Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 112, đưa ra nhiều chính sách quan trọng liên quan đến quản lý dân cư thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ Công an. Cụ thể, các giấy tờ như sổ hộ khẩu, sổ tạm trú, chứng minh nhân dân và một số loại giấy tờ khác sẽ bị bãi bỏ, thay thế vào đó chúng sẽ được cập nhật vào dữ liệu dân cư quốc gia, công dân sẽ được cấp số định danh cá nhân để Nhà nước quản lý.
Trung tướng Trần Văn Vệ, Quyền Tổng Cục trưởng Tổng cục Cảnh sát. Ảnh: TUYẾN PHAN
Thông tin này nhanh chóng thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận, nhiều người không khỏi vui mừng khi nỗi phiền hà mang tên “sổ hộ khẩu” bấy lâu nay sắp bị bãi bỏ. Bên cạnh đó, rất nhiều người cũng đặt câu hỏi sau khi bỏ sổ hộ khẩu thì con em của người dân đến từ các tỉnh lẻ (chưa có hộ khẩu) có được nhập học tại các thành phố như Hà Nội, TP.HCM… hay không?
Ngày 7-11, liên quan đến vấn đề này, Trung tướng Trần Văn Vệ (Quyền Tổng Cục trưởng Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an) cho biết bỏ hộ khẩu không có nghĩa bỏ quản lý con người. Thực chất, Nhà nước vẫn sẽ quản lý công dân theo hộ khẩu nhưng bằng công nghệ thông tin, trên thế giới không nước nào bỏ quản lý theo hộ khẩu cả, chỉ bỏ tờ giấy hộ khẩu, chuyển sang quản lý con người bằng công nghệ thông tin.
Cụ thể hơn, Thượng tá Trần Hồng Phú (Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát đăng ký, quản lý cư trú và dữ liệu quốc gia về dân cư - C72 Bộ Công an) cho biết bỏ sổ hộ khẩu tức là chỉ bỏ sử dụng cuốn sổ hộ khẩu bằng giấy, thay vào đó là quản lý bằng hệ thống công nghệ thông tin; mọi chính sách, thủ tục về đăng ký, quản lý cư trú của công dân vẫn thực hiện bình thường.
Thượng tá Trần Hồng Phú, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát đăng ký, quản lý cư trú và dữ liệu quốc gia về dân cư. Ảnh: TUYẾN PHAN
Bản thân quyển sổ hộ khẩu chỉ có ý nghĩa xác định nơi cư trú của công dân chứ không phải là thủ tục để thực hiện quản lý. Hiện các bộ, ngành đang dựa vào sổ hộ khẩu để xác định về con người và nơi cư trú của họ, tức là dựa vào đó để giải quyết thủ tục hành chính.
“Lấy ví dụ như trong khu vực chỉ có một trường học để phục vụ một số lượng nhất định mà thôi, khi số lượng vượt quá khả năng, người ta không biết dựa vào đâu thì sổ hộ khẩu là một căn cứ để họ giới hạn lại. Sau này dù bỏ sổ hộ khẩu nhưng anh là người ở đâu, cư trú tại nơi nào thì thông tin vẫn có trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư” - Thượng tá Phú cho hay.
Như vậy, việc bỏ sổ hộ khẩu sẽ không ảnh hưởng đến các chính sách khác, bản thân quyển sổ hộ khẩu không thể giới hạn số lượng người nhập học. Khi hạ tầng kinh tế xã hội phát triển, đảm bảo được nhu cầu của người dân thì khi đó sẽ không hạn chế nữa.
“Dự vào sổ hộ khẩu để quản lý hành chính là đúng nhưng các bộ, ngành không được lạm dụng quá. Điều này đã được quy định trong văn bản pháp luật” - Thượng tá Phú nói.
Tương tự, đối với việc đăng ký xe, dù bỏ sổ hộ khẩu nhưng công dân vẫn phải thực hiện thủ tục đăng ký tại nơi mình có hộ khẩu cư trú.
“Điểm khác biệt lớn nhất là anh không cần phải mang cuốn sổ hộ khẩu bên mình, chỉ cần mang thẻ căn cước hoặc mã số định danh cá nhân tới là cơ quan công an có thể trích xuất thông tin” - phó Cục trưởng C72 cho biết.