Trong bức tranh khó khăn chung của nền kinh tế, nhiều mặt hàng nông nghiệp đang có sự tăng trưởng ngoạn mục. Chia sẻ với báo chí, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến lạc quan: “Hết năm 2023, kim ngạch xuất khẩu nông sản có thể đạt được mục tiêu đề ra là 53-54 tỉ USD”.
Có thể đạt mục tiêu 54 tỉ USD
. Phóng viên: Mặc dù xuất khẩu của Việt Nam bị ảnh hưởng tiêu cực bởi suy thoái thương mại toàn cầu nhưng xuất khẩu nông sản vẫn vươn lên bất chấp nghịch cảnh. Ông nhìn nhận ra sao về điều này?
+ Thứ trưởng Phùng Đức Tiến: Về xuất khẩu nông sản, hết 10 tháng đầu năm, chúng ta đã đạt 43,08 tỉ USD, giảm 4,2% so với cùng kỳ. Nguyên nhân do giá trị xuất khẩu một số mặt hàng chính giảm sâu như lâm sản, thủy sản chủ yếu do nhu cầu tiêu thụ của thị trường quốc tế giảm mạnh.
Bù đắp lại, nhóm hàng nông sản lại tăng trưởng rất mạnh. Ví dụ xuất khẩu rau quả đạt 4,91 tỉ USD, tăng 78,9%; gạo đạt 3,97 tỉ USD, tăng 34,9%; hạt điều 2,92 tỉ USD, tăng 14,8%…
Nếu cứ đà này thì hết năm nay xuất khẩu nông sản chúng ta sẽ về đích, đạt được mục tiêu đề ra 53-54 tỉ USD. Vì thông thường, tốc độ tăng trưởng ở hai tháng cuối năm sẽ cao hơn các tháng còn lại.
Đối với hai lĩnh vực đang sụt giảm là lâm sản và thủy sản thì đang có gói hỗ trợ 15.000 tỉ đồng. Tháng trước nghe thống đốc Ngân hàng Nhà nước báo cáo Thủ tướng đã giải ngân được 5.500 tỉ đồng, đến giờ này chắc chắn số tiền giải ngân đã lớn hơn. Việc có thêm nguồn tài chính sẽ giúp các công ty dự trữ nguyên liệu, tăng cường chế biến, xúc tiến thương mại. Hai lĩnh vực thủy sản và lâm sản sẽ góp thêm vào doanh số xuất khẩu năm nay. Đến giờ này lâm sản đã xuất khẩu được 11,6 tỉ USD, thủy sản 7,45 tỉ USD.
Đáng chú ý, xuất siêu nông sản tăng 26,2% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 9,3 tỉ USD.
. Việc ngành nông nghiệp đạt xuất siêu hơn 9 tỉ USD có ý nghĩa thế nào, thưa ông?
+ Xuất siêu nông sản Việt Nam có ý nghĩa rất quan trọng. Xuất siêu giúp cho nền kinh tế có ngoại tệ nhập trang thiết bị máy móc, thiết bị để tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa; góp phần ổn định tỉ giá…
Đến nay xuất siêu tăng hơn 26%, chúng ta hy vọng và sẽ cố gắng để hai tháng cuối năm đạt xuất siêu cao hơn nữa.
Diện tích sầu riêng tăng quá nhanh cũng là vấn đề
. Sầu riêng được đánh giálà điểm nhấn xuất khẩu nông sản của Việt Nam thời gian qua. Tuy nhiên, nhiều ý kiến lo ngại trước tình trạng diện tích sầu riêng tăng nóng, nếu quản lý không tốt thì “sầu riêng lại thành sầu chung”, ông đánh giá thế nào về lo ngại này?
+ Có thể nói sầu riêng là điểm nhấn xuất khẩu nông sản của Việt Nam thời gian qua. Có được kết quả này là do chúng ta đã chủ động xây dựng vùng nguyên liệu từ sớm. Hiện vùng nguyên liệu sầu riêng đang có khoảng 85.000 ha, trong đó diện tích cho thu trái vào khoảng 51%. Tốc độ tăng trưởng của sầu riêng nói riêng và hoa quả nói chung đang rất cao.
