Hôm qua (7-4), truyền thông quốc tế dẫn số liệu từ các cơ quan chống dịch Trung Quốc (TQ) đồng loạt đưa tin lần đầu tiên kể từ cuối tháng 1-2020, các cơ quan y tế TQ không ghi nhận ca tử vong nào vì dịch bệnh COVID-19.
“Tôi đã thông tin về số liệu liên quan dịch COVID-19 tại TQ, trong đó bao gồm cả những ca nhiễm đến từ nước ngoài. Tuy nhiên, điều đáng chú ý hơn cả mà tôi nghĩ cần phải nhấn mạnh đó là: Lần đầu tiên kể từ hôm 25-1, khi Ủy ban Y tế Quốc gia (TQ) bắt đầu công bố và cập nhật số liệu mỗi ngày (về dịch bệnh), đất nước này ghi nhận không có ca tử vong mới” - phóng viên báo The Guardian (Anh) viết vào sáng 7-4 (giờ Việt Nam).
Tập trung đối phó dịch từ bên ngoài
Thực tế, theo hãng thông tấn Tân Hoa Xã, TQ đại lục kể từ tháng 3 đã ghi nhận số ca nhiễm giảm đáng kể. Tuy nhiên, nước này đối mặt với làn sóng dịch bệnh lần thứ hai - tương tự nhiều quốc gia khác như Singapore, Úc, Nhật Bản - đến từ các bệnh nhân nhập cảnh về TQ từ nước ngoài. Theo báo cáo của các cơ quan y tế TQ, có đến 1.000 bệnh nhân COVID-19 về TQ trong những ngày gần đây. Có những ngày, như thứ Hai (ngày 6-4), 100% các ca nhiễm mới đều là “nhập khẩu”.
TQ đánh giá việc áp dụng các biện pháp hạn chế nhập cảnh thời gian qua đã mang lại hiệu quả trong việc ngăn chặn “nhập khẩu” dịch bệnh. Cụ thể, nước này đóng cửa đất nước với người nước ngoài; các chuyến bay quốc tế bị cắt giảm từ hàng chục ngàn xuống mức 3.000 chuyến/ngày trong tháng 4 này. TQ cũng bắt đầu xét nghiệm tất cả hành khách nhập cảnh.
Hãng tin France 24 (Pháp) dẫn nguồn tin từ các quan chức y tế TQ cho hay mối quan tâm hàng đầu của chính quyền Bắc Kinh hiện nay chính là quản lý chặt tình trạng các bệnh nhân COVID-19 về từ nước ngoài (nhưng chưa xuất hiện các triệu chứng như sốt, ho khan, khó thở, hay lo lắng, bối rối…). Ví dụ như hôm 6-4, TQ phát hiện tám hành khách nhập cảnh nhiễm COVID-19 nhưng không có triệu chứng. Cũng tính đến thời điểm này, TQ đang theo dõi tất cả 1.033 bệnh nhân COVID-19 dạng này.
Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) Robert Redfield cho biết ít nhất 25% bệnh nhân nhiễm COVID-19 không có biểu hiện bệnh. Thực tế, nhiều bệnh nhân có thể khỏi bệnh mà không cần chữa trị (và họ cũng không biết bản thân từng nhiễm virus). Các bệnh nhân không triệu chứng vẫn có thể lây virus cho những người xung quanh.
Ngoài ra, hiện có khoảng 1,4 triệu sinh viên TQ đang mắc kẹt ở nước ngoài, trong đó có 400.000 người đang học tập tại Mỹ, theo báo The New York Times. Trong khi tình hình dịch bệnh tại Mỹ và phương Tây nói chung đang diễn biến xấu đi, làn sóng người TQ quay trở về đất nước là điều tất yếu mà TQ phải tính toán nếu không muốn tái diễn đại dịch lần thứ hai.
Các nhân viên phun xịt khử trùng một khu vực mua sắm nhỏ ở TP Vũ Hán trước khi cho phép hoạt động kinh doanh quay trở lại. Ảnh: TÂN HOA XÃ
Nới lỏng phong tỏa, phục hồi kinh tế
Các quan chức Vũ Hán (TQ) cho biết thành phố này chuẩn bị mở cửa trở lại, cho phép các phương tiện giao thông di chuyển ra khỏi phạm vi thành phố kể từ hôm nay (8-4). Trước đó, ngày 23-1, thành phố này bị phong tỏa để ngăn dịch lan mạnh. Các thành phố khác tại TQ chịu thiệt hại ít hơn từ đại dịch cũng đã bắt đầu hoạt động trở lại.
Với đặc thù thể chế và văn hóa chính trị, TQ yêu cầu nhiều nhà máy hoạt động trở lại, đặt ra các chỉ tiêu về tiêu thụ điện, nước. Mục đích chính của chính quyền các cấp là đưa các cơ sở sản xuất trở lại hoạt động dù người dân tại đây vẫn ái ngại đến công sở, xí nghiệp để làm việc khi dịch bệnh vẫn còn. Điều này dẫn đến tình trạng nhiều nhà máy mở điện, mở nước nhưng không hoạt động.
Số ca tử vong vì dịch trong hai tuần qua ở TQ giảm rất mạnh so với giai đoạn trước, chỉ dao động trong khoảng 1-7 trường hợp. Cụ thể, hai tuần qua có 55 người tử vong, trong đó có 51 trường hợp tại Vũ Hán. (Theo báo THE GUARDIAN) |
Theo báo SCMP, hơn 460.000 doanh nghiệp tại TQ đã đóng cửa vô thời hạn trong quý đầu tiên năm 2020. Chỉ tính riêng lĩnh vực xuất khẩu đã có 26.000 doanh nghiệp đóng cửa. Trong khi đó, giai đoạn này có 3,2 triệu doanh nghiệp đăng ký thành lập, giảm 29% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong hoàn cảnh khó khăn, lãnh đạo TQ vẫn duy trì quan điểm phải đạt được các mục tiêu kinh tế trong năm 2020. Chuyên gia Ma Jun, Ủy ban Chính sách tiền tệ thuộc Ngân hàng Nhân dân TQ, là một trong số nhóm quan điểm nhận định: Bắc Kinh nên hạ mục tiêu tăng trưởng năm nay, vì hiện tại còn nhiều điều chưa chắc chắn về ảnh hưởng của đại dịch.
Tuy nhiên, nhóm quan điểm thứ hai, trong đó có Yu Yongding, chuyên gia kinh tế Học viện Khoa học xã hội TQ, thì cho rằng chính phủ vẫn nên kỳ vọng vào tăng trưởng năm nay nhưng cần có mục tiêu thực tế hơn.
Kiểm soát đường không, đường bộ và đường biển Tại cuộc họp hôm 6-4 của Ban chỉ đạo TQ về phòng, chống dịch COVID-19 do Thủ tướng Lý Khắc Cường chủ trì, Bắc Kinh nhấn mạnh ngoài đường hàng không, TQ cũng chú trọng vào ngăn chặn dịch tràn vào đại lục thông qua các tuyến đường bộ, cảng biển ở cấp độ địa phương, theo Tân Hoa Xã. Biện pháp đưa ra là tăng cường các cơ quan kiểm soát y tế địa phương, các cơ sở xét nghiệm tại các điểm giao thông ở khu vực biên giới. Dù vậy, các hoạt động luân chuyển hàng hóa giữa TQ và các nước vẫn sẽ được đảm bảo. |