Trong ngày 18-2, xung đột giữa Israel và phong trào vũ trang Hồi giáo Hamas (kiểm soát Dải Gaza, Palestine) tiếp tục có diễn biến mới.
Theo cập nhật mới nhất của Cơ quan Y tế Gaza, xung đột Israel-Hamas khiến hơn 28.900 người ở dải đất này thiệt mạng và hơn 68.800 người bị thương.
WHO: Bệnh viện lớn nhất Khan Younis ngừng hoạt động
. Ngày 18-2, Lực lượng Phòng vệ Israel cho biết đã hạ hơn 40 thành viên Hamas trên khắp Dải Gaza trong ngày, theo tờ The Times of Israel.
Tại TP Khan Younis (nam Gaza), Lực lượng Phòng vệ Israel cho biết Sư đoàn 98 đã đột kích vào một số vị trí của Hamas, giết một số thành viên của nhóm này và tìm thấy nhiều vũ khí. Trong đó, Lữ đoàn thiết giáp số 7 của sư đoàn đã hạ khoảng 20 thành viên Hamas bằng pháo kích và tiến hành các cuộc không kích nhằm vào Hamas ở phía tây Khan Younis.
Lực lượng Phòng vệ Israel cho biết Lữ đoàn biệt kích và các lực lượng đặc biệt khác tiếp tục kiểm tra bệnh viện Nasser ở Khan Younis và phát hiện thêm nhiều vũ khí tại đây. Phía Israel cho biết đến nay họ đã bắt hơn 100 người nghi là thành viên Hamas tại bệnh viện này.
Tại miền trung Gaza, Lữ đoàn Nahal đã tiêu diệt ít nhất 10 thành viên Hamas.
. Ngày 18-2, người phát ngôn của bệnh viện Al-Aqsa cho biết ít nhất 18 người thiệt mạng và hàng chục người bị thương sau cuộc không kích của Israel vào TP Deir al-Balah (miền trung Gaza).
Hai quan chức y tế cho hay hầu hết người thiệt mạng và bị thương là trẻ em. Họ lo ngại số người chết có thể tăng cao vì nhiều người vẫn đang mất tích, được cho là nằm dưới đống đổ nát.
. Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết bệnh viện Nasser (trung tâm y tế lớn nhất Khan Younis) không còn hoạt động do các cuộc tấn công của Israel trong và xung quanh nơi này.
Hamas khả năng thay lãnh đạo ở Gaza?
. Cùng ngày, Bộ trưởng Quốc phòng Israel – ông Yoav Gallant cho rằng ban lãnh đạo Hamas đang tìm kiếm người thay thế lãnh đạo Hamas ở Gaza – ông Yahya Sinwar, trong bối cảnh các tiểu đoàn Hamas ở Khan Younis bị đánh bại và Israel chuẩn bị tấn công quy mô lớn vào Rafah.
“Hamas không tin tưởng vào các chỉ huy của mình, đây là một điều rất rất đáng chú ý” – ông Gallant nói.
. Ngày 18-2, Thủ tướng Israel - ông Benjamin Netanyahu lần nữa nhấn mạnh quyết tâm “chiến thắng toàn diện trước những kẻ man rợ này” (ám chỉ Hamas).
“Khi chúng ta bắt đầu chiến dịch này, ngay cả những người bạn thân nhất của chúng ta cũng nói với chúng ta rằng điều đó không thể thực hiện được. Nhưng những người lính dũng cảm của chúng ta đang ở trong đường hầm để phá hủy cơ sở hạ tầng của Hamas” – ông Netanyahu nói.
“Quân đội Israel đang trải qua những chặng đường dài mà chưa có quân đội nước nào trải qua trong việc bảo vệ dân thường” – thủ tướng Israel nhấn mạnh.
Trong bài phát biểu, ông Netanyahu chỉ trích Nam Phi vì kiện Israel ra Tòa Công lý Quốc tế và chỉ trích Tổng thống Brazil – ông Lula da Silva vì đã so sánh Israel với Đức Quốc xã.
“Ông ấy nên xấu hổ về bản thân mình” – ông Netanyahu nói.
Nhiều bên bày tỏ sự quan ngại về hoạt động của Israel tại Gaza
. Phát biểu tại Hội nghị An ninh Munich (Đức) hôm 18-2, Ngoại trưởng Jordan – ông Ayman Safadi nói rằng Israel phải chịu trách nhiệm về việc sơ tán hàng triệu người ở Gaza.
"Những gì chúng ta thấy ở Gaza là một cuộc chiến tàn khốc, giết người hàng loạt, hủy hoại sinh kế của 2 triệu người, đẩy người dân xuống vực thẳm, phá hủy bệnh viện, giết chết các nhà báo, bác sĩ và nhân viên cứu trợ nhân đạo” – ông Safadi nói.
. Đại sứ Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) tại Mỹ - ông Yousef al-Otaiba cảnh báo cuộc tấn công của Israel ở Rafah (phía nam Gaza) “sẽ khiến hàng triệu người phải di dời” và kêu gọi các bên “ngừng bắn ngay lập tức ở Gaza”.
“Một lệnh ngừng bắn ngay lập tức và tăng cường viện trợ khẩn cấp là cần thiết để ứng phó với thảm họa nhân đạo ở Gaza. Một nửa số người đang chết đói. Hệ thống y tế đã sụp đổ. Nước sạch đang khan hiếm. Cuộc tấn công của Israel sẽ khiến hàng triệu người phải di dời” – ông al-Otaiba cảnh báo.
Ông al-Otaiba kêu gọi huy động viện trợ quy mô lớn, thiết lập cơ chế để đẩy nhanh việc giao hàng, mở các cửa khẩu biên giới của Israel để chuyển hàng cứu trợ, chỉ định một cơ quan viện trợ của Liên Hợp Quốc điều phối các vấn đề nhân đạo. Ông cũng kêu gọi Hamas cần thả tất cả con tin.
. Trước đó, vào ngày 17-2 Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah El-Sisi bày tỏ "sự phản đối mạnh mẽ" đối với cuộc tấn công của Israel vào TP Rafah.
Trong cuộc điện đàm, hai nhà lãnh đạo thể hiện "mối quan ngại sâu sắc về sự xấu đi của tình hình nhân đạo vốn đã thảm khốc ở Gaza và những trở ngại trong việc cung cấp viện trợ". Ông Macron và ông El-Sisi cũng nhấn mạnh việc khẩn trương tăng dòng viện trợ vào Gaza là điều cần thiết.
"Hai tổng thống bày tỏ sự phản đối mạnh mẽ đối với cuộc tấn công của Israel ở Rafah. Điều này sẽ dẫn đến một thảm họa nhân đạo ở quy mô mới, cấu thành hành vi vi phạm luật nhân đạo quốc tế và sẽ tạo thêm nguy cơ leo thang trong khu vực" – tổng thống Pháp nói.
Biên giới Israel-Lebanon vẫn nóng
. Ngày 18-2, Lực lượng Phòng vệ Israel cho biết một tên lửa chống tăng dẫn đường được bắn từ Lebanon đã đánh trúng lối vào khu vực Shtula (bắc Israel). Phía Israel sau đó đã pháo kích vào địa điểm bắn tên lửa.
. Cùng ngày, Lực lượng Phòng vệ Israel không kích nhằm vào các vị trí của nhóm vũ trang Hezbollah ở làng Yaroun (nam Lebanon).
Phía Israel cũng pháo kích các khu vực Alma ash-Shab và Dhayra (nam Lebanon) để "loại bỏ các mối đe dọa".