Xã làm ngơ cho khai thác đá trái phép?

Gần năm nay, nhiều vườn cây lâu năm ở xã Sông Trầu, huyện Trảng Bom, Đồng Nai bị xới tung để lấy đá. Hàng chục lượt xe ben chở đá đi lại cày nát nhiều đoạn đường làng nên người dân bức xúc gửi đơn lên các cơ quan chức năng.

Đất vườn thành hầm đá

Mới đây, có mặt tại nhiều khu vườn trồng cây lâu năm thuộc ấp 3, xã Sông Trầu chúng tôi chứng kiến nhiều xe cuốc, xe ben lật tung các khu vườn để lấy đá.

Tại một hầm đá hơn 1 ha nằm giữa vườn chuối của bà C., chúng tôi thấy một xe chuyên dùng đang gạt những cây chuối vào một góc rồi múc từng tảng đá lên chiếc xe ben đậu bên cạnh. Khi đầy xe, chiếc xe ben rời khỏi hiện trường, phóng ầm ầm trên con đường đất đỏ, bụi bay mù mịt. Sau khi chiếc xe ben chạy đi, xe chuyên dùng tiếp tục gạt cây cối, múc những khối đá lớn chất đống trên mặt đất.

Rời khỏi điểm khai thác đá này, chúng tôi tiếp cận thêm bốn điểm khai thác khác nằm cách đó không xa. Tại đây, chúng tôi nhận thấy hàng chục hecta đất sản xuất bị máy xúc công suất lớn và những người khai thác đào bới, lật tung từng khoảnh, tạo những hầm hố. Chỉ riêng ở ấp này, có ít nhất năm hầm khai thác đá trái phép đang hoạt động trên diện tích hàng chục hecta.

Một chiếc xe múc đang đào bới lấy đá trong vườn bà C. và những tảng đá đang tập kết, chờ đưa đi tiêu thụ. Ảnh: TD

Theo những người dân nơi đây, trước đây họ trồng chuối, cà phê, tiêu, mía nhưng sau đó một số người đến đặt vấn đề mua đá dưới lòng đất hoặc mua đứt cả khu vườn để khai thác đá. Cụ thể, sau khi tìm hiểu, các cai đá sẽ mua “quyền khai thác đá” với giá 10 triệu đồng/1.000 m2. Sau đó cai đá đưa máy móc vào khai thác đến khi nào hết đá thì thôi. Cách thứ hai là chủ đất giao hết việc khai thác cho bên mua, chỉ ngồi đếm chuyến lấy tiền. Cứ mỗi xe đá chạy ra khỏi hầm, cai đá sẽ trả cho chủ đất 300.000 đồng. Sau đó cai đá mang bán cho các cá nhân, doanh nghiệp chế biến với giá từ 1 đến 1,5 triệu đồng/xe tùy loại…

Chính quyền không biết?

Một hộ dân nơi đây cho biết với nhiều hầm đá không phép, từ sáng sớm đến tối mịt, mỗi ngày có hàng chục lượt xe chở đá quá tải cày nát con đường. Chuyện tránh xe ben té nhào xuống ruộng gãy tay, rớt đá xuống đường không hiếm gặp. “Chúng tôi làm đơn gửi các cơ quan chức năng yêu cầu kiểm tra không cho xe tải chạy trên các con đường làng và sửa chữa lại những chỗ hư hỏng để đảm bảo an toàn giao thông nhưng không thấy họ xuống kiểm tra hay trả lời gì” - ông Trần Công Tân ở xã này nói.

Bên cạnh đó, việc khai thác đá trái phép còn gây ô nhiễm tiếng ồn, khói bụi… “Chúng tôi đã phản ánh tình trạng này lên xã và huyện nhưng đến nay vẫn chưa có hồi âm. Phải chăng các cơ quan chức năng làm ngơ cho khai thác đá trái phép?” - một người dân nói.

Liên lạc với chính quyền địa phương để phản ánh tình trạng khai thác đá trái phép, bà Đỗ Thị Hồng Châu - Chủ tịch xã Sông Trầu nói: “Chúng tôi phải báo cáo lên cấp trên xin ý kiến chỉ đạo của huyện rồi mới trả lời báo chí. Tuy nhiên, giờ cuối năm nên chúng tôi có rất nhiều việc phải hoàn thành cho kịp tết nên chưa thể tiếp phóng viên được, hẹn dịp khác nhé”.

Theo ông Ngô Đức Vượng, Phó phòng TN&MT huyện Trảng Bom, hiện trên địa bàn xã Sông Trầu có hai cơ sở chuyên xẻ đá. Nguồn đá mua từ mỏ đá Thống Nhất và từ những người dân cải tạo vườn. Sau khi xẻ, họ bán trong nước và xuất khẩu. Sau khi kiểm tra, hai cơ sở này vi phạm về môi trường nên cơ quan chức năng yêu cầu ngưng nhưng họ vẫn lén lút hoạt động. “Việc mua bán và khai thác đá trái phép, xã chưa báo cáo nên Phòng TN&MT chưa biết. Chúng tôi sẽ cho kiểm tra và ngăn chặn tình trạng trên” - ông Vượng nói.

TIẾN DŨNG

Sở TN&MT tỉnh Đồng Nai sẽ kiểm tra ngay

Chiều 16-1, ông Mai Công Khiển, chuyên viên phòng Khoáng sản (thuộc Sở TN&MT Đồng Nai), cho biết: Sở chưa nhận được phản ánh của người dân cũng như của xã Sông Trầu, huyện Trảng Bom về việc khai thác đá “mồ côi” tại địa phương này. “Chúng tôi sẽ kiểm tra ngay và sẽ có biện pháp ngăn chặn, xử lý. Nếu có chuyện người dân bán đá dưới lòng đất, chúng tôi sẽ xử phạt về hành vi sử dụng đất không đúng mục đích. Với cá nhân, tổ chức khai thác và tiêu thụ đá “mồ côi” sẽ xử phạt về hành vi khai thác và tiêu thụ khoáng sản trái phép. Đồng thời, sẽ xem xét, xử lý trách nhiệm của chính quyền địa phương đã để xảy hiện tượng khai thác đá trái phép” - ông Khiển nói.

Theo quy định, nếu khai thác đá “mồ côi” để làm bê tông và làm đường thì thuộc thẩm quyền cấp phép của tỉnh. Còn việc khai thác đá để xẻ ra làm đá ốp lát thì thuộc thẩm quyền cấp phép của Bộ TN&MT.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm