Xung đột Israel-Hamas ngày qua vẫn leo thang ở miền nam Gaza, đe dọa các cơ sở y tế trong khu vực bất chấp thương vong dân thường.
Theo số liệu mới nhất của Cơ quan Y tế Gaza, kể từ khi xung đột bùng phát hồi tháng 10-2023 đã 28.663 người Palestine ở Gaza thiệt mạng và 68.395 người bị thương. Riêng ngày 15-2, có đến 87 người thiệt mạng.
Israel đột kích bệnh viện lớn nhất còn hoạt động ở Gaza
. Ngày 15-2, Lực lượng Phòng vệ Israel cho biết đã đột kích bệnh viện Nasser (TP Khan Younis) - bệnh viện lớn nhất đang còn hoạt động ở Dải Gaza - sau nhiều ngày bao vây cơ sở y tế này, theo hãng tin Reuters.
Lực lượng Phòng vệ Israel tuyên bố đã bắt “một số nghi phạm” tại bệnh viện này.
Israel gọi cuộc đột kích vào bệnh viện là “chính xác và có giới hạn”, cho biết cuộc đột kích dựa trên thông tin “đáng tin cậy” rằng các chiến binh Hamas đang giữ con tin trong bệnh viện.
Hamas bác bỏ các cáo buộc trên của Israel, nói rằng đây là một “tình tiết mới trong chuỗi dối trá” của Israel nhằm biện minh cho tội ác chiến tranh và các cuộc tấn công vào các cơ sở y tế ở Gaza.
“Chúng tôi nhiều lần nói rằng chính sách kháng chiến của người Palestine là giữ khoảng cách với các tổ chức công cộng, dân sự cũng như ngành y tế khỏi bất kỳ hoạt động quân sự nào” - kênh Al Jazeera dẫn tuyên bố ngày 15-2 của Hamas.
Theo Cơ quan Y tế Gaza, cuộc đột kích của Israel buộc hàng ngàn nhân viên, bệnh nhân và dân thường đang trú ẩn trong bệnh viện phải sơ tán. Trong đó, 2.000 người đã di chuyển xuống TP Rafah (cực nam Gaza) và nhiều người di chuyển lên TP Deir Al-Balah (miền trung Gaza).
Sau cuộc đột kích của Israel, Phó Tổng thư ký Liên Hợp Quốc phụ trách các vấn đề nhân đạo và cứu trợ khẩn cấp - ông Martin Griffiths bày tỏ sự quan ngại về tình hình của bệnh viện này.
“Bệnh nhân cùng nhân viên và cơ sở y tế phải được bảo vệ. Tôi đã nói điều này trước đây nhưng cần phải nhắc lại: Bệnh viện phải là nơi an toàn, không phải nơi giao tranh” - ông Griffiths viết trên X (trước đây là Twitter).
. Ngày qua, Lực lượng Phòng vệ Israel cho biết một binh sĩ nước này đã thiệt mạng trong cuộc giao tranh ở miền nam Gaza, nâng tổng số binh sĩ Israel thiệt mạng kể từ đầu xung đột lên 235 người.
. Cũng trong ngày 15-2, các quan chức y tế Gaza cho biết cuộc tấn công của Israel vào một ô tô tại TP Gaza đã làm 3 người Palestine thiệt mạng. Chưa rõ danh tính của các nạn nhân.
. Tại Bờ Tây, hãng thông tấn Palestine Wafa đưa tin binh sĩ Israel ngày qua đã đột kích vào làng al-Jalbun và làng al-Jalamah.
Đụng độ xuyên biên giới ác liệt giữa Israel-Hezbollah
Ngày 15-2, nhóm vũ trang Hezbollah (Lebanon) cho biết đã bắn hàng chục quả rocket vào một thị trấn phía bắc Israel trong một “phản ứng sơ bộ” trước vụ không kích của Israel một ngày trước đó, theo Reuters.
Vụ không kích ngày 14-2 của Israel khiến 10 thường dân ở miền nam Lebanon thiệt mạng. Đây là số người thiệt mạng lớn nhất ở Lebanon từ đầu xung đột.
“Kẻ thù sẽ phải trả giá cho những tội ác này. Hezbollah có quyền hợp pháp để bảo vệ người dân của mình” - ông Hassan Fadlallah, một thành viên của Hezbollah nói với Reuters.
Đáp lại cuộc tấn công ngày 15-2 của Hezbollah, Lực lượng Phòng vệ Israel cho biết đã điều các máy bay chiến đấu không kích vào 3 tòa nhà mà Hezbollah sử dụng ở miền nam Lebanon, tờ The Times of Israel đưa tin.
Thủ tướng Israel điện đàm với lãnh đạo Anh, Mỹ
Ngày 15-2, Thủ tướng Anh Rishi Sunak điện đàm với Thủ tướng Israel - ông Benjamin Netanyahu. Trong cuộc điện đàm, ông Sunak cho biết Anh “quan ngại sâu sắc” về thương vong dân thường ở Gaza, đài CNN dẫn thông tin từ Văn phòng Thủ tướng Anh.
Ông Sunak cũng bày tỏ mối quan ngại của Anh về “tác động nhân đạo tàn khốc” nếu Israel triển khai hoạt động quân sự ở TP Rafah.
“Thủ tướng Sunak nhấn mạnh quy mô của cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Gaza và kêu gọi Israel mở hoàn toàn cửa khẩu Kerem Shalom (biên giới giữa Ai Cập, Israel và Gaza) và cho phép chuyển hàng viện trợ quốc tế qua cảng Ashdod (Israel)” - theo tuyên bố của Văn phòng Thủ tướng Anh.
Ngoài ra, ông Sunak cũng nhấn mạnh rằng Israel cần phải tuân thủ Luật Nhân đạo Quốc tế và bảo vệ cơ sở hạ tầng dân sự như bệnh viện và trại tị nạn, tuyên bố cho biết thêm.
Cùng ngày, Thủ tướng Netanyahu cũng có cuộc điện đàm kéo dài 40 phút với Tổng thống Mỹ Joe Biden.
Hai nhà lãnh đạo thảo luận về các con tin, hoạt động quân sự của Israel ở Rafah, giai đoạn tiếp theo trong cuộc chiến với Hamas, và đề cập tình hình nhân đạo ở Gaza, theo The Times of Israel.
Israel cáo buộc Nam Phi lợi dụng Công ước diệt chủng để bảo vệ Hamas
Ngày 15-2, Israel chỉ trích nỗ lực mới nhất của Nam Phi nhằm yêu cầu Tòa Công lý Quốc tế (ICJ) ra lệnh cho Israel dừng chiến dịch chống Hamas ở Gaza.
Israel cũng cáo buộc Nam Phi lạm dụng Công ước diệt chủng để bảo vệ Hamas, theo The Times of Israel.
Phản ứng của Israel được đưa ra vài ngày sau khi Nam Phi yêu cầu ICJ ra lệnh cho Israel ngừng tấn công TP Rafah - nơi mà Israel cho là thành trì lớn cuối cùng của Hamas.
Israel khẳng định không có thay đổi nào về tình hình ở Gaza kể từ khi ICJ đưa ra phán quyết ban đầu trong vụ Nam Phi kiện Israel tội diệt chủng.
Israel bác bỏ thông tin từ Nam Phi rằng Israel đã mở “chiến dịch quân sự chưa từng có” ở Rafah vào ngày 11-2 để giải cứu hai con tin Israel, gọi cáo buộc là “bóp méo thái quá”.
Ngoài ra, Israel cũng cho rằng Hamas mới là bên “coi thường pháp luật” khi phớt lờ yêu cầu của ICJ về việc thả tất cả con tin.