Đúng là diện tích sầu riêng tăng quá nhanh cũng là vấn đề. Vì vậy, Bộ NN&PTNT đã đề nghị các tỉnh đánh giá lại nhu cầu thị trường, đánh giá lại sản xuất, dự báo nhu cầu hiện tại và tương lai sắp tới xem với diện tích 85.000 ha thì có phù hợp hay không nhằm ổn định diện tích sầu riêng. Đồng thời đẩy mạnh công tác về giống, biện pháp canh tác… làm sao sản xuất được những trái sầu riêng có chất lượng tốt nhất, năng suất tốt nhất để đảm bảo sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
. Trong các loại nông sản xuất khẩu, gạo cũng là mặt hàng có mức tăng trưởng vượt trội trong năm nay. Vừa qua, Bộ NN&PTNT đã có những chỉ đạo linh hoạt, tăng diện tích lúa hè thu, thu đông để chớp thời cơ xuất khẩu gạo. Thứ trưởng có chia sẻ gì về điều này?
+ Chín tháng đầu năm, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đạt trung bình 553 USD/tấn, cao hơn bình quân của Thái Lan, Ấn Độ. Với tín hiệu thị trường như vậy và đặc điểm cây lúa có vòng đời ba tháng nên việc tổ chức sản xuất cho vụ lúa hè thu, thu đông, đông xuân đã được chúng tôi triển khai rất quyết liệt. Trong đó, 85% số lượng giống lúa là lúa năng suất cao, 89% gạo chất lượng cao.
Nhìn lại 10 tháng đầu năm, Việt Nam xuất khẩu hơn 7 triệu tấn gạo, trị giá đạt gần 4 tỉ USD, tăng 17% về lượng và tăng 35% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Đó là đóng góp của Việt Nam cho an ninh lương thực thế giới, đồng thời cũng bảo đảm an ninh lương thực trong nước, thu lại lợi ích cho người trồng lúa để chúng ta tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu giống, quy trình canh tác, sơ chế, chế biến.
Nhìn chung trong bối cảnh các ngành hàng đều gặp khó khăn về thị trường xuất khẩu do tổng cầu trên thế giới giảm thì các sản phẩm của ngành nông nghiệp tiếp tục có những đóng góp ấn tượng. Đây cũng là điểm sáng trong hoạt động xuất khẩu của cả nước.
. Thưa ông, hai tháng nữa là tới Tết Nguyên đán 2024, ông đánh giá thế nào về việc cung ứng thực phẩm cho nhu cầu cuối năm?
+ Chúng tôi dự báo vào dịp Tết Nguyên đán, nhu cầu thực phẩm tăng 15%-20%. Tuy nhiên, với tốc độ tăng trưởng hiện nay của ngành nông nghiệp và duy trì được an toàn dịch bệnh thì chúng ta không lo gì về thực phẩm cho dịp Tết Nguyên đán.
. Xin cảm ơn Thứ trưởng.
Đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng tăng
Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết xuất khẩu sầu riêng tăng trưởng ngoạn mục. Trong 10 tháng đầu năm, xuất khẩu sầu riêng ước đạt 1,82 tỉ USD, dự báo cả năm sẽ vượt con số 2 tỉ USD.
Tuy nhiên, trái sầu riêng Việt Nam cũng đang phải đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng tăng từ các nước trong khu vực, đặc biệt là từ Thái Lan.
Hơn nữa, xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam qua Trung Quốc tăng trưởng nhanh nhưng vẫn còn thua xa so với Thái Lan, Malaysia. Cụ thể, xét theo tổng lượng nhập khẩu của Trung Quốc thì thị phần của sầu riêng Việt Nam hiện chỉ chiếm khoảng 5%.
Hiệp hội Rau quả Việt Nam cũng cho rằng dù xuất khẩu rau quả đang là điểm sáng nhưng các nhà xuất khẩu cần kiểm soát chặt chất lượng sản phẩm, tuân thủ nghiêm ngặt quy định từ phía nhà nhập khẩu.
Đặc biệt, Việt Nam cần kiểm soát tốt nguồn gốc xuất xứ, hạn chế tối đa tình trạng gian lận mã số vùng trồng để bảo vệ uy tín rau quả xuất khẩu; đáp ứng đầy đủ các quy định về kiểm dịch thực vật từ các nước nhập khẩu; đẩy nhanh việc xây dựng các mô hình sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietG.A.P, GlobalG.A.P…