Ngày 14-10, giao tranh giữa Israel và Tổ chức vũ trang Hồi giáo Hamas kiểm soát Dải Gaza (Palestine) diễn ra quyết liệt, nguy hiểm và có dấu hiệu lan rộng sang các nước láng giềng.
Theo Bộ Y tế Palestine, số người Palestine thiệt mạng trong giao tranh đã tăng lên 2.215, và 8.714 người bị thương. Israel ngày qua không cập nhật thương vong. Số liệu gần nhất mà Israel cung cấp là 1.300 người chết và 3.227 người bị thương.
Israel cảnh báo về “giai đoạn tiếp theo” của cuộc chiến
. Ngày 14-10, Lực lượng Phòng vệ Israel cho biết đã tiến hành “các cuộc tấn công nhỏ” gần Dải Gaza và cảnh báo rằng “bất kỳ ai đến gần biên giới sẽ bị bắn”, theo đài CNN.
“Nhiều tiểu đoàn và lực lượng khác nhau đã được triển khai trên khắp Israel để chuẩn bị nâng cao mức độ sẵn sàng và chuẩn bị cho các giai đoạn tiếp theo của cuộc chiến, đặc biệt là chiến dịch trên bộ quy mô lớn” - theo tuyên bố của Lực lượng Phòng vệ Israel.
Tương tự, người phát ngôn của Lực lượng Phòng vệ Israel - Trung tá Richard Hecht nói rằng Israel đang “chuẩn bị cho các giai đoạn tiếp theo” nhưng ông không nêu chi tiết.
Trong ngày, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã đến thăm các binh sĩ Israel ở miền nam và nói rằng “giai đoạn tiếp theo đang đến”.
Cố vấn An ninh Quốc gia Israel - ông Tzachi Hanegbi ngày 14-10 đã thừa nhận có “sai lầm” trong đánh giá tình báo trước vụ tấn công của Hamas vào Israel hôm 7-10.
“Đó là sai lầm của tôi và cũng là sai lầm của tất cả những người đưa ra đánh giá tình báo. Chúng tôi thực sự tin rằng Hamas đã học được bài học từ cuộc chiến lớn cuối cùng với Israel vào năm 2021” - ông Hanegbi nói, cho biết Israel không nhận được cảnh báo cụ thể nào - kể cả từ Ai Cập - về cuộc tấn công của Hamas cuối tuần qua.
. Ngày qua, các vụ phóng rocket từ Dải Gaza vào lãnh thổ Israel vẫn tiếp diễn. Trong đó, hệ thống phòng thủ tên lửa Iron Dome (Vòm sắt) của Israel đã chặn được 2 vụ nổ lớn, kênh Al Jazeera đưa tin.
Thủ lĩnh nhóm Hamas - ông Ismail Haniyeh ngày 14-10 cáo buộc Israel phạm tội “diệt chủng” ở Dải Gaza trong bài phát biểu trên truyền hình.
“Kẻ thù của chúng ta cùng chính quyền Mỹ và một số nước châu Âu đã làm điều này” - ông Haniyeh nói, đồng thời kêu gọi người dân Palestine không rời khỏi Dải Gaza theo cảnh báo sơ tán của Israel.
Hamas ngày qua cũng tuyên bố 8 con tin (trong đó có 4 người nước ngoài) mà nhóm này bắt từ Israel đã thiệt mạng trong các cuộc tấn công của Israel.
. Israel ngày 14-10 cũng giao tranh ác liệt với nhóm vũ trang Hezbollah gần biên giới Lebanon-Israel. Theo đài CNN, hai bên đã đấu súng trong hơn hai giờ - đánh dấu thời gian giao tranh dài nhất giữa Israel và nhóm Hezbollah kể từ khi xung đột Israel-Hamas bùng nổ tuần trước.
Theo tuyên bố Hezbollah, vào lúc 3 giờ 15 chiều 14-10 (giờ địa phương), nhóm này đã phóng một loạt tên lửa vào các vị trí của Israel tại trang trại Shebaa. Trang trại Shebaa là dải đất tranh chấp giữa Lebanon và Syria, do Israel kiểm soát.
Đáp lại, lực lượng phòng vệ Israel cho biết đã bắn trả nhóm Hezbollah tại các khu vực gần trang trại Shebaa.
Cùng ngày, ông Tzachi Hanegbi - Cố vấn an ninh quốc gia của Thủ tướng Israel đã cảnh báo Hezbollah không nên bị lôi kéo vào cuộc chiến.
“Chúng tôi hy vọng Hezbollah sẽ không gây ra sự tàn phá ở Lebanon, bởi vì nếu xảy ra chiến tranh ở đó thì kết quả sẽ rất tồi tệ” - ông Hanegbi nói, cho biết Israel đang tập trung vào cuộc chiến ở Gaza và “cố gắng không bị lôi kéo vào một cuộc chiến hai mặt trận”.
. Ngày qua, nhiều rocket từ Syria phóng sang lãnh thổ Israel khiến Israel đáp trả bằng việc bắn pháo qua Syria.
Bộ Quốc phòng Syria đã xác nhận việc Israel nhắm mục tiêu vào sân bay Aleppo của Syria vào tối 14-10.
“Kẻ thù Israel đã thực hiện một cuộc không kích từ hướng Biển Địa Trung Hải, phía tây Latakia, nhắm vào Sân bay Quốc tế Aleppo, khiến sân bay bị hư hại vật chất và nó không còn hoạt động nữa” - theo tuyên bố của Bộ Quốc phòng Syria.
Mỹ tiếp tục thể hiện vai trò điều phối xung đột Israel-Hamas
Ngày 14-10, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã điện đàm với Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas, CNN đưa tin.
Theo thông báo từ Nhà Trắng, ông Biden đã lên án “cuộc tấn công tàn bạo của Hamas nhằm vào Israel” đồng thời nhắc lại Hamas “không đại diện cho quyền tự quyết của người dân Palestine”.
Đáp lại, ông Abbas đã thông báo cho ông Biden về những nỗ lực chính quyền Palestine nhằm mang lại sự hỗ trợ nhân đạo cần thiết khẩn cấp cho người dân Palestine, đặc biệt là ở Dải Gaza.
Trước đó cùng ngày, ông Biden cũng có cuộc điện đàm với Thủ tướng Netanyahu để thảo luận về tình hình ở miền nam Israel.
Trong cuộc gọi, ông Netanyahu đã cảm ơn ông Biden “vì sự hỗ trợ sâu sắc và vô điều kiện của Mỹ” cho Israel trong cuộc chiến với Hamas.
CNN dẫn nguồn tin từ hai quan chức Mỹ ngày 14-10 nói rằng Lầu Năm Góc đã điều một nhóm tấn công tàu sân bay thứ hai tới phía đông Biển Địa Trung Hải.
Theo nguồn tin, các tàu chiến Mỹ không có ý định tham chiến ở Dải Gaza hoặc tham gia các hoạt động của Israel, nhưng sự hiện diện của hai tàu mạnh nhất của Hải quân Mỹ là nhằm gửi thông điệp răn đe tới Iran và các lực lượng ủy nhiệm của Iran trong khu vực.
Nhóm tấn công tàu sân bay đầu tiên đã đến ngoài khơi bờ biển Israel vào đầu tuần này.
Cùng ngày, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã đến Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) và thảo luận với Tổng thống UAE Mohamed bin Zayed Al Nahyan về nhu cầu cấp thiết trong việc bảo vệ dân thường và mở các hành lang nhân đạo tới Gaza.
Ông Blinken và ông Nahyan đã nhấn mạnh tính cấp thiết của việc cung cấp viện trợ y tế và cứu trợ đồng thời kêu gọi chấm dứt ngay lập tức các hành động thù địch.
Cả hai cũng thảo luận về những nỗ lực ngoại giao nhằm ngăn chặn sự leo thang hơn nữa trong khu vực.
Iran cảnh báo “hậu quả sâu rộng” nếu Israel không ngừng tấn công Dải Gaza
Ngày 14-10, Phái đoàn Iran tại Liên Hợp Quốc cảnh báo về “những hậu quả sâu rộng” nếu Israel không ngừng các cuộc tấn công vào Gaza, CNN đưa tin.
“Nếu tội ác chiến tranh và nạn diệt chủng của chế độ phân biệt chủng tộc ở Israel không được dừng lại ngay lập tức, tình hình có thể vượt khỏi tầm kiểm soát và gây ra những hậu quả sâu rộng” - theo tuyên bố của phái đoàn.
Trước đó cùng ngày, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Iran - ông Amir Abdollahian cũng bày tỏ quan điểm tương tự trong cuộc gặp với Thủ tướng Qatar - ông Mohammed bin Abdulrahman Al Thani.
“Việc Israel sát hại hàng trăm người Palestine mỗi ngày là không thể chấp nhận được, và tội ác chiến tranh này, cũng như việc phong tỏa Gaza và cắt nguồn nước, thực phẩm và thuốc men, phải chấm dứt” - theo ông Abdollahian.
Ông Abdollahian ngày 14-10 cũng có cuộc gặp với lãnh đạo Hamas Ismail Haniyeh tại thủ đô Doha (Qatar) - đánh dấu cuộc gặp chính thức đầu tiên giữa các quan chức Iran và ông Haniyeh kể từ khi xung đột Israel-Hamas bùng nổ.
Hãng thông tấn IRNA đưa tin về cuộc gặp nhưng không cho biết nội dung thảo luận giữa hai bên.