGUYỄN HIỀN ghi

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm