Xung quanh những hỗ trợ và chuyến thăm ngoại giao đến Thổ Nhĩ Kỳ sau động đất

(PLO)- Nhiều đoàn cứu hộ và các chuyến hàng viện trợ đến Thổ Nhĩ Kỳ sau trận động đất xuất phát từ những quốc gia vốn có nhiều "duyên nợ" với nước này, như Nga, Hy Lạp, Phần Lan, Thụy Điển...
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Theo đài CNN, số người thiệt mạng ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria sau trận động đất thảm khốc hôm 6-2 đã lên tới ít nhất 36.217 người. Trong đó, số người chết ở Thổ Nhĩ Kỳ ít nhất là 31.643 người, trong khi số người thiệt mạng ở Syria ít nhất là 4.574 người.

Kể từ khi nhận được thông tin về trận động đất, nhiều quốc gia và tổ chức quốc tế đã cử các đoàn cứu hộ và gửi hàng viện trợ đến Thổ Nhĩ Kỳ, Syria nhằm khắc phục hậu quả thảm họa. Trong số các quốc gia gửi viện trợ đến Thổ Nhĩ Kỳ, nhiều nước vốn đã có mối quan hệ đầy "duyên nợ" với Ankara.

Lực lượng cứu hộ ở Hatay, Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: REUTERS

Lực lượng cứu hộ ở Hatay, Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: REUTERS

Hy Lạp

Trong bài phát biểu chia tay ngay trước thềm Giáng sinh năm 2022, ông Burak Ozugergin - Đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ tại Athens vào thời điểm đó - bày tỏ hy vọng rằng “chúng ta sẽ không cần hỏa hoạn, động đất hoặc các thảm họa khác để nhắc nhở rằng chúng ta là láng giềng của nhau".

Đài DW nhận định những lời này gần như trở thành lời tiên tri chỉ trong vài tuần sau. Trận động đất thảm khốc làm rung chuyển khu vực biên giới miền Nam Thổ Nhĩ Kỳ và miền Bắc Syria dường như đã đưa hai nước láng giềng Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp xích lại gần nhau hơn.

Ở Hy Lạp, cả các chính trị gia và người dân đều bày tỏ sự đồng cảm với Thổ Nhĩ Kỳ sau thiên tai kinh hoàng. Athens ngay lập tức đề nghị giúp đỡ cho Ankara. Tổng thống Hy Lạp, chính phủ, các đảng phái chính trị, đoàn thể và các tổ chức xã hội cũng ngay lập tức bày tỏ sự đồng cảm và sẵn sàng giúp đỡ. Và Hy Lạp – một quốc gia cũng thường xuyên xảy ra động đất – là một trong những quốc gia đầu tiên gửi hỗ trợ cho các hoạt động tìm kiếm và cứu hộ.

Từ Hy Lạp đến Gaziantep - tâm chấn trận động đất hôm 6-2 - không xa và nhờ có kinh nghiệm ứng phó với động đất, chỉ trong vòng vài giờ, đơn vị EMAK đặc biệt của Hy Lạp đã đến vùng bị động đất ảnh hưởng.

Ngoài ra, một chiếc máy bay chở hàng quân sự của Hy Lạp chở theo bác sĩ, chó nghiệp vụ, các vật tư nhân đạo và y tế cũng hướng đến Thổ Nhĩ Kỳ. Các nhà địa chấn học và chủ tịch Cơ quan Bảo vệ Động đất Hy Lạp cũng có mặt trên chuyến bay này.

Qua điện đàm, Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis đảm bảo với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan rằng Athens sẽ dồn mọi nguồn lực của mình cho nỗ lực cứu hộ. Đồng thời, ông Mitsotakis cũng chuyển sự ủng hộ và lời chia buồn sâu sắc của chính phủ, người dân Hy Lạp về thương vong sau trận động đất.

Lực lượng cứu hộ Hy Lạp mang theo chó nghiệp vụ để hỗ trợ công tác cứu hộ. Ảnh: AP

Lực lượng cứu hộ Hy Lạp mang theo chó nghiệp vụ để hỗ trợ công tác cứu hộ. Ảnh: AP

Đích thân Ngoại trưởng Hy Lạp Nikos Dendias đã đến Thổ Nhĩ Kỳ trong ngày 12-2.

Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ thường xảy ra mâu thuẫn về tranh chấp lãnh thổ và di cư, thường xuyên đe dọa và đổ lỗi cho nhau.

Theo hãng tin AP, mối quan hệ giữa Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ trở nên đặc biệt căng thẳng trong gần 3 năm qua. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã nhiều lần nói rằng quân đội Thổ Nhĩ Kỳ có thể đổ bộ vào Hy Lạp “bất thình lình trong đêm”, thậm chí còn đe dọa tấn công Athens bằng tên lửa đạn đạo.

Tuy nhiên căng thẳng ngoại giao đã giảm bớt trong tuần này sau động thái hỗ trợ và thăm hỏi của Hy Lạp với Thổ Nhĩ Kỳ sau thảm họa động đất.

Phần Lan và Thụy Điển

Sau khi nhận được tin động đất kinh hoàng gây thiệt hại lớn ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria, Bộ Ngoại giao Phần Lan hôm 7-2 cho biết nước này sẽ gửi khoản viện trợ nhân đạo trị giá 1 triệu euro cho hai quốc gia trên thông qua Liên đoàn Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế (IFRC), theo Tân Hoa xã.

Số tiền này sẽ được sử dụng để cung cấp thực phẩm, chỗ ở, vật tư y tế và hỗ trợ sức khỏe tinh thần cho những người bị mất nhà cửa ở Syria và Thổ Nhĩ Kỳ.

Cũng trong hôm 7-2, chính phủ Thụy Điển cho biết nước này sẽ gửi 30 triệu kronor Thụy Điển (tương đương 2,8 triệu USD) cho Thổ Nhĩ Kỳ và Syria. Trong số tiền này, 20 triệu kronor sẽ được phân phối thông qua IFRC và phần còn lại sẽ được chuyển đến Quỹ ứng phó khẩn cấp trung ương của Liên Hợp Quốc (CERF). Trước đó, hôm 6-2, Thụy Điển đã quyết định gửi 7 triệu kronor cho các nước bị ảnh hưởng.

Bộ trưởng Hợp tác Phát triển Quốc tế và Ngoại thương Johan Forssell cho biết viện trợ từ Thụy Điển sẽ được chi cho thực phẩm, lều, chăn, máu và huyết tương để hỗ trợ nỗ lực cứu hộ sau thảm họa.

Đồng thời, Phần Lan cũng cử các chuyên gia đến Thổ Nhĩ Kỳ để hỗ trợ công tác cứu hộ và cứu trợ. Theo đó, các chuyên gia sẽ được triển khai thông qua Cơ chế Bảo vệ Dân sự của Liên minh châu Âu (EU).

Lực lượng cứu hộ cố gắng giải cứu một trẻ em dưới đống đổ nát. Ảnh: REUTERS

Lực lượng cứu hộ cố gắng giải cứu một trẻ em dưới đống đổ nát. Ảnh: REUTERS

Mối quan hệ giữa Phần Lan, Thụy Điển và Thổ Nhĩ Kỳ trước đó khá căng thẳng xung quanh nỗ lực gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) của 2 quốc gia Bắc Âu.

Hôm 1-2, tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ cho biết Ankara có quan điểm tích cực về đơn xin gia nhập NATO của Phần Lan, nhưng không ủng hộ nỗ lực gia nhập của Thụy Điển.

"Thụy Điển không nên thử gia nhập vào thời điểm này. Chúng tôi sẽ không nói 'đồng ý' với đơn xin gia nhập NATO của họ chừng nào họ còn cho phép đốt kinh Koran" - hãng tin Reuters dẫn lời ông Erdogan.

Nga

Nga là nước đầu tiên gửi nhân lực vật lực ứng cứu cho Thổ Nhĩ Kỳ ngay sau thảm họa, nhờ có sự hiện diện ở nước láng giềng Syria.

Theo tờ The Moscow Times, ngày 6-2, Nga đã triển khai 300 nhân viên quân sự giúp khắc phục hậu quả trận động đất ở Syria và Thổ Nhĩ Kỳ.

Bộ Quốc phòng Nga cho biết các nhân viên và 60 đơn vị khí tài quân sự đã bắt đầu "dọn dẹp đống đổ nát, tìm kiếm nạn nhân và hỗ trợ y tế ở những khu vực bị tàn phá nặng nề nhất".

Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Syria Bashar al-Assad và Tổng thống Erdogan, đồng thời hứa sẽ lực lượng cứu hộ tới cả hai nước sau trận động đất.

Hôm 8-2, thủy phi cơ Beriev Be-200 Altair của Bộ Tình trạng khẩn cấp Nga đã hạ cánh xuống sân bay Adana, Thổ Nhĩ Kỳ để hỗ trợ hoạt động cứu hộ, theo hãng thông tấn Tass. Hơn 100 nhân viên cứu hộ từ Bộ Tình trạng Khẩn cấp Nga cũng được cử đến Thổ Nhĩ Kỳ, tiến hành các hoạt động tìm kiếm và cứu hộ tại tỉnh Kahramanmaras - nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất sau trận động đất.

Nhân viên cứu hộ cố gắng cứu những người bị mắc kẹt trong đống đổ nát của một tòa nhà bị sập ở Izmir, Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: AP

Nhân viên cứu hộ cố gắng cứu những người bị mắc kẹt trong đống đổ nát của một tòa nhà bị sập ở Izmir, Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: AP

Thổ Nhĩ Kỳ là quốc gia có tầm quan trọng đáng kể với Nga về ngoại giao. Ngay từ những ngày đầu Nga tiến hành “chiến dịch quân sự đặc biệt” ở Ukraine, Ankara đã nỗ lực đóng vai trò trung gian hòa giải giữa Moscow và Kiev nhằm giải quyết tình trạng bế tắc ngoại giao giữa hai nước.

Hồi tháng 1, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu thừa nhận tiến trình ngoại giao để giải quyết cuộc xung đột Nga - Ukraine ngày càng trở nên phức tạp, bất chấp việc Moscow và Kiev ban đầu đạt được tiến triển, theo đài RT.

Tuy nhiên, ông Cavusoglu cũng tuyên bố Thổ Nhĩ Kỳ vẫn sẽ tiếp tục các nỗ lực trung gian hoà giải như một phần của thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen do nước này và Liên Hợp Quốc làm trung gian. Tuyên bố trên cũng sẽ áp dụng đối với việc trao đổi tù nhân giữa Moscow và Kiev, cũng như giảm thiểu rủi ro tại nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia.

Cyprus

Chính phủ Cyprus hôm 8-2 cho biết Thổ Nhĩ Kỳ đã chấp nhận lời đề nghị từ nước này gửi lực lượng cứu hộ tới hỗ trợ tìm kiếm những người sống sót sau trận động đất. Trước đó, hôm 7-2, Bộ Ngoại giao Cyprus cho biết yêu cầu tương tự đã bị Ankara “lịch sự từ chối”, theo AP.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Cyprus Demetris Demetriou cho biết hỗ trợ của quốc gia này được tiến hành thông qua Cơ chế Bảo vệ Dân sự của Liên minh châu Âu. Theo đó, đội cứu hộ gồm khoảng 20 thành viên.

Ông Demetriou không cho biết rõ nhóm cứu hộ sẽ được cử đi đâu ở Thổ Nhĩ Kỳ. Bộ Ngoại giao Cyprus cũng đang phối hợp với các cơ quan để tổ chức quyên góp viện trợ nhân đạo cho Thổ Nhĩ Kỳ.

Quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Cyprus từ lâu ẩn chứa nhiều căng thẳng. Thổ Nhĩ Kỳ không công nhận Cyprus với tư cách là một quốc gia. Ngoài ra, Thổ Nhĩ Kỳ còn cho đồn trú hàng chục nghìn quân tại miền Bắc đảo Cyprus.

Nhân viên cứu hộ ở Izmir, Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: AP

Nhân viên cứu hộ ở Izmir, Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: AP

Theo Reuters, hồi tháng 9-2022, Tổng thống Erdogan cảnh báo sẽ tái củng cố sự hiện diện quân sự ở miền bắc Cyprus sau khi Mỹ dỡ bỏ các hạn chế thương mại quốc phòng đối với quốc đảo này.

"Mỹ đã coi thường và thậm chí khuyến khích các bước đi của hai nước Cyprus - Hy Lạp nhằm đe dọa hòa bình và ổn định ở phía đông Địa Trung Hải. Điều này sẽ dẫn đến một cuộc chạy đua vũ trang trên đảo Cyprus" - ông Erdogan nói.

"Chúng tôi sẽ đứng yên ư? Chúng tôi không thể" - ông nói. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ cũng cho biết thêm rằng nước này đã có 40.000 binh sĩ trên đảo và sẽ tăng cường vũ khí, đạn dược, phương tiện trên bộ, hải quân và trên không cho các binh sĩ này.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm