Thí điểm sản xuất điện từ rác thải

Nhà máy có công suất 200 kg/ngày, sử dụng chất thải thực phẩm được lấy từ chương trình phân loại chất thải rắn tại phường Bến Nghé (quận 1). 

Tích cực phân loại rác tại nguồn

Mô hình thử nghiệm được đặt tại bãi chôn lấp Phước Hiệp do Citenco quản lý (thuộc Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc, huyện Củ Chi) với diện tích khoảng 300 m2. Thời gian thử nghiệm là tám tháng kể từ tháng 10-2016.

Việc đầu tư thí điểm mô hình này là giải pháp tốt nhằm cải thiện hiện trạng xử lý chất thải tại TP.HCM hiện nay. Nếu giai đoạn thí điểm thành công, TP có thể phát triển mở rộng với sự hỗ trợ từ chính phủ Nhật thông qua hình thức hỗ trợ ODA, chính sách hợp tác công-tư (PPP). Chính phủ Nhật luôn đồng hành và hỗ trợ doanh nghiệp (DN) Nhật khi tham gia đầu tư tại nước ngoài nói chung và TP.HCM nói riêng.

Tuy nhiên, để có thể giảm gánh nặng ngân sách cho chi phí xử lý rác thải, TP cần phải thực hiện hiệu quả hoạt động phân loại rác tại nguồn. Việc thực hiện hoạt động này không chỉ dừng lại ở giải pháp tuyên truyền, vận động người dân tự nguyện tham gia thực hiện mà phải là bắt buộc người dân phải thực hiện phân loại rác tại nguồn trước khi chuyển giao. Việc bắt buộc này phải đi kèm với giải pháp chế tài hiệu quả.

Đoàn thanh niên Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị TP.HCM đang hướng dẫn người dân quận Tân Phú thực hiện phân loại rác tại nguồn... Ảnh: MG

Đầu tư xử lý môi trường

Ông Takimoto Koji, Trưởng đại diện Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật (JETRO) tại TP.HCM, cho biết trong tháng 11-2016, chính phủ Nhật đã tổ chức đưa đoàn DN Nhật hoạt động trong lĩnh vực môi trường sang tìm hiểu đầu tư tại Việt Nam. Trong đợt tham khảo thị trường Việt Nam lần này có 25 DN hoạt động trong lĩnh vực môi trường. Bao gồm các DN chuyên đầu tư hệ thống xử lý chất thải cho nhà máy sản xuất, chất thải rắn đô thị, nước thải đô thị. Ngoài ra còn có những DN thiết kế phần mềm cảnh báo phòng, chống nguy cơ liên quan đến thiên tai như bão lũ, ngập lụt, sóng thần… Trong thời gian tới, các DN Nhật hoạt động trong lĩnh vực môi trường sẽ đầu tư mạnh vào Việt Nam.

Ông Takimoto Koji cho hay để chuẩn bị cho DN Nhật tham gia vào lĩnh vực môi trường tại thị trường Việt Nam, chính phủ Nhật đã có sự chuẩn bị hỗ trợ từ trước. DN Việt Nam cũng có thể tận dụng tối đa những chính sách mà chính phủ Nhật đang áp dụng hỗ trợ như chính sách hỗ trợ ODA, PPP. Ngoài ra, với những DN tư nhân thì tùy vào nhu cầu và mức độ đầu tư, lĩnh vực đầu tư mà DN Nhật sẽ áp dụng nhiều chính sách hỗ trợ linh hoạt khác như trả chậm theo tiến độ hoặc theo thực tế vận hành hoặc trả theo chi phí vận hành…

Triển khai thực hiện dự án “Khu phố xanh”

Từ năm 2013, Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị TP.HCM đã triển khai thực hiện dự án “Khu phố xanh”. Bước đầu thí điểm thực hiện quy mô nhỏ với hơn 100 hộ dân tham gia. Đến nay chương trình đã nhận được sự đồng thuận và tự giác thực hiện phân loại chất thải rắn tại nguồn trước khi chuyển giao cho lực lượng nhân viên vệ sinh thu gom của gần 3.000 hộ dân tại sáu tuyến đường quận Tân Phú. Đơn cử như Lê Khôi (phường Phú Thạnh), Lê Lư (phường PhúThọ Hòa), Tân Sơn Nhì (phườngTân Sơn Nhì), Cây Keo (phường Hiệp Tân), Trần Hưng Đạo và Độc Lập (phường Tân Thành) và chín lốc chung cư A, B, C, D, E, F, G, H, J phường Tây Thạnh.

Theo thống kê của Sở TN&MT TP.HCM, mỗi ngày TP phát sinh khoảng 7.600 tấn rác và hiện có 75% lượng rác được xử lý theo công nghệ chôn lấp tại bãi rác Đa Phước (huyện Bình Chánh).

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Vĩnh Long: Điều động, luân chuyển nhiều cán bộ

Vĩnh Long: Điều động, luân chuyển nhiều cán bộ

(PLO)- Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Long đã công bố quyết định bổ nhiệm, luân chuyển nhiều cán bộ, trong đó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Long Hồ giữ chức Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